Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (TP.HCM) tìm hiểu về lịch sử tại Bến Nhà Rồng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (TP.HCM) tìm hiểu về lịch sử tại Bến Nhà Rồng – Ảnh: Đào Ngọc 


Đây cũng là “từ khoá” được nhắc tới nhiều nhất và gây không ít hoang mang trong các cuộc bàn thảo về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ở cấp học dưới sẽ theo hướng tích hợp và phân hoá mạnh ở cấp THPT. Giới chuyên gia cũng như dư luận đều đồng thuận xem tích hợp là xu hướng tất yếu của giáo dục.
Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa định rõ khái niệm này. Có người gọi tích hợp là “môn học”, có người thậm chí nhìn nhận nó như “tội đồ” làm biến mất hoặc biến dạng môn học nào đó. Nhiều ý kiến nhận định tích hợp của VN là cách làm chưa hề có tiền lệ, hoặc không giống ai…
“Hợp” rồi lại “tan”
Câu chuyện môn công dân với Tổ quốc trong dự thảo chương trình giáo dục mới cho thấy tích hợp không hề đơn giản.
Theo dự thảo, đây là môn học bắt buộc trong chương trình THPT và dự kiến sẽ tích hợp các nội dung kiến thức lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng… Tuy nhiên, do phản ứng gay gắt của Hội Khoa học lịch sử và dư luận, sau buổi làm việc ngày 7.12, Bộ GD-ĐT cũng bước đầu thống nhất sẽ bỏ cách làm tích hợp này nhưng dự kiến vẫn tích hợp lịch sử – địa lý thành một môn học với 2 phân môn và đi kèm những chủ đề tích hợp sâu. Môn công dân với Tổ quốc sẽ trở về với tên gọi giáo dục công dân, không tích hợp với lịch sử hay giáo dục quốc phòng nữa.
Như vậy, việc tích hợp khiên cưỡng giữa các môn học như cách làm với môn công dân với Tổ quốc đã không đủ lý do để thuyết phục cho việc cần phải tồn tại môn học này. Nó cũng cho thấy tích hợp không hề đơn giản khi đi từ dạy học đơn môn sang liên môn nếu không thực sự hiểu rõ bản chất của cách làm này.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập trường học trực tuyến Giáp’school, trong bài viết mới đây về việc dạy học tích hợp đã nêu rõ quan điểm: Dạy học tích hợp không phải là sự pha trộn cơ học của nhiều bộ môn khác nhau mà là kết hợp nhiều loại kiến thức, kỹ năng, thái độ để giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho người học. “Đó có thể là một vấn đề thực tế mà người học đang hoặc sẽ phải đối mặt, cũng có thể là một vấn đề lý thuyết mà người học phải tinh thông”, ông Dương nói.
Rất nhiều chuyên gia, đặc biệt là những người có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về các chương trình giáo dục của nước ngoài cho rằng tích hợp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, họ lo ngại về cách làm của VN khi việc này đã từng đặt ra gần 20 năm nay mà chưa làm được, thiếu đội ngũ chuyên gia được đào tạo ở các nước có nền giáo dục tiên tiến về chương trình và sách giáo khoa, các trường sư phạm cũng chưa đào tạo cho giáo viên về dạy học tích hợp…
Công cụ chứ không phải môn học
Không ít giáo viên đang hoang mang nghĩ rằng khi dạy tích hợp thì chỉ những người nào đáp ứng được yêu cầu phải dạy nhiều môn mới có thể trụ lại. Vì vậy, lo lắng về việc dạy học tích hợp trở thành nỗi lo sợ của ngay chính đội ngũ giáo viên đang đứng lớp.
Tuy nhiên, tích hợp là một phương pháp để giúp hình thành năng lực cho học sinh, giúp giải bài toán “học thế nào” chứ không phải học cái gì như hiện nay. Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, dạy học tích hợp vẫn chỉ là một công cụ. Công cụ này chỉ phát huy được hiệu quả khi nó được hiểu và sử dụng đúng.
Vì là công cụ, phương pháp nên nhiều ý kiến cho rằng có chuyên gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp là rất cần nhưng quan trọng hơn cả vẫn là đội ngũ giáo viên. Bà Phạm Thị Ly, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu quan điểm: “Dạy học tích hợp sẽ phải trao quyền rất lớn cho giáo viên. Giữ môn học độc lập và duy trì lối dạy theo kiểu truyền giảng kiến thức là cách tốt nhất để tiếp tục nhồi sọ học sinh. Vấn đề đặt ra không phải là có nên tích hợp hay không, mà là tích hợp như thế nào và làm sao huấn luyện cho giáo viên có đủ năng lực sử dụng cái quyền hạn rất lớn được trao vào tay mình khi dạy tích hợp”.
Hiện nay, một bộ phận giáo viên cũng mày mò tích hợp theo cách hiểu của họ, nhưng theo ghi nhận của Thanh Niên thì hầu hết mới dừng ở mức đơn giản nhằm giúp học sinh hiểu bài hơn. Một giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cố gắng liên hệ thực tế hoặc kiến thức có liên quan ở môn học bất kỳ nào đó trong mỗi giờ dạy, dù biết chưa phải là tích hợp một cách chuyên nghiệp nhưng hiệu quả thấy rõ là học sinh hào hứng hơn hẳn”. (còn tiếp)
Chờ công bố chương trình môn học
Dù đánh giá cao chủ trương tích hợp mà chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa ra nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, cho rằng chờ khi Bộ công bố chương trình môn học thì sự hình dung về tích hợp mới rõ ràng hơn. Đây cũng là mong muốn của nhiều giáo viên khi chương trình mới sẽ thực hiện vào năm học 2018 – 2019.

Tuệ Nguyễn