06/01/2025

Tai hoạ không từ trời rơi xuống

Các chuyên gia khẳng định ung thư không phải bệnh trời kêu ai nấy dạ.

 

Gánh nặng ung thư – Kỳ cuối:  Tai hoạ không từ trời rơi xuống

 

 

Các chuyên gia khẳng định ung thư không phải bệnh trời kêu ai nấy dạ. 




Dừa được người bán nhúng vào chất tẩy làm trái dừa khi gọt vỏ nhìn trắng và bắt mắt hơn - Ảnh: T.T.D.
Dừa được người bán nhúng vào chất tẩy làm trái dừa khi gọt vỏ nhìn trắng và bắt mắt hơn – Ảnh: T.T.D.

Gánh nặng ung thư có thể giảm thiểu nếu có một mô hình dự phòng toàn diện, từ vai trò quản lý của cơ quan chức năng đến ý thức của người dân.

PGS.TS Trần văn Thuấn (phó giám đốc Bệnh viện K, viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư):

Bảo hiểm nên thanh toán chi phí sàng lọc

Có bốn hoạt động chính khi triển khai phòng chống ung thư: tuyên truyền phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm, nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị và nâng cao chất lượng chăm sóc cho người bệnh thông qua điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.

Trong đó, những loại ung thư phổ biến, có phương pháp sàng lọc đặc hiệu, dễ dàng, chi phí rẻ đều có thể triển khai phát hiện bệnh sớm trên diện rộng. Tuy nhiên ở VN việc sàng lọc, phát hiện bệnh sớm mới được triển khai trên quy mô nhỏ.

Muốn phòng chống ung thư hiệu quả, theo tôi, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, là việc của toàn xã hội. Còn một vấn đề nữa là sự vào cuộc của bảo hiểm y tế khi chi trả cho dự phòng, phát hiện bệnh sớm. Dự phòng, phát hiện bệnh sớm thì chi phí cho điều trị sẽ giảm rất nhiều. VN có 74% người dân có bảo hiểm y tế và con số này đang tăng lên, nếu phát hiện bệnh sớm, chi phí điều trị ung thư chung sẽ giảm, số mắc bệnh cũng giảm và tăng tỉ lệ điều trị khỏi.

Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng):

Mới triển khai 
dự phòng các bệnh 
không lây nhiễm

Một tổ chức quốc tế đã ước tính năm 2012 các nước phát triển có 6 triệu ca mắc ung thư mới, 3 triệu ca tử vong do ung thư, thì các nước đang phát triển có đến 8 triệu ca mắc mới và 5 triệu người tử vong do ung thư.

Khoảng cách này sẽ càng lớn hơn vào năm 2020, khi có đến 11 triệu người mắc ung thư ở các nước đang phát triển và 7 triệu ca tử vong, trong khi các nước phát triển chỉ có 8 triệu ca mắc mới và 4 triệu ca tử vong. VN mới bắt đầu triển khai dự phòng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh ung thư. Trước đây chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn là điều trị bệnh nhân, nhưng nay phải triển khai cả dự phòng mới phòng chống tận gốc nguy cơ gia tăng bệnh nhân ung thư.

* GS.BS Nguyễn Chấn Hùng (chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam):

Ung thư biết sớm 
trị lành

Tôi hay khuyên mọi người: ăn cho lành, ngủ cho đủ, tập thể dục cho đều và phòng ngừa bằng văcxin, thay đổi nếp sinh hoạt bia rượu và thuốc lá. Cần phòng ngừa từ những cái sát sườn bên ta.

Tôi lấy ví dụ cách ăn dễ dẫn đến nguy cơ ung thư dạ dày là do ăn mặn kéo dài, ăn các chất làm dưa muối, trong miền Nam hay ăn các loại khô, mắm, còn ngoài Bắc thì ăn cà pháo, mắm tôm. Rõ ràng nguy cơ ung thư đến từ thói quen, lối sống của chúng ta. Nếu biết ta có thể tránh được.

Người dân mình biết sợ, biết lo nhưng chưa biết ngừa, thành thử tôi khuyên: “Ung thư ngừa được ai ơi/ ơ hờ bệnh nhập đổ là trời kêu”. Bên cạnh đó, vấn đề mấu chốt là phải khám sớm, biết sớm. Biết sớm điều trị dễ, ít tốn kém mà hiệu quả, còn phát hiện trễ thì ngược lại. Do đó cần lưu tâm đến vấn đề ý thức cá nhân trong việc phòng chống ung thư.

Hiệp hội Quốc tế chống ung thư (UICC) đã gửi thông điệp “có thể phòng ngừa khoảng 40% số người mắc bệnh ung thư trên toàn cầu”. Mọi người nên theo nếp sống tốt: loại bỏ khói thuốc lá (chú ý cả hút và hít phải khói thuốc), tránh uống rượu quá đà; ăn đúng ăn lành, tập thể dục đều; phòng tránh bệnh nhiễm.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

* BS CK2 Trần Thị Anh Tường (phó trưởng khoa 
dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):

Có thể phòng tránh được

Nói về cơ chế sinh ung thư, về mặt sinh học là sự phát triển một dòng tế bào mất kiểm soát. Thông thường, hầu hết tế bào trong cơ thể tiếp tục phân chia và trưởng thành để thay thế dần số tế bào đã già chết đi, tổng hợp tế bào mới đảm nhận vai trò chức năng khác nhau. Cơ thể sẽ có một hệ thống gen điều hoà để số tế bào sinh ra vừa đủ và hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, vì một yếu tố nguy cơ nào đó làm cho hệ thống điều hoà này bị trục trặc, sự phân chia tế bào bị mất kiểm soát hay tế bào bị đột biến gen tạo ra những tế bào con bị đột biến… dần dần sẽ thành khối u ác tính, còn được gọi là ung thư.

Đa số những nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh được nếu chúng ta có ý thức, hiểu biết và cẩn thận. Một ít các yếu tố có liên quan đến ung thư như tuổi tác, gen di truyền thì không thể tránh được. Do đó, không thể nói ung thư là bệnh từ trên trời rơi xuống.

* BS CK1 Lê Thị Thu Sương (phó khoa ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy):

Phát hiện sớm, 
khỏi bệnh cao

Việc tầm soát ung thư đã phổ biến hơn, phương tiện cũng đầy đủ và hiệu quả hơn, thuốc điều trị nhiều hơn, bệnh nhân ung thư có nhiều cơ hội để điều trị lâu dài.

Vì thế cần quan tâm đúng mức đến việc khám sức khoẻ, tầm soát ung thư bằng việc đi khám tai mũi họng, khám phụ khoa định kỳ hằng năm; điều trị đúng mức những tổn thương viêm nhiễm; hạn chế phơi mình ngoài nắng lâu, nhất là nắng trưa sau 9g; nội soi đường tiêu hoá (dạ dày, đại tràng) khi có triệu chứng nghi ngờ nhất… Nên siêu âm tầm soát một số bệnh như ung thư tuyến giáp, gan, phần mềm, vùng cổ, bụng, vú…

Quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh bằng việc loại bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, vận động thể lực, chế độ ăn hợp lý như thực phẩm tươi, nhiều chất xơ và vitamin, bớt ăn thịt, thay bằng cá tươi, tránh các tác nhân không có lợi như ăn nhiều mỡ động vật, phẩm màu, thực phẩm hun khói, ẩm mốc, cháy khét…


L.TH.HÀ – L.ANH – T.LUỸ – T.TRUNG thực hiện ([email protected])