11/01/2025

Buông lỏng trùng tu di tích

Chuyện mảng chạm quý của di tích quốc gia đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc) bị thay bằng chi tiết không liên quan trở thành dẫn chứng mới nhất cho tình trạng không đảm bảo yếu tố gốc khi trùng tu di tích.

 

Buông lỏng trùng tu di tích

 

Chuyện mảng chạm quý của di tích quốc gia đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc) bị thay bằng chi tiết không liên quan trở thành dẫn chứng mới nhất cho tình trạng không đảm bảo yếu tố gốc khi trùng tu di tích.



 


Đình Ngọc Canh nhận di tích quốc gia năm 1984 - Ảnh: T.L

Đình Ngọc Canh nhận di tích quốc gia năm 1984 – Ảnh: T.L


Nhóm Đình làng Việt, nơi tập trung nhiều người trẻ mê kiến trúc cổ, lại xôn xao vì một kiến trúc cổ bị tổn hại.

Mảng chạm cũ không còn
Cụ thể, nhóm phát hiện mảng chạm quý của di tích quốc gia đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc) bị thay thế bằng một mảng chạm không liên quan. “Thật xót xa khi mảng chạm thú vị của đình Ngọc Canh, một cặp nam nữ đang giao hoan, bên cạnh là người có bộ râu ngó nhìn miệng cười tủm tỉm đã biến mất với toàn bộ thanh rường dưới cùng. Thay vào đấy là thanh rường đục mới không có giá trị nghệ thuật”, Hiếu Trần – một thành viên của nhóm cho biết.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng mảng chạm bị mất là một cuộc đấu vật chứ không phải đôi nam nữ giao hoan. Ông Bình đồng ý mảng chạm bị mất là mảng chạm quý hiếm, cung cấp thông tin dân tộc học về việc một cuộc đấu vật được tổ chức như thế nào từ y phục, trang sức đến không gian.
Mảng chạm đó càng trở nên quý hiếm hơn khi đặt trong hệ thống chạm khắc của đình Ngọc Canh. Đây là ngôi đình nổi tiếng với nghệ thuật chạm khắc gỗ. Bức chạm nổi tiếng nhất của đình là “Đánh cờ” được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật VN. Bức chạm cũng được in trên tem bưu chính nước nhà.
Buông lỏng trùng tu di tích - ảnh 1

Mảng chạm (khoanh trong ảnh trên) đã thay đổi (ảnh dưới) – Ảnh: Hiếu Trần

Dấu hỏi về quy trình trùng tu
Di tích cấp quốc gia như đình Ngọc Canh lại có thể dễ dàng bị thay mảng chạm, trong khi lẽ ra việc bảo đảm yếu tố gốc của di tích là điều mọi cuộc tu bổ đều phải bảo đảm. Một người dân gốc ở Hương Canh (nơi có đình Ngọc Canh) cho biết: “Vào những năm 2008, trước khi trùng tu, mái phía này bị dột nặng nên nước ngấm vào mảng chạm bốn tầng. Bức phía dưới vừa là mảng chạm vừa là giá đỡ nên có dấu hiệu bị mục. Cho nên có thể khi hạ giải phải thay mới”.
Cũng theo người dân này, có hai mảng điêu khắc mặt rồng đao mác đời Lê bằng gốm Hương Canh khác rất quý hiếm hiện đã không còn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình xác nhận, đúng là mảng chạm ở đình Ngọc Canh đã thay đổi so với trước đây.
Cũng phải nói thêm, đình Ngọc Canh là ngôi đình thuộc cụm đình Tam Canh: Hương Canh – Ngọc Canh – Tiên Canh nổi tiếng ở Vĩnh Phúc. Trước khi thành viên Đình làng Việt phát hiện mảng chạm bị tráo ở Ngọc Canh thì cũng chính họ đã phát hiện ra việc đình Tiên Canh bị trùng tu một cách cẩu thả. Đơn vị trùng tu đã dùng cuốc xẻng gạt ngói rơi xuống vỡ nát trong khi đúng quy trình phải dỡ ngói bằng tay. Như vậy, ở Vĩnh Phúc việc trùng tu dường như luôn có chuyện để cộng đồng không an tâm.
Không riêng gì Vĩnh Phúc, khi trùng tu đình Quang Húc ở Ba Vì, Hà Nội, đơn vị thi công cũng định bỏ cặp nghê cổ ở đây để thay thế bằng cặp nghê mới. Cặp nghê mới này do đơn vị trùng tu làm không hề giống với cặp nghê cổ cả về kiểu dáng và kích cỡ. Chưa kể xà của khán thờ cũng đã bị thay thế bằng xà mới chạm trổ khác với xà cũ. Chùa Sổ, Thanh Oai, Hà Nội khi hạ giải cũng suýt vất bỏ nhiều cấu kiện quý, mảng chạm đẹp trong khi việc tận dụng tối đa những cấu kiện cũ, theo GS Trần Lâm Biền, là một nguyên tắc quan trọng của trùng tu. Một đống đổ nát với những mảnh vỡ của ngói cổ, cấu kiện gỗ của chùa bị chất đống dưới sân chùa không được che đậy vứt lăn lóc khi trùng tu chùa Sổ từng bị dư luận lên án. Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã “gặp nạn” với cấp quản lý huyện. Suối Khe Thẻ, nơi cư dân cổ thực hành các nghi lễ tín ngưỡng quan trọng, đã bị đào xới và đổ bê tông. Vụ việc này bị chuyên gia UNESCO chứng kiến tận mắt khi vào tham quan.
Năm 2012, sư trụ trì chùa Trăm gian cũng đã tự lo kinh phí, tự ý hạ giải để làm mới nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp trước sân tiền đường. Không chỉ có một số tháp được xây mới, toàn bộ tường bao của tháp ở chùa Trăm gian cũng đã bị làm sai lệch mà theo Sở VH-TT Hà Nội thì: “Quá trình tu bổ có một số chi tiết sai lệch so với phê duyệt”. Tháng 10.2015, Sở VH-TT Hà Nội đã có Công văn số 218/SVHTT-QLDT báo cáo UBND TP.Hà Nội về việc kiểm tra, khắc phục, tu sửa cấp thiết tại di tích chùa Trăm gian. Theo đó, Sở đề nghị UBND H.Chương Mỹ khẩn trương chỉ đạo, tổ chức hội nghị xin ý kiến của các cấp quản lý di tích, các chuyên gia để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tu sửa đối với các yếu tố gốc của di tích tại chùa Trăm gian, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.
“Nếu các mảng chạm ở đình Ngọc Canh bị thay đổi thì cần phải hoàn trả lại mảng chạm như cũ tại đây. Rất may là hình ảnh về mảng chạm cũ vẫn còn được lưu lại trong sách nghiên cứu mỹ thuật cổ. Đơn vị trùng tu nào đã để xảy ra chuyện đó, nhà quản lý nào đã buông lỏng cho lỗi xảy ra, cần quy trách nhiệm cho rõ”, một chuyên gia về trùng tu cho biết.
Đình Ngọc Canh thờ Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập là hai con đồng thời là hai tướng giúp Ngô Quyền đánh quân Nam Hán ở thế kỷ thứ 10. Do không còn ngọc phả nên việc xác định niên đại dựa vào dân gian và nghệ thuật kiến trúc của đình. Các nhà nghiên cứu cho rằng, theo kiến trúc và điêu khắc thì có thể đình được xây dựng thời Hậu Lê, khoảng 1740 – 1786. Đình được nhận danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984.

Trinh Nguyễn