10/01/2025

Nông thôn mới không chỉ góp bằng tiền…

Đời sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng cao sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng chưa thể thoả mãn khi thu nhập có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp.

 

Nông thôn mới không chỉ góp bằng tiền…

 

Đời sống cả về vật chất và tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng cao sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng chưa thể thoả mãn khi thu nhập có tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp.





Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể - Ảnh: Phan Hậu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể – Ảnh: Phan Hậu


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2015, do Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8.12, tại Hà Nội.

 

 

 

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình MTQG xây dựng NTM, trong giai đoạn 2010 – 2015, người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỉ đồng, chiếm 12,62% trong tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016 – 2020, chương trình đặt mục tiêu phấn đấu có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí NTM.

 

 
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể và Phó thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư chương trình MTQG xây dựng NTM Nguyễn Văn Ninh trao Bằng khen của Thủ tướng cho 51 xã, thị trấn đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua cả nước xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015.

 

 

 

Thu nhập người dân tăng 1,9 lần

Thông tin tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư chương trình MTQG xây dựng NTM cho biết, 5 năm qua cả nước có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí, tăng 8,2% so với mục tiêu đề ra từ năm 2010. Trong đó, thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn tăng 1,9 lần, từ khoảng 16 triệu đồng năm 2010 nay tăng lên 24,4 triệu đồng.

Ở các xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân cao hơn với 28,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11% năm 2010 xuống còn 3,6%. Ngoài ra, tiêu chí giao thông nông thôn đạt mức cao với 36,4% số xã đạt tiêu chí này. Địa bàn nông thôn cả nước xây mới 47.436 km đường giao thông, tăng 10.251 km so với giai đoạn 2001 – 2010.

Bên cạnh đó, ông Phát nêu thực trạng, xây dựng NTM còn nhiều bất cập, một số địa phương huy động đóng góp quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không có khả năng chi trả. Trên thực tế có sự chênh lệch lớn về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền. Trong số xã đạt chuẩn ở đông Nam bộ là 34%, đồng bằng sông Hồng là 23,5%, các tỉnh miền núi phía bắc, Tây nguyên đạt khoảng 7%.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiếm có phong trào nào được nhân dân ủng hộ rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực như NTM. Khi mỗi người dân, hộ gia đình đều quyết tâm thoát nghèo, mong cuộc sống khấm khá, giàu mạnh hơn.

Theo đó, 19 tiêu chí NTM cần được giữ nguyên nhưng “phần ruột” phải có sự thay đổi, để cụ thể phù hợp với điều kiện từng vùng. Mục tiêu là tập trung nâng cao đời sống vật chất, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ông thẳng thắn chỉ rõ: “Công nhận huyện NTM hiện nay rất hành chính, cứ có 70 – 80% xã NTM là được nhưng tôi cho không phải thế, có thể đạt 100% số xã NTM chưa phải là huyện NTM, huyện ấy phải có kết cấu hạ tầng tốt, có kinh tế xã hội, đời sống văn minh, thu nhập bình quân ở mức khá, đời sống văn hóa, tinh thần an ninh đảm bảo… thì mới được. Phải sửa lại tiêu chí huyện NTM, từ đó sửa lại tiêu chí tỉnh NTM”.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, xây dựng NTM ưu tiên thu hút doanh nghiệp về địa bàn nông thôn để tổ chức sản xuất hàng hoá quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nếu nông sản VN không thể cạnh tranh được sẽ “rất gay go” khi hội nhập.

Kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm nguồn vốn

Ghi nhận thành quả bước đầu của phong trào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đó là tiền đề và kinh nghiệm triển khai xây dựng NTM những năm tiếp theo. “Thu nhập của người dân nông thôn có tăng đấy nhưng không được thỏa mãn bởi mức bình quân 24,4 triệu đồng thì đời sống của người dân vẫn còn nghèo lắm”, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ trăn trở. Theo ông, việc cần nhất qua 5 năm xây dựng NTM là rà soát toàn bộ chính sách để điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Thủ tướng cũng yêu cầu, không được dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc người dân đóng góp quá sức như đã xảy ra trên thực tế mà phải trên cơ sở tuyên truyền, vận động giải thích cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các ngành các cấp để tạo sự đồng thuận, tự nguyện tự giác tham gia và coi việc chung tay góp sức vào sự nghiệp xây dựng NTM là góp phần xây dựng, phát triển đất nước bền vững.

“Mỗi người dân tham gia xây dựng NTM không chỉ đóng góp bằng tiền, bằng đất xây dựng các công trình mà có thể đóng góp bằng văn hoá, giáo dục, vận động con em không vi phạm pháp luật, gia đình mình thực sự văn hoá, làm cho đời sống xã hội văn minh hơn cũng là xây dựng NTM và tham gia phong trào này chính là giúp mình có cuộc sống tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Khẳng định chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người dân ở địa bàn nông thôn khi mới đây Quốc hội quyết định tăng vốn ngân sách cho xây dựng NTM, Thủ tướng đặc biệt nhắc nhở các địa phương trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm nguồn vốn, có lồng ghép với các chương trình vận động đóng góp thêm từ người dân, cộng đồng.

 

Phan Hậu