10/01/2025

Chấm điểm lễ hội để làm gì?

Một lễ hội chặt chém, không có nhà vệ sinh công cộng vẫn có thể là lễ hội tốt, theo tiêu chí chấm điểm vừa được Bộ VH-TT-DL đưa ra sáng 10.12 tại Hà Nội.

 

Chấm điểm lễ hội để làm gì?

 

Một lễ hội chặt chém, không có nhà vệ sinh công cộng vẫn có thể là lễ hội tốt, theo tiêu chí chấm điểm vừa được Bộ VH-TT-DL đưa ra sáng 10.12 tại Hà Nội.




Chấm điểm lễ hội để làm gì? - ảnh 1

Lễ hội có ăn xin, có tệ nạn xã hội sẽ bị trừ 5/100 điểm – Ảnh: Ngọc Thắng

“Chấm như thế này thì tệ nạn ở lễ hội khó sửa lắm”
Có tới 21 hạng mục chấm điểm được Bộ VH-TT-DL đưa ra trong bộ tiêu chí đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian. Các hạng mục này được chia thành 4 nhóm tiêu chí: quản lý và xây dựng kế hoạch; quán triệt văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội.



Chấm điểm lễ hội để làm gì? - ảnh 2
Cách đánh giá này chỉ là đánh giá cái ngọn. Vấn đề hiện nay phải xem lễ hội yếu ở chỗ nào. Cái yếu là ở nhận thức của người quản lý lễ hội và vai trò người dân trong lễ hội. Thế thì phải có lớp tập huấn cho cán bộ, cho dân để họ biết cách tổ chức và đi lễ hội cho đúng văn hoá
Chấm điểm lễ hội để làm gì? - ảnh 3

GS Ngô Đức Thịnh (Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá)

Theo Bộ VH-TT-DL, sẽ có 3 “giám khảo” được chấm điểm các lễ hội: địa phương, báo chí, quản lý văn hóa. Thang điểm tối đa cho mỗi lần chấm là 100 điểm. Các thang điểm sẽ phân thành 4 mức. Mức hoàn thành xuất sắc: 95 – 100 điểm. Mức hoàn thành tốt: 85 – 94 điểm. Mức hoàn thành: 51 – 84 điểm. Chưa hoàn thành: dưới 50 điểm.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập Báo Văn hoá, đại diện của Bộ VH-TT-DL trong việc chấm điểm lễ hội này cho biết từ trước tới nay “chấm lễ hội” là việc của thanh tra văn hoá. Tuy nhiên, do chưa có bộ tiêu chí cụ thể nên kết luận còn chung chung, giờ đây mọi thứ cụ thể hơn. Chẳng hạn, tiêu chí cảnh quan gồm: xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn, có thùng rác công cộng, thu gom rác kịp thời, công tác xử lý rác thải, nước thải đúng quy định. “Cuối năm sẽ có khen thưởng lễ hội tốt trên kết quả chấm”, ông Khoa nói.
Nhưng với 21 tiêu chí chấm điểm, việc đánh giá này không khác gì chấm để… “thả” những nổi cộm của lễ hội. Những mùa lễ hội gần đây, không có nhà vệ sinh, chặt chém du khách, nhét tiền vào tay tượng, chen lấn giẫm đạp nhau luôn khiến người dân bức xúc.
Tuy nhiên, phạm toàn bộ các hành vi này, lễ hội sẽ chỉ bị trừ 5 điểm cho việc không bảo đảm trang nghiêm, thành kính, bị trừ thêm 10 điểm vệ sinh, trừ thêm 5 điểm gian lận thương mại. Tổng cộng, lễ hội đó vẫn được 80 điểm, đạt loại hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu chỉ chặt chém và không nhà vệ sinh, lễ hội đó vẫn còn 85 điểm và ngẩng cao đầu đạt loại tốt. “Chấm như thế này thì tệ nạn ở lễ hội khó sửa lắm”, TS Nguyễn Quốc Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN) nói. Cũng theo ông Tuấn, chỉ nên chọn vài vấn đề nổi cộm nhất để tập trung kiểm tra, sửa chữa.



Lễ hội không đạt cũng vẫn được tổ chức!

 

 
Ông Trần Đăng Khoa cho biết, các lễ hội được điểm cao sẽ được khen thưởng cuối năm. Tuy nhiên, các lễ hội không đạt (dưới 50 điểm) cũng không bị đình chỉ tổ chức vào năm sau. “Bên cạnh khen thưởng, Bộ sẽ gửi văn bản về địa phương. Không chỉ gửi Sở VH-TT-DL mà còn gửi cả UBND tỉnh trên cơ sở điểm của 3 kênh chấm. Nếu thay đổi có thể chưa như ý chúng ta muốn thì cũng có tác dụng chứ không phải không có tác dụng gì”, ông Khoa nói.

 

 


“Cứ nhét tiền vào tay phật, cướp ấn làm sao văn minh được”

Theo ông Tuấn, việc chấm điểm nên nhấn vào các hành vi ở nơi công cộng. Còn việc đảm bảo lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền văn bản chỉ đạo là việc đương nhiên địa phương tổ chức lễ hội phải làm. “Phải lấy luật Di sản, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo làm cơ sở pháp lý cao nhất. Việc tuân thủ là đương nhiên phải làm”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho rằng phải tăng điểm tới 70% (tương đương 70 điểm) cho những hành vi đúng khi làm nghi lễ và hành vi văn minh nơi công cộng. “Chứ cứ nhét tiền vào tay Phật, cướp ấn làm sao văn minh được”, ông nói.

GS Ngô Đức Thịnh, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá, cho rằng cách lập tiêu chí chấm điểm này mang tính hình thức đủ đường.

Hình thức đầu tiên là ở người chấm. “Địa phương tự chấm thì sẽ bị bệnh thành tích rồi chấm cho họ điểm cao. Nhà báo thì không ai bắt buộc họ. Việc của phóng viên có phải là quản lý văn hoá đâu. Nếu gặp lễ hội không tốt thì nói chứ có ăn lương đi chấm lễ hội đâu. Còn cán bộ của bộ mà đi hết từng đó lễ hội cũng thành kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Khó có nhận thức đúng được”, ông Thịnh phân tích.

Về việc phóng viên chấm điểm, đúng như ông Thịnh nói, việc bị bắt làm việc không phải của mình khiến các phóng viên lúng túng. Được yêu cầu chấm điểm lễ hội của 63 tỉnh thành, phần lớn họ không thể chấm hết. Một phóng viên chia sẻ chỉ chấm một vài tỉnh mình có biết lễ hội, còn lại bỏ trống. Trên thực tế, ông Khoa cho biết: “Ngay cả phóng viên theo dõi lễ hội của báo thuộc bộ cũng không thể đi hết các lễ hội”.

Đại diện Bộ VH-TT-DL tại buổi công bố tiêu chí vẫn cho rằng dù sao có tiêu chí vẫn hơn không, dù tiêu chí đó có thể còn phải góp ý để thay đổi.

Về điều này, GS Thịnh cho rằng: “Cách đánh giá này chỉ là đánh giá cái ngọn. Vấn đề hiện nay phải xem lễ hội yếu ở chỗ nào. Cái yếu là ở nhận thức của người quản lý lễ hội và vai trò người dân trong lễ hội. Thế thì phải có lớp tập huấn cho cán bộ, cho dân để họ biết cách tổ chức và đi lễ hội cho đúng văn hoá”.

 

 

Trinh Nguyễn