10/01/2025

Ngày nóng đêm lạnh: rất dễ đổ bệnh

Đã qua tháng 12, nhiệt độ một số nơi tại TP.HCM vẫn cao 34-35OC, ngoài trời có cảm giác 37-38OC, nóng nực như giữa hè. Nhiệt độ chênh lệch tương đối cao giữa ngày và đêm làm sức khoẻ người già và trẻ em dễ bị ảnh hưởng.

 

Ngày nóng đêm lạnh: rất dễ đổ bệnh

 

 

Đã qua tháng 12, nhiệt độ một số nơi tại TP.HCM vẫn cao 34-35OC, ngoài trời có cảm giác 37-38OC, nóng nực như giữa hè. Nhiệt độ chênh lệch tương đối cao giữa ngày và đêm làm sức khoẻ người già và trẻ em dễ bị ảnh hưởng.




Do bệnh tăng đột biến, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Do bệnh tăng đột biến, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Chiều 7-12, ngồi tại phòng bệnh của khoa nội tim mạch Bệnh viện Thống Nhất để chăm sóc cha là ông Hồ Văn Mịch (87 tuổi, ở Q.11, TP.HCM), ông Hồ Chí Dũng, 52 tuổi, kể cha ông mắc bệnh cao huyết áp 30 năm nay. Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, cha ông thường có cơn cao huyết áp khẩn cấp phải nhập viện. 2g khuya 4-12, huyết áp cha ông tăng rất cao, chân tay tê, mất kiểm soát, không nói được nên ông đưa cha đến Bệnh viện Thống Nhất nhập viện điều trị.

“Cơn cao huyết áp 
khẩn cấp”

Bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Bé Hai, trưởng khoa nội tim mạch Bệnh viện Thống Nhất, cho biết thời tiết thay đổi, chuyển lạnh làm nhiều người, đặc biệt người cao tuổi mắc bệnh cao huyết áp, dễ có những cơn cao huyết áp khẩn cấp.

Những ngày gần đây, khoa nội tim mạch Bệnh viện Thống Nhất liên tục tiếp nhận những bệnh nhân trên 60 tuổi bị những cơn tăng huyết áp khẩn cấp. Trước đây, mỗi đêm trực trong khoa chỉ có 1-2 ca thì những ngày này đã tăng đến 5-7 ca.

Cơn tăng huyết áp khẩn cấp thường bắt đầu bằng triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, ù tai, tức ngực, mệt, khó thở hoặc có khi có cơn yếu nửa người thoáng qua… Khi đo huyết áp cho người bệnh trong lúc này sẽ thấy huyết áp của người bệnh đột ngột tăng cao.

Những người bị cơn cao huyết áp khẩn cấp nếu không được điều trị kịp thời dễ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

Bác sĩ Bé Hai cho rằng để phòng tránh những cơn cao huyết áp khẩn cấp, những người mắc bệnh cao huyết áp phải uống thuốc đều đặn, đầy đủ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần giữ ấm cho cơ thể, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Trong thời gian này, buổi sáng thời tiết thường lạnh do vậy cần tập trễ hơn những ngày trước để tránh bị nhiễm lạnh.

Ngoài ra, người bệnh cần theo dõi huyết áp thường xuyên, khi phát hiện huyết áp tăng cao nên đến bệnh viện ngay.

ThS.BS Lê Hà Hồng Thạnh, phó khoa nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoảng hai tuần nay, số bệnh nhân mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện tại khoa tăng cao.

Trước đó, trung bình mỗi ngày trong khoa chỉ có 8 ca mắc các bệnh này nhập viện thì nay lên đến 12 ca. Những ngày gần đây, đa số bệnh nhân nhập viện với lý do ho nhiều, khó thở hoặc sốt li bì.

Theo bác sĩ Hồng Thạnh, thời tiết trở lạnh, độ ẩm cao, vi trùng, nấm mốc trong không khí nhiều dễ gây kích ứng đến đường thở, tăng phản ứng đường thở, gây co thắt phế quản, bệnh nhân dễ bị khò khè, khó thở.

Trong số những bệnh nhân nhập viện, chiếm đa số là bệnh nhân trên 70 tuổi. Đây là lứa tuổi có sức đề kháng kém nên rất dễ mắc bệnh khi thời tiết chuyển mùa.

Để tránh mắc bệnh trong thời gian này, bác sĩ Hồng Thạnh khuyên người già cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, nếu thời tiết về đêm lạnh cần đóng cửa sổ khi ngủ, ra đường nên đeo khẩu trang để tránh gió, bụi. Cần ăn uống đầy đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Nên tắm bằng nước ấm, sau khi tắm nhớ lau khô để nước không ngấm vào người. Cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, nên chích ngừa bệnh cúm mỗi năm/lần.

Những người trên 65 tuổi, mắc bệnh hen suyễn và phổi tắc nghẽn mãn tính cần chích ngừa viêm phổi do phế cầu khoảng 3-5 năm/lần.

Trẻ dễ mắc bệnh 
đường hô hấp, suyễn

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết không khí lạnh sẽ làm niêm mạc đường thở hanh khô, là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, virút dễ thâm nhập nên trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp.

Do vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cần cho trẻ uống nước đầy đủ để niêm mạc đường thở luôn có độ ẩm, ăn đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc ấm, tránh bị gió lùa. Nên cho trẻ rửa tay thường xuyên.

Một điều cũng cần lưu ý là không để trẻ tiếp xúc với những người đang bị bệnh cũng như nên cho trẻ chích ngừa cúm.

Thời tiết chuyển lạnh không chỉ làm trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp mà còn khiến nhiều trẻ dễ bị lên cơn suyễn.

Điều làm bác sĩ Anh Tuấn lo lắng hơn cả là khi thời tiết chuyển lạnh sẽ có những trẻ bị lên cơn suyễn lần đầu. Lúc này gia đình trẻ chưa biết cách phòng ngừa cũng như cắt cơn suyễn cho trẻ, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Với những trẻ mắc bệnh suyễn đã được chẩn đoán, cần tiếp tục sử dụng thuốc chứ không được giảm liều hoặc ngưng thuốc phòng ngừa. Trong thực tế các bác sĩ đã gặp những trường hợp trẻ bị lên cơn suyễn do cha mẹ tự ngưng thuốc phòng ngừa cho trẻ.

Bác sĩ Anh Tuấn nhấn mạnh những trẻ thường lên cơn suyễn mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi khám để bác sĩ cho thuốc dự phòng.

Số ca sốt xuất huyết nhập viện vẫn ở mức cao

Dù thời gian này những cơn mưa đã ít xuất hiện nhưng các bác sĩ cho biết số người dân mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện vẫn ở mức cao.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần 49 (từ ngày 30-11 đến 6-12) toàn TP có 970 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tương đương với số ca trung bình của bốn tuần trước là 972 ca.

Từ đầu năm đến hết tuần 49, toàn TP có 18.743 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 7 trường hợp tử vong, cao hơn số ca tử vong năm 2014 (5 ca).

THUỲ DƯƠNG

Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khá cao

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, thời tiết năm nay tại Nam bộ rất đặc biệt do lượng mưa ít. Tổng lượng mưa tại Nam bộ năm 2015 giảm 20-30% so với lượng mưa trung bình các năm trước.

Khi lượng mưa thiếu hụt, thời tiết sẽ thất thường. Tuy đã qua tháng 12, nhiệt độ một số nơi tại TP.HCM vẫn cao, từ 34-35OC, ngoài trời có cảm giác 37-38oC, nóng nực như giữa hè.

Mấy ngày qua trời quang mây nên cường độ bức xạ tăng dẫn tới lượng tia cực tím cũng tăng.

Thời điểm này nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm tương đối cao. Tại TP.HCM, nhiệt độ vào ban đêm khoảng 25oC. Do nhiệt độ cao, người dân có cảm giác khô hanh.

Theo bà Lan, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, không khí lạnh lan truyền xuống phía nam yếu đi rất nhanh. Tại TP.HCM, dịp từ Noel đến tết tây, nhiệt độ có thể giảm 1-20C, trời se lạnh từ đêm về sáng.

Bà Lan khuyến cáo thời tiết trong giai đoạn này rất dễ bệnh. Đối với sương mù bức xạ thì có thể tan ngay, còn loại sương mù hỗn hợp kéo dài tới trưa nên dễ bệnh. Đặc biệt, khi không khí lạnh về có kèm theo gió, người dân ra đường phải chú ý mặc áo ấm.

ĐỨC PHÚ

THUỲ DƯƠNG ([email protected])