Giáo viên kiêm nhân viên vệ sinh
08/12/2015Theo quy định, bảo mẫu không có trong danh mục việc làm ở các trường mầm non nên hiện nay ở nhiều trường giáo viên phải làm tất cả mọi việc, từ dạy dỗ học sinh đến chùi rửa nhà vệ sinh…
Giáo viên kiêm nhân viên vệ sinh
Theo quy định, bảo mẫu không có trong danh mục việc làm ở các trường mầm non nên hiện nay ở nhiều trường giáo viên phải làm tất cả mọi việc, từ dạy dỗ học sinh đến chùi rửa nhà vệ sinh…
Buối sáng, bước chân đi làm khi trời còn tờ mờ, đến trường quay cuồng với công việc, ra khỏi trường thì đường phố đã lên đèn. Đó không chỉ là thời khoá biểu của cô Trương Thị Mỹ, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca 6 (Q.12, TP.HCM) mà còn là của rất nhiều giáo viên mầm non khác hiện nay.
|
Chứng kiến một ngày làm việc của giáo viên dạy nhóm trẻ nhỏ nhất trường, chúng tôi không ngạc nhiên khi nghe Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 6 (Q.12) Nguyễn Thị Thuận kể: “Có giáo viên, khi biết được phân công dạy nhóm trẻ này đã khóc, tỏ ra quá sợ sệt và lo ngại”. Vì vậy, cô Trương Thị Mỹ (50 tuổi) xung phong nhận cho đến khi nghỉ hưu.
Do trường không có bảo mẫu nên hiện tại việc vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh, dọn dẹp, tẩy rửa đồ dùng, đồ chơi cũng một tay các cô. Trong khi đó nhóm trẻ nhỏ này chưa có khả năng tự phục vụ, điều kiện an toàn đòi hỏi cao hơn những lứa tuổi khác nên công việc cứ liên tục từ A đến Z, không ngưng nghỉ. “Nếu là giáo viên trẻ, chưa có gia đình thì sợ lắm”, cô Thuận cho biết.
Việc giáo viên phải lo hết các hoạt động từ sinh hoạt của trẻ, vệ sinh phòng ốc cũng là thực tế của hầu hết các trường mầm non.
Bà Phạm Thị Mỹ Dung, Phó phòng Giáo dục, thông tin: “Trong 15 trường công lập, mỗi lớp biên chế 2 giáo viên, các cô cứ vậy mà luân phiên nhau”.
Q.Tân Phú cũng vậy, với 12 trường, dù là nhóm từ 6 đến 18 tháng hay lớp chồi, lớp lá thì cứ mỗi nhóm, lớp, 2 giáo viên phải tự phân chia công việc trong lớp với nhau. Ngày bình thường, 18 giờ coi như hết việc nhưng thứ sáu cuối tuần, phải tổng vệ sinh mọi đồ dùng, đồ chơi bằng chất tẩy rửa, có khi hơn 19 giờ mới bước ra khỏi cổng trường. “Bây giờ trường nào cũng vậy, chúng tôi đành phải cố gắng. Nếu có bảo mẫu phụ giúp thì quá hay, giáo viên có nhiều thời gian sáng tạo, tổ chức các hoạt động học cho trẻ”, một giáo viên tại P.Tân Thành, Q.Tân Phú tâm sự.
Nghị quyết cho phép, thông tư không quy định !
Để tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi, ngày 14.6.2014, HĐND TP.HCM đã ra nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non, trong đó có thống nhất bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng (thường gọi là bảo mẫu). Mỗi lớp sẽ có một bảo mẫu có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên đứng lớp chăm trẻ, vệ sinh môi trường (phòng học, nhà vệ sinh, hành lang…), vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ… Thế nhưng ngày 16.3.2015, Bộ GD- ĐT và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trong đó nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ không có nhân viên nuôi dưỡng. Vì vậy các trường ngừng tuyển bảo mẫu.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ mầm non Phòng Giáo dục Q.12, thông tin: “Phòng đã làm công văn xin UBND quận tuyển 171 bảo mẫu nhưng hiện nay cũng phải ngưng lại”. Theo thống kê của Phòng Giáo dục Q.Tân Phú, hiện quận này có 165 nhóm lớp công lập nên cũng cần 165 nhân viên nuôi dưỡng nhưng giờ đành phải để giáo viên kiêm nhiệm bảo mẫu, nhân viên vệ sinh…
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, cho biết quận có 18 trường nhưng cũng không thể tuyển được bảo mẫu do vướng quy định khung vị trí việc làm của Thông tư 06. Còn lãnh đạo của một quận luôn gặp áp lực về học sinh tâm tư: “Nhìn thấy những khó khăn của trường, trách nhiệm với học sinh nhưng quy định cứ chồng quy định, chúng tôi không biết phải làm sao. Biết là sai nhưng đành phải “lách” điều 6 quy định lao động hợp đồng của Thông tư 06″. Vị này nói: “Thông tư cho phép hợp đồng nhân viên bố trí vào vị trí nấu ăn theo tỷ lệ 1/35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo. Từ đó, các trường sắp xếp nhân sự hợp lý, tiết kiệm để sao cho có bảo mẫu phụ giúp với giáo viên”.
Cũng có trường cố gắng cân đối thu chi để tự hợp đồng nhân viên nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng học sinh, hỗ trợ của phụ huynh… Theo bà Nguyễn Thị Thanh, hiện tại Q.12 có duy nhất Trường mầm non Sơn Ca 7 nằm trong khu dân cư Thới An, phụ huynh có điều kiện kinh tế khá tốt đồng thuận với trường tự hợp đồng bảo mẫu.
Thiệt thòi nhất vẫn là trẻ
Trước thực tế hầu hết các trường mầm non không có cô bảo mẫu, bà Tôn Nữ Kim Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thành (Q.1, TP.HCM), cho rằng về lâu dài việc chăm sóc sẽ không ổn. “Bắt giáo viên gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, không đơn thuần chuyên môn. Vất vả dễ dẫn đến tâm trạng mệt mỏi, chán nản, không có hứng thú. Từ đó có thể là nguyên nhân xảy ra tình trạng cáu gắt, hành vi nặng nề, bạo hành, xảy ra tai nạn… Người chịu thiệt thòi nhất vẫn là trẻ, tội nghiệp lắm”, vị này cho biết.
Còn phụ trách phòng giáo dục một quận nội thành có ý kiến: “Các cấp lãnh đạo phải tính đến thực tế hiện nay giáo viên mầm non đã khó tuyển giờ thêm công việc ngày thêm vất vả thì hỏi còn ai muốn làm cô nuôi dạy trẻ nữa không?”.
Bích Thanh