10/01/2025

​Trầm cảm có ý định tự tự: Phải chuyển vào cấp cứu ngay

Đó là ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhân câu chuyện một cán bộ thư viện nhảy lầu tự tử vì trầm cảm kéo dài.

 

​Trầm cảm có ý định tự tự: Phải chuyển vào cấp cứu ngay

 

 

Đó là ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhân câu chuyện một cán bộ thư viện nhảy lầu tự tử vì trầm cảm kéo dài.

 

 

 

 

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Trịnh Thị Bích Huyền đánh giá việc hình thành ý định tự tử khi trầm cảm nghĩa là đã ở mức độ nặng, mức độ cấp cứu trong tâm thần học.

“Khi trầm cảm, đôi khi ý định tự sát của bệnh nhân rất mãnh liệt”, BS Bích Huyền nhận định.

Lúc này, việc khuyên giải, động viên của gia đình, đồng nghiệp lúc này chỉ có thể hoá giải một phần, không đủ để triệt tiêu được ý định tự sát của bệnh nhân trầm cảm.

“Mình nghĩ là khuyên thì họ sẽ nghe mình nhưng đôi khi thực tế không phải vậy”, BS.CKII Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ.

Theo các bác sĩ, việc cần làm ngay là đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu để các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời.  

“Đó là một tình huống cấp cứu. Phải có sự can thiệp của các bác sĩ trong việc điều trị và quản lý bệnh nhân. Việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân bước ra khỏi trạng thái trầm cảm và thấy lạc quan hơn”, BS Trịnh Thị Bích Huyền đưa ra lời khuyên.

Nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân trầm cảm

Bên cạnh đó, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân cũng chia sẻ rằng người nhà nên tìm hiểu nguyên nhân gây trầm cảm và sát cánh cùng bệnh nhân, chia sẻ, động viên và nâng đỡ họ về mặt tinh thần.

Sự nâng đỡ này có thể bằng nhiều cách như trò chuyện chân tình, không phê phán những suy nghĩ tiêu cực, công nhận nỗi đau của họ, hướng người bệnh vào những hoạt động thể thao, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, từ thiện…

“Người nhà nên bình tĩnh và kiên nhẫn với bệnh nhân trầm cảm. Đừng vì thiếu kiên nhẫn mà nói những điều gây tác động xấu lên tâm lý của bệnh nhân”, ThS Vũ Cẩm Vân đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra, theo thạc sĩ Vũ Cẩm Vân, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân trầm cảm đến gặp bác sĩ tâm lý. Bằng chuyên môn của mình, bác sĩ tâm lý sẽ giúp bệnh nhân trầm cảm triệt tiêu những suy nghĩ tiêu cực trong lòng.

Mặt khác, cũng nên loại bỏ những phương tiện có thể gây nguy hiểm cho người trầm cảm xung quanh môi trường họ đang ở như dao, thuốc hoặc cách ly họ với những toà nhà cao tầng…

“Theo tôi, quan trọng hơn cả là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nếu thấy những biểu hiện như buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, bất an… thì gia đình nên hướng người thân của mình đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời”, thạc sĩ Vũ Cẩm Vân chia sẻ thêm.

AN NHIÊN