29/11/2024

Nhiều ngộ nhận về amiđan

Mỗi khi bác sĩ tai mũi họng khuyên cần cắt amiđan để bảo vệ sức khoẻ, hầu hết người bệnh đều e ngại. Người lo lắng “mất máu, đau đớn, phải nhịn ăn cả tuần”.

 

Nhiều ngộ nhận về amiđan

 

Mỗi khi bác sĩ tai mũi họng khuyên cần cắt amiđan để bảo vệ sức khoẻ, hầu hết người bệnh đều e ngại. Người lo lắng “mất máu, đau đớn, phải nhịn ăn cả tuần”. 


 


Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ ăn uống lạnh dễ gây viêm amiđan - Ảnh: Hoài Linh
Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ ăn uống lạnh dễ gây viêm amiđan – Ảnh: Hoài Linh

Người làm nghề dẫn chương trình, ca sĩ thì hoảng hốt “sau khi cắt amidan có thể bị đổi giọng” hay kinh khủng hơn là “câm vĩnh viễn”.

Phần nhiều bệnh nhân ôm những lo ngại đó đến tận ngày vào phòng mổ hoặc tệ hơn là bỏ luôn điều trị, bỏ luôn bác sĩ và chấp nhận gánh chịu những nguy cơ đối với sức khoẻ của mình khi âm thầm quyết định giữ lại hai khối amiđan mà đáng lý ra cần phải loại bỏ.

* Mấy tuổi có thể cắt amiđan?

– Đây là câu hỏi thường gặp và cũng là vấn đề rất hay bị hiểu không chính xác, do sự truyền miệng lẫn nhau giữa các bệnh nhân hoặc sự tư vấn chưa đầy đủ của nhân viên y tế. Thật sự việc cắt amiđan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi, mà phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh do amiđan gây ra. Ở trẻ em, phẫu thuật cắt amiđan có thể được thực hiện ở trẻ lớn hơn 2 tuổi.

* Cắt amiđan có làm giảm sức đề kháng hoặc ảnh hưởng đến miễn dịch không?

– Amiđan là một trong những cơ quan miễn dịch ở đường tiêu hoá và hô hấp trên, có chức năng tiết ra một số globuline phòng chống một số bệnh đi vào cơ thể qua đường miệng.

Tuy nhiên, tới nay các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi theo dõi ở người đã được cắt amiđan thì lượng globuline miễn dịch này có sự thay đổi không đáng kể và không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của mỗi người.

* Nên cắt amiđan khi nào?

– Cắt amiđan nên thực hiện trong các tình huống sau:

Thứ nhất, cắt amiđan khi amiđan phì đại gây tắc nghẽn, có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ. Nếu là trẻ em, bệnh thường có các triệu chứng như ngủ ngáy, trong giấc ngủ có cơn ngưng thở tím tái, giật mình, quấy khóc, đái dầm… hoặc khi trẻ chậm lớn, kém ăn, hay bị ói, khó nuốt, khó nói do amiđan quá to.

Thứ hai, cắt amiđan khi bị viêm amiđan mãn tính, tái phát nhiều lần trong năm làm ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ.

Thứ ba, cắt amiđan khi viêm amiđan gây ra các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim do vi trùng ở amiđan, viêm cầu thận, viêm khớp do vi trùng ở amiđan, apxe quanh amiđan, viêm hạch cổ.

Ngoài ra còn có những chỉ định cắt amiđan khác như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư hoặc hôi miệng do amiđan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amiđan, nấm amiđan.

* Cắt amiđan có gây ra tai biến nguy hiểm không?

– Tuy là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, thường tối đa không quá 30 phút, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt amiđan tiềm ẩn những tai biến như tai biến do gây mê, tai biến do chảy máu sau mổ.

Để phòng ngừa những tai biến này, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa đã hoặc đang có. Đồng thời sau mổ nên kiêng dùng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

* Sau khi cắt amiđan có cần kiêng cữ nói chuyện?

– Trước kia sau khi cắt amiđan phải cữ nói, nhưng ngày nay với phương pháp cắt amiđan bằng laser thì sau khi cắt bệnh nhân có thể nói chuyện được ngay. Phương pháp laser hiện đại sử dụng tia laser mỏng, nhỏ không tổn thương mô xung quanh, ít chảy máu và ít bỏng. Nhờ đó vết mổ ít phù nề, bệnh nhân ít bị đau, thời gian hồi phục nhanh, có thể nói chuyện được và ăn uống nhẹ ngay sau mổ.

Tuy nhiên nên tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng trong hai tuần.

Cắt amiđan có phải nằm viện không?

Hiện nay tại các bệnh viện lớn, những bệnh nhân từ 4 tuổi trở lên có thể cắt amiđan và xuất viện trong cùng một ngày, nếu ở xa có thể nằm lại bệnh viện một đêm. Trẻ dưới 4 tuổi cắt amiđan vì những lý do đặc biệt bắt buộc phải nhập viện 2-3 ngày đến khi thật sự ổn định mới xuất viện.

 


Ths.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG