06/01/2025

Nhà giáo đối diện trước nhiều áp lực

Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều mỹ từ để nói về nghề giáo: “nghề cao quý” hay “kỹ sư tâm hồn”… Tuy nhiên, hiện nay những mỹ từ ấy có lẽ chỉ hiện diện trên sách báo.

 

Nhà giáo đối diện trước nhiều áp lực

 

 

Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều mỹ từ để nói về nghề giáo: “nghề cao quý” hay “kỹ sư tâm hồn”… Tuy nhiên, hiện nay những mỹ từ ấy có lẽ chỉ hiện diện trên sách báo. 


 

 


Một tiết học ngoại ngữ của sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với giảng viên - Ảnh: Như Hùng
Một tiết học ngoại ngữ của sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với giảng viên – Ảnh: Như Hùng
Khi mà xã hội tràn ngập những hiện tượng bạo lực, hàng loạt những thói hư tật xấu thì làm sao một mình nhà giáo có thể uốn nắn được học sinh? Lẽ ra gia đình, xã hội nên hỗ trợ, chung tay với giáo viên, thì hình như chúng ta lại chỉ chăm chăm tìm cách đổ lỗi cho giáo viên mà thôi

Trong thực tế, có thể nói nghề giáo là một trong những nghề đang chịu nhiều áp lực và bị đối xử thiếu công bằng nhất trong các nghề.

Trước hết là nói về sự công bằng. Có thể nói làm nghề giáo khác hoàn toàn với những nghề khác trong xã hội, vì nghề này không xác định thời gian lao động trong một ngày.

Nếu những nghề khác có quy định rõ thời gian làm việc trong ngày (ví dụ 8-9 giờ/ngày) thì nghề giáo lại không như thế. Sau giờ đứng lớp, về nhà người thầy còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm các loại sổ sách, thậm chí phải kết toán sổ sách (nếu họ bị buộc phải thu những khoản thu nào đó do trường quy định)!

Nhà giáo ở Việt Nam không đơn thuần là làm công việc giảng dạy, mà còn làm nhiều việc không tên khác, chưa nói đến việc phải tham gia các phong trào. Như vậy gần như nhà giáo chỉ nghỉ ngơi, tách khỏi công việc liên quan đến trường lớp khi đi ngủ mà thôi.

Phải làm quá nhiều công việc, không có mốc giới hạn thời gian lao động mỗi ngày, nhưng tiền lương và phụ cấp mà họ nhận được có thể nói là không tương xứng với thời gian lao động và số lượng công việc mà họ đã làm. Câu chuyện đến bao giờ giáo viên mới sống được bằng lương vẫn là câu chuyện dài tập, và nó cho thấy một sự bất công mà xã hội đang dành cho những người làm nghề giáo.

Vấn đề kế tiếp mà người giáo viên hiện đang gặp phải, đó là thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Có thể nói hiện nay nhiều bậc phụ huynh gần như không cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình, mà hình như chỉ chăm chăm vào việc bắt lỗi giáo viên, khi giáo viên có một hành xử nào đó chưa đúng đối với con em mình. Xã hội cũng gần như luôn chực chờ lên án mỗi khi có một vụ việc sai phạm nào đó xảy ra nơi các giáo viên.

Phụ huynh, xã hội không hiểu rằng giáo viên cũng là một con người, cũng có những khiếm khuyết, cũng có thể mắc sai lầm, họ không phải là những siêu nhân miễn nhiễm khỏi mọi áp lực từ cuộc sống đời thường.

Một vấn đề không thể không nói tới đó là hành vi, ứng xử của học sinh ngày nay. Có lẽ không cần phải khảo cứu chuyên sâu, mà chỉ cần quan sát cũng có thể thấy học sinh ngày nay cực kỳ khó giáo dục hơn học sinh ngày xưa.

Sự tôn sư trọng đạo, sự lễ phép đối với người lớn, đối với thầy cô ở học sinh dường như đang rất thấp. Tất nhiên đây không phải lỗi của các em, mà lỗi từ phía xã hội: sống và được uốn nắn trong một bối cảnh nhiều bạo lực, nhiều ứng xử phi chuẩn mực thì làm sao học sinh không bị lây nhiễm được? Sự lây nhiễm này được các em mang vào và thể hiện trong trường học, giáo viên chính là người trực tiếp lãnh nhận những điều đó.

Thiếu tự chủ 
trong giảng dạy

Bên cạnh sự thiếu công bằng trong tiền lương, nhà giáo còn đối diện với những vấn đề khác đôi khi còn nặng nề hơn. Một trong những điều đó là họ hoàn toàn thiếu quyền tự chủ trong giảng dạy. Nhà giáo gần như hoàn toàn phải chạy theo số tiết, số giờ giảng cho mỗi nội dung học tập do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục quy định.

Thế nên, dù có những nội dung hay, được học sinh quan tâm, yêu thích nhưng giáo viên cũng không thể giảng được nhiều hơn do số tiết quy định và không cho phép; nếu dạy nhiều hơn sẽ bị cháy giáo án, ảnh hưởng tới việc thi cử của học sinh.

Ngoài ra, nhà giáo hiện cũng gần như bị gạt ra bên lề trước những cải cách, điều chỉnh trong nội dung, phương pháp giảng dạy…

Đi tìm giá trị đích thực của nghề giáo

Khi tôi học cấp II, gia đình tôi rất nghèo. Hầu như năm nào cô giáo cũng phải “bảo lãnh” học phí cho tôi. Số tiền lương ít ỏi của cô nuôi con còn chẳng đủ, vậy mà cô vẫn dành dụm để chia sẻ với đứa học sinh nghèo như tôi.

Lúc nào cô cũng nói với chúng tôi: “Nếu sau này có em nào trở thành giáo viên, thì nhớ hãy hết lòng với học trò của mình”.

Rồi tôi trở thành cô giáo. Lúc này nghề giáo bị xã hội kêu ca rất nhiều. Rồi người ta so sánh nền giáo dục của ta với Tây, giữa thầy cô giáo nước mình với các nước tiên tiến trên thế giới. Chuyện dạy thêm, học thêm bị đem lên bàn mổ xẻ đủ đường. Chúng tôi cũng thấy giật mình thon thót khi ngành giáo dục bị nói tới nói lui. Nghề giáo đâu có được tôn vinh như nhiều người vẫn tưởng?

Tự khi nào, một cô giáo như tôi đến trường dạy học chỉ vì cái cần câu cơm hơn là yêu nghề? Trong đời cầm phấn của mình, có không ít lần tôi đã nổi nóng với học sinh, và sau đó phụ huynh đã đến trường yêu cầu ban giám hiệu cho tôi thôi việc. Sau những lần đó tôi ngộ ra bài học là đừng đụng vào học sinh, đừng chạm trán với phụ huynh. Bởi rất có thể cái nồi cơm của mình sẽ bị đe doạ. Tôi cũng khắc cốt ghi tâm câu nói của cô giáo trước đây, nhưng vì nhiều lý do tôi đã không làm được như lời cô dạy.

Những áp lực nhọc nhằn mà người thầy đang gánh khiến cho tôi dù muốn dù không cũng đâu thể thực hiện được thiên chức “hết lòng với học trò”? Có nhiều vui buồn gắn bó với nghề, tâm huyết với trò, nhưng sự tận tuỵ ấy đâu phải lúc nào cũng được đền đáp, ghi nhận?

Có nhiều lúc tôi thấy bị áp lực kinh khủng, bởi tình yêu thương, sự hết lòng với học sinh không mang lại hiệu quả cao với những em học sinh cá biệt trong lớp. Trước những em học sinh hư hỏng, quấy phá, chúng tôi cũng tìm hiểu gia đình, cũng nhẫn nại lắng nghe tâm sự của các em. Nhưng có phải lúc nào sự cố gắng của chúng tôi cũng được đánh giá đúng đâu?

Chúng tôi phải làm gì với những em trong lớp chỉ phá bĩnh và sẵn sàng cãi lời, sẵn sàng về mách bố mẹ và không sợ bị đuổi học hay lưu ban? Chúng tôi phải làm sao khi chỉ muốn được chuyên tâm giảng dạy, muốn được hết lòng với học trò nhưng lại gặp cảnh “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”? Còn nữa, nếu muốn dùng cái uy của người thầy để uốn nắn, đưa các em vào khuôn khổ, nhưng liệu phụ huynh có đặt niềm tin nơi chúng tôi?

Cũng có lúc tôi muốn buông xuôi, phớt lờ những em chuyên phá bĩnh lớp, nhưng rồi sự dằn vặt của người thầy không cho phép tôi vô tâm, vô tình như vậy. Phụ huynh đâu biết rằng khi người thầy to tiếng hay dùng thước đập vào tay, vào mông con họ, không phải vì chúng tôi ghét các em mà muốn các em tôn trọng lớp, tôn trọng thầy cô và tôn trọng chính bản thân mình.

Có lẽ không riêng gì tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng đang trăn trở với nghề. Chúng tôi, những người ngày ngày đứng trên bục giảng, biết tìm giá trị đích thực của mình ở đâu?Thức Thức

 

LÊ MINH TIẾN