09/01/2025

Kho tàng hộp nhạc ‘khủng’ bên hồ Kawaguchi

Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi (Nhật Bản) quy tụ các hộp nhạc cao cấp được chế tác cực kỳ công phu, vốn không còn nhiều trên thế giới ngày nay.

 

Kho tàng hộp nhạc ‘khủng’ bên hồ Kawaguchi

 

Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi (Nhật Bản) quy tụ các hộp nhạc cao cấp được chế tác cực kỳ công phu, vốn không còn nhiều trên thế giới ngày nay.




Một góc Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi - Ảnh: Ngô Minh Trí

Một góc Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi – Ảnh: Ngô Minh Trí


Rời khỏi núi Phú Sĩ, băng qua đoạn đường lọt giữa những ngọn núi um tùm cây cối. Độc đáo hơn, một đoạn ngắn được thiết kế đặc biệt để ma sát giữa bánh xe với mặt đường sẽ phát ra các âm tiết như những nốt nhạc réo rắc giữa đồi núi thơ mộng. Con đường ấy dẫn đến địa điểm mang tên Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi nằm bên hồ Kawaguchi thuộc nhóm Phú Sĩ ngũ hồ. Bảo tàng như một quần thể mua sắm hàng lưu niệm, nhà hàng với thiết kế đậm phong cách phương Tây. Cùng với khu trình diễn nhạc nước ngoài trời, bảo tàng còn có phòng hoà nhạc với sức chứa khoảng vài trăm người và gần như liên tục có các nghệ sĩ biểu diễn. Tất cả tạo ra một thế giới âm nhạc thơ mộng bao quanh khu trưng bày và bán các hộp nhạc đắt tiền được biết đến như những sản phẩm tinh hoa bậc nhất về cơ khí chính xác.

Kho tàng hộp nhạc 'khủng' bên hồ Kawaguchi 2

Mẫu hộp nhạc kiểu xi lanh hiệu Mojon Manger này có giá hơn 2 tỉ đồng

Chế tác phức tạp
Hộp nhạc không phải là xa lạ với nhiều người, nhưng nếu như các hộp nhạc thông thường được sản xuất hàng loạt với giá bán dưới 100 USD (khoảng 2,2 triệu đồng) chỉ đơn giản phát ra đoạn nhạc ngắn, thì các hộp nhạc “hạng đỉnh” lại có khả năng phát nhạc rất lâu, có thể lên đến hàng giờ.
Hiểu đơn giản, các hộp nhạc đắt tiền đòi hỏi một quy trình chế tác phức tạp, âm thanh được tạo ra dựa trên sự va đập của các chi tiết kim loại. Chính vì thế, trước hết các chi tiết kim loại phải đảm bảo được chất lượng âm thanh phát ra khi va đập. Kỳ công hơn nữa chính là việc thiết kế và chế tác làm sao để cả một hệ thống va đập diễn ra theo đúng nội dung của bản nhạc. Chính vì thế, những hộp nhạc đắt tiền đòi hỏi một tổ hợp bánh răng có khi lên đến hàng ngàn chi tiết, với kích thước và thiết kế khác nhau để phối hợp khi di chuyển nhằm tạo ra đúng âm tiết mong muốn. Bởi thế, cơ khí chính xác gần như đóng vai trò cốt lõi trong việc chế tạo hộp nhạc. Đó là lý do Thụy Sĩ với ưu thế nổi trội về lĩnh vực đồng hồ, vốn cũng đòi hỏi trình độ cao về cơ khí chính xác, trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chế tác hộp nhạc. Bên cạnh Thuỵ Sĩ, Đức cũng “có số” về hộp nhạc bởi đây là quốc gia rất nổi tiếng về các lĩnh vực liên quan cơ khí chính xác.
Có hai loại hộp nhạc cơ bản. Loại thứ nhất được cấu thành từ một vài ống trụ tròn như xi lanh. Trên thân xi lanh được chế tác gồm nhiều chi tiết lồi lõm khác nhau. Khi xi lanh xoay, các chi tiết tác động vào các thanh nhạc để tạo ra va đập, tương tự như cơ chế hoạt động của piano. Loại thứ hai chính là dựa vào sự chuyển động của chiếc đĩa được gia công tỉ mỉ để tạo ra các chi tiết cơ khí lồi lõm trên mặt đĩa. Khi đĩa quay, các chi tiết lại tác động vào hệ thống “đầu đọc” là các thanh kim loại để truyền động đi tạo ra va đập đúng theo âm tiết.
Để cho đĩa hay xi lanh chuyển động, các hộp nhạc còn là một hệ thống truyền động phức tạp chạy bằng cách lên dây như các mẫu đồng hồ. Nhiều dòng hộp nhạc của cả hai loại này cho phép thay thế xi lanh, đĩa để chơi bản nhạc tương thích. Bởi thế các hộp nhạc dùng đĩa kim loại có thể được xem như ý tưởng sơ khai cho máy hát đĩa về sau.
Kho tàng hộp nhạc 'khủng' bên hồ Kawaguchi 3

Mẫu hộp nhạc kiểu đĩa quay có giá khoảng 600 triệu đồng

Tinh hoa hội tụ
Tuy nhiên, cũng chính vì chế tác quá phức tạp và giá thành cao, trong khi thiết bị nghe nhạc dần bùng nổ theo sự phát triển công nghệ, nên hộp nhạc dần khó bán khiến các nhà sản xuất lụi tàn. Đến nay, tên tuổi đình đám trong ngành này gần như chỉ Hãng sản xuất hộp nhạc Reuge (Thuỵ Sĩ) còn tồn tại.
Chính vì thế, Bảo tàng hộp nhạc Hồ Kawaguchi trở nên cực kỳ giá trị khi quy tụ hàng chục hộp nhạc của các thương hiệu lẫy lừng một thời như: Mojon Manger (Thuỵ Sĩ), Nicole Freres (Thụy Sĩ), Mormod Freres (Thuỵ Sĩ), Polyphon (Đức). Mỗi sản phẩm không chỉ là một chiếc hộp nhạc mà còn là một tác phẩm nghệ thuật với các hình dáng, kích thước khác nhau như: hộp nhạc kiểu chiếc rương gỗ nhiều hoạ tiết độc đáo, hay tựa như một chiếc đồng hồ hộp đứng… Không những thế, nhiều hộp nhạc trong bảo tàng trên còn được tích hợp các bộ gõ như trống để tạo nên những phối âm tuyệt vời. Bởi vậy, số ít những hộp nhạc mà bảo tàng đồng ý bán đều niêm yết mức giá đủ khiến nhiều người giàu có phải mắt tròn mắt dẹt. Loại “thường thường” cũng khoảng 1 triệu yen (gần 200 triệu đồng). Thậm chí, có chiếc hộp nhạc có cơ chế hoạt động kiểu xi lanh của Mojon Manger được bán với giá lên đến 12 triệu yen (hơn 2 tỉ đồng), đây là mẫu có tích hợp cả bộ trống bên trong.
Tuy vậy, dù không đủ tiền để mua thì một lần được thưởng ngoạn ở đây cũng đủ cho người ta có trải nghiệm tuyệt vời về hộp nhạc “khủng”.

Ngô Minh Trí