Khu phố văn hoá không… văn hoá
Hầu hết các khu phố tại TP.HCM đều được công nhận là khu phố văn hoá, nhưng hình ảnh không văn hoá tràn lan nhiều nơi.
Khu phố văn hoá không… văn hoá
Hầu hết các khu phố tại TP.HCM đều được công nhận là khu phố văn hoá, nhưng hình ảnh không văn hoá tràn lan nhiều nơi.
Theo Quyết định số 4946 của UBND TP.HCM ban hành tiêu chuẩn khu phố văn hóa (KPVH) giai đoạn 2012 – 2015, trong số 5 tiêu chuẩn như đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định, tinh thần văn hoá lành mạnh, môi trường cảnh quan sạch đẹp và xây dựng văn minh đô thị… với tổng thang điểm 100, thì tiêu chuẩn môi trường cảnh quan sạch đẹp và xây dựng văn minh đô thị chiếm 14 điểm. Một khu phố để được công nhận là KPVH phải 3 năm liên tục đạt các tiêu chuẩn nói trên với tổng điểm từ 95 – 100 điểm. Thực tế nhiều KPVH có hình ảnh không đẹp, trái ngược với yêu cầu chặt chẽ mà quy định đã đề ra.
Tràn lan lấn chiếm, nhếch nhác…
PV Thanh Niên ghi nhận trong những ngày vừa qua, có hàng chục nhóm người tràn ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè câu cá; thậm chí có nhiều nhóm còn để xe máy ngổn ngang nhưng không hề thấy UBND các phường cử lực lượng ra xử lý. Con kênh này thuộc địa bàn của nhiều KPVH như KPVH 3 (P.13, Q.3) và KPVH 4 (P.9, Q.3), KPVH 2 (P.14, Q.Phú Nhuận), KPVH 1, 3 (P.3, Q.Tân Bình) và KPVH 3, 5 (P.5, Q.Tân Bình)…
Tình trạng lấn chiếm, nhếch nhác không chỉ phổ biến trên các tuyến đường mà ngay tại những vị trí treo bảng KPVH cũng xảy ra tràn lan. Một quán nhậu cạnh bảng KPVH 3 (P.3, Q.Tân Bình) chiếm trọn vỉa hè để xe cho khách nhưng cũng không thấy lực lượng chức năng xử lý. Cũng tại P.3, phía dưới bảng KPVH 1 xuất hiện một quán cà phê cóc lấn chiếm đường hẻm. Cách đó không xa là một điểm thu gom phế liệu để xe máy, ô tô tràn ra vỉa hè, lòng đường. Những hình ảnh lộn xộn, mất mỹ quan này xuất hiện hầu hết các quận huyện, nơi PV Thanh Niên đi qua, như: ngay dưới bảng KPVH 3, P.17 và KPVH 1, P.21 (Q.Bình Thạnh); các KPVH dọc các trục đường lớn như Huỳnh Tấn Phát thuộc địa bàn P.Tân Thuận Đông, P.Phú Thuận (Q.7); Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú)…
Riêng tại hẻm 270B Lý Thường Kiệt thuộc KPVH 1, P.6 (Q.Tân Bình), người dân sống bất an trước những tệ nạn. “Đánh bài, trộm cắp, đá gà đủ hết, tôi sống ở đây mà còn không hiểu tấm bảng KPVH treo trước hẻm có ý nghĩa gì nữa. Khi họp tổ dân phố người dân cũng bức xúc phản ánh nhưng cũng không giải quyết được, đâu cũng vào đó”, bà P.T.M (ngụ hẻm 270B) ngao ngán. Dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Đào Duy Từ (thuộc địa bàn Q.10, Q.5) cũng có nhiều KPVH, tuy nhiên hiện tượng mại dâm vẫn ngang nhiên chèo kéo khách giữa ban ngày. Một người kinh doanh trên đường Đào Duy Từ nói: “Những người chèo kéo mại dâm hay tập trung tại quán cà phê hẻm 56F Đào Duy Từ, P.5, Q.10). Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu quán cà phê đó không nằm ngay trước bảng KPVH 2”.
Trước những tệ nạn mà người dân phản ánh ở KPVH 1, một cán bộ P.6 (Q.Tân Bình) cho rằng: “Phường chỉ phòng chống là chính còn quản lý hết cả khu quả thực rất khó”. Trong khi đó, ông Lưu Công Trường, Chủ tịch UBND P.3 (Q.Tân Bình), nói: “Tình trạng lấn chiếm, mất vệ sinh, câu cá trái phép… ở các KPVH là không hay rồi nhưng phường xử lý không xuể” (!?).
Bà Lê Thị Bích Khanh, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, khẳng định: “Quận sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu ở các phường để tăng cường công tác quản lý trật tự, mỹ quan đô thị ở các KPVH. Trong tuần tới quận xét danh hiệu KPVH năm 2015, nếu như phường nào không tập trung chấn chỉnh được hiện tượng nhếch nhác kéo dài thì quận kiên quyết không công nhận”.
Phải mạnh dạn rút danh hiệu
Theo thống kê của Sở VH-TT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”), trên địa bàn TP có 1.760 KPVH, ấp văn hoá trên tổng số hơn 1.990 khu phố, ấp (chiếm tỷ lệ lên đến gần 90%); trong đó Q.Tân Bình có 103/117 khu phố được công nhận KPVH (tỷ lệ hơn 88%), Q.10 có 75 KPVH (tổng số 79 khu phố, tỷ lệ hơn 94%), Q.7 có 48 KPVH (tổng số 53 khu phố, tỷ lệ hơn 94%), Q.Bình Thạnh có 73 KPVH (tổng số 89 khu phố, tỷ lệ hơn 82%)…
Bà Đặng Hồng Linh, Trưởng phòng Văn hoá gia đình (Sở VH – TT) cho biết từ năm 2006 đến nay, xét công nhận danh hiệu KPVH được giao cho Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cấp quận, huyện. Chính vì vậy mà quận, huyện, phường, xã quản lý địa bàn, cơ sở chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng KPVH. “Chất lượng phong trào phụ thuộc rất lớn vào đánh giá của cấp quận, huyện. Đánh giá sao cho đúng thực trạng, không được chiếu lệ, qua loa hoặc là chạy theo thành tích, chạy theo chỉ tiêu”, bà Linh nhìn nhận và cho rằng bên cạnh sự nỗ lực đáng ghi nhận của những người làm công tác vận động xây dựng KPVH, hiện tượng nhếch nhác do một bộ phận nhỏ người dân thiếu ý thức còn tồn tại ở nhiều nơi.
Theo ông Huỳnh Công Hùng – Uỷ viên Thường trực HĐND TP.HCM, Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2015 – 2020 đặt ra mục tiêu xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình… Nếu như chỉ nhìn vào số liệu thống kê về KPVH thì có thể nói TP đã đạt được tiêu chí “văn minh” rồi. Tuy nhiên, thực tế thì không được “đẹp” như vậy. Nhiều địa phương thiếu kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nên còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, xả rác gây ô nhiễm môi trường. “Khu phố văn minh, sạch đẹp thì chính người dân sở tại được hưởng lợi. Tuy nhiên quận, huyện, phường, xã quản lý địa bàn mà để nhếch nhác, gây bức xúc thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu và TP cần phải xử lý kiên quyết”, ông Hùng nói và đề nghị phải mạnh dạn rút danh hiệu nơi nào không chấn chỉnh, thiếu sự kiểm tra, chế tài, xử phạt nghiêm minh hành vi vi phạm.
Từ năm 2009, HĐND TP.HCM từng ra Nghị quyết số 39 về “Tiếp tục vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP.HCM”. Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP (là người chủ trương thực hiện nếp sống văn minh đô thị thời điểm ra nghị quyết), những hiện tượng không đẹp ở KPVH cứ hằng ngày diễn ra mà không chế tài xử lý triệt để thì thực tế khó đảm bảo được văn minh đô thị. “Giải quyết vấn đề này, cái chính là chính quyền kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp vi phạm, đồng thời kiên trì vận động chứ không chỉ ra quân theo đợt và được công nhận rồi thì bỏ bê”, bà Thảo nói.
Kinh nghiệm từ một khu phố
Khu phố 3, P.Tam Phú (Q.Thủ Đức) liên tục 10 năm đạt danh hiệu KPVH. Báo cáo điển hình tại hội nghị tổng kết 3 năm kế hoạch của Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của ban công tác mặt trận khu phố, ấp trên địa bàn TP giai đoạn 2012 – 2015, ông Phạm Đức Thành, Trưởng ban công tác mặt trận khu phố 3, cho biết cứ vào ngày cuối tuần đều vận động tất cả người dân dành 15 phút thu gom rác thải trên đường, tự giác làm sạch môi trường sống; vận động thành lập các tổ bảo vệ môi trường, tích cực xoá quảng cáo, rao vặt sai quy định; buôn bán không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
|
Tân Phú – Vũ Phượng