09/01/2025

Giảm chỉ tiêu ngành khó kiếm việc làm

Nhiều trường ĐH đã lên phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp với năng lực đào tạo và khả năng có việc làm của từng ngành.

 

Giảm chỉ tiêu ngành khó kiếm việc làm

 

Nhiều trường ĐH đã lên phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho năm 2016, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp với năng lực đào tạo và khả năng có việc làm của từng ngành.





Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến giảm bớt chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm 2016 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường sư phạm giảm chỉ tiêu ngành sư phạm !

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, năm tới trường này sẽ bỏ hẳn tuyển sinh đào tạo các ngành bậc CĐ. Đồng thời, trường dự kiến mở thêm 2 ngành mới với mỗi ngành 50 chỉ tiêu, gồm công nghệ vật liệu và kỹ thuật y sinh. Với 2 điều chỉnh này, trường vẫn giữ nguyên tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy như năm 2015.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu cụ thể một số ngành dựa trên kết quả khảo sát việc làm sinh viên theo hướng tăng chỉ tiêu những ngành có nhu cầu việc làm cao như: công nghệ may, quản lý công nghiệp… và giảm mạnh chỉ tiêu các ngành có tỷ lệ việc làm thấp, cụ thể: kinh tế gia đình, thiết kế thời trang, kế toán…
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng dự kiến có thêm 4 ngành mới trong mùa tuyển sinh năm sau gồm: sư phạm tiếng Hàn, ngôn ngữ Hàn, công tác xã hội, tâm lý học giáo dục. Trong đó, riêng ngành sư phạm tiếng Hàn dự kiến tuyển 40 chỉ tiêu, 3 ngành còn lại sẽ tuyển khoảng 80 – 100 chỉ tiêu mỗi ngành.
Theo thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, nếu các ngành mới được mở thì tổng chỉ tiêu của trường sẽ tăng so với năm 2015. Tuy nhiên, trường sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm bớt chỉ tiêu các ngành hệ sư phạm để chuyển sang các ngành ngoài sư phạm. Chỉ tiêu một vài ngành sẽ điều chỉnh theo hướng giảm xuống để phù hợp hơn như: giáo dục tiểu học, ngôn ngữ Anh.
Giảm chỉ tiêu cao đẳng
Một số trường cho biết vẫn duy trì đào tạo bậc CĐ cho những ngành đặc thù. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến sẽ tuyển 500 chỉ tiêu bậc CĐ, giảm 30% so với năm 2015. Trong đó, trường duy trì tuyển sinh các ngành không đào tạo ở bậc ĐH như: công nghệ may, công nghệ da giày, công nghệ vật liệu, công nghệ nhiệt và Việt Nam học.
Trường ĐH Sài Gòn tiếp tục duy trì đào tạo bậc CĐ trong năm 2016. Theo phương án dự kiến, trường sẽ duy trì tổng chỉ tiêu tuyển sinh ở mức 4.000 hệ chính quy, 2.000 hệ vừa làm vừa học và 500 chỉ tiêu cao học. Thạc sĩ Hoàng Hữu Lượng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết từ năm 2015 trường đã giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh các ngành bậc CĐ xuống còn khoảng 500 và chỉ giữ lại các ngành sư phạm.
Theo ông Lượng, đặc thù của trường là đào tạo giáo viên cho TP.HCM nên việc duy trì hay cắt bỏ bậc đào tạo này còn phụ thuộc vào nhu cầu nhân lực thực tế của địa phương. Trong đó, một số ngành CĐ nhưng chuyên đào tạo giáo viên cho bậc THCS nên có thể không bỏ hẳn được. Vì vậy, nếu có điều chỉnh, chỉ tiêu CĐ chỉ giảm nhẹ khoảng 100, xuống còn khoảng 400.
Tranh luận trái chiều về giảm quy mô đào tạo
Theo dự thảo Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô sinh viên chính quy tối đa các trường ĐH được phép đào tạo từ 8.000 đến 15.000, tùy từng nhóm ngành. Tuy nhiên, nhiều trường cho biết sẽ tiếp tục giữ vững quy mô đào tạo chính quy dù vượt mức quy mô tối đa 15.000.
Đến thời điểm này, một số trường vẫn có ý kiến trái chiều với dự thảo. PGS-TS Đỗ Văn Dũng đặt vấn đề: “Đa số các trường ĐH lớn đều có tổng quy mô tuyển sinh ở mức 18.000 – 20.000 sinh viên.
Tôi đồng ý với việc giảm số lượng tăng chất lượng, tuy nhiên nếu đột ngột cắt giảm quy mô đào tạo vốn đang rất lớn hiện nay thì các trường sẽ gặp khó khăn về nguồn thu. Vậy nên chăng đồng thời với giảm quy mô là tăng đầu tư ngân sách hoặc cho phép các trường ĐH thu học phí ở mức cao hơn?”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nêu ý kiến: “Quy định quy mô đào tạo tối đa với các trường ĐH có mâu thuẫn với quy chế về tự chủ ĐH. Hơn nữa, với những trường đào tạo các ngành mà thị trường lao động có nhu cầu cao mà bị hạn chế thì có nên không?”.

Hà Ánh