06/01/2025

Không được chia sẻ vẫn cứ lên mạng chia sẻ, sao lạ vậy?

Hầu hết bạn đọc được hỏi đều thừa nhận không thật sự được chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng 51% trong số đó vẫn “sống” trên mạng xã hội khoảng 3-4 giờ/ngày… vì thói quen.

 

Không được chia sẻ vẫn cứ lên mạng chia sẻ, sao lạ vậy?

 

 

Hầu hết bạn đọc được hỏi đều thừa nhận không thật sự được chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng 51% trong số đó vẫn “sống” trên mạng xã hội khoảng 3-4 giờ/ngày… vì thói quen.




Cùng nhau đi dự tiệc, nhóm các bạn nữ này vẫn tranh thủ sử dụng điện thoại lướt Facebook - Ảnh minh họa: Quang Định
Cùng nhau đi dự tiệc, nhóm các bạn nữ này vẫn tranh thủ sử dụng điện thoại lướt Facebook – Ảnh minh họa: Quang Định

Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện về việc sử dụng mạng xã hội như thế nào với 100 bạn đọc độ tuổi từ 18-45 tại TP.HCM, trong đó có sinh viên, nhân viên văn phòng, công nhân viên chức…

Những trang mạng xã hội mà bạn đọc thường sử dụng là Facebook, Twitter, Instagram, Weibo, Linkedin… Trong số đó, Facebook là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất.

Không được chia sẻ…

Trong số 100 bạn đọc được khảo sát, chỉ có tám người sử dụng mạng xã hội từ 1-2 giờ/ngày. Số còn lại thường “online” từ 3-4 giờ/ngày (51% ý kiến) và có đến 31% người được hỏi dành hơn 5 giờ/ngày cho mạng xã hội. “Bạn dùng mạng xã hội để làm gì?” – khi nhận được câu hỏi này, 81% cho biết dùng để chia sẻ hình ảnh, cảm xúc cá nhân cũng như các hoạt động, công việc trong ngày.

“Tôi thường post (đăng) hình những nơi tôi đang đến, những món tôi đang ăn hoặc những hoạt động tôi đang tham gia. Không chia sẻ tự nhiên tôi cảm thấy… thiếu thiếu” – bạn Nguyễn Ánh Dương (25 tuổi, ngụ Q.1) cho biết.

Số còn lại dùng mạng xã hội như một kênh liên lạc, kết nối với người thân, bạn bè đồng nghiệp. Mạng xã hội còn là nơi để trao đổi công việc, bài vở hoặc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, với một số người, mạng xã hội là kênh thông tin để cập nhật tin tức thay vì phải truy cập vào báo mạng.

Qua khảo sát, đa số người được hỏi xem mạng xã hội như “ngôi nhà thứ hai” của riêng mình và chỉ dùng để nói chuyện của bản thân. Chỉ 25% người được hỏi dùng mạng xã hội để bình luận, mổ xẻ các vấn đề thời sự xã hội.

Tuy xem mạng xã hội là nơi để sẻ chia nhưng có đến 73% người thừa nhận họ cảm thấy không (hoặc ít) được chia sẻ thật sự. Như câu chuyện của bạn Đặng Thị Trà My (21 tuổi): “Khi mình đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội là lúc đó mình cảm thấy quá bế tắc, không còn ai để có thể chia sẻ. Mình viết ra nhằm giải toả là chính chứ mấy ai hiểu đâu, trên mạng người ta hời hợt lắm”.

Không chỉ riêng Trà My, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (29 tuổi, Q.Phú Nhuận) cũng cùng chung cảm nhận: “Chuyện cá nhân thì mạng xã hội không bao giờ giải quyết được. Thấy mình đăng chuyện buồn, người ta cũng vô bình luận nhưng kiểu hỏi cho có, đôi khi mỉa mai. Biết vậy nhưng viết ra coi như giải tỏa được phần nào tâm trạng rồi”.

…Nhưng tiếp tục “post”

Dù thừa nhận không thật sự được chia sẻ nhưng khi người khảo sát hỏi bạn đọc có tiếp tục cập nhật trạng thái, hình ảnh trên mạng xã hội không thì câu trả lời hầu hết là “có”.

“Có lần tôi tình cờ đọc được câu nói: “Face your problems, don’t Facebook them” (Đối mặt với vấn đề của bạn, đừng đăng chúng lên Facebook), tôi thấy rất đúng. Rất nhiều việc chúng ta phải tự giải quyết, bạn bè bên ngoài chưa hẳn giúp được huống hồ là bạn bè trên mạng. Nhưng tôi cũng không lý giải được vì sao tôi vẫn lên mạng xã hội để đăng trạng thái, hình ảnh. Nó như một thói quen, không dứt ra được” – chị Trần Kim Huệ (30 tuổi, Q.Bình Thạnh) kể.

Thói quen là lý do được nhiều người lựa chọn nhất (58% ý kiến) khi lý giải về việc tiếp tục sử dụng, chia sẻ trên mạng xã hội. 40% ý kiến cho biết có nhiều câu chuyện không thể nói trực tiếp với người mình muốn nói nên phải thông qua mạng xã hội để bày tỏ.

Việc thiếu sân chơi và các kênh thông tin khác cũng buộc người được hỏi phải lựa chọn mạng xã hội để giải trí (30% ý kiến). Số khác cho biết không dùng mạng xã hội sẽ lạc hậu, bất tiện trong cuộc sống lẫn công việc. Cá biệt có người lại lo sợ nếu không cập nhật thì bạn bè sẽ… quên mình.

Ngoài những lý do trên, nhiều người vẫn sử dụng mạng xã hội bởi “nếu biết cân đối thời gian và sử dụng hiệu quả thì mạng xã hội là một kênh học hỏi, cập nhật thông tin, kiến thức, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa cũng như góp ý kiến cho các vấn đề gây bức xúc trong xã hội” – anh Đỗ Huy Toàn (28 tuổi, Q.3) cho biết.

Câu chuyện anh Toàn đặt ra là điều trăn trở của nhiều người hiện nay: làm thế nào để sử dụng mạng xã hội hiệu quả? Đa số ý kiến cho rằng nên tận dụng mạng xã hội để thiết lập và tạo dựng các mối quan hệ (74% ý kiến), cân đối thời gian sử dụng phù hợp với lịch làm việc, học tập của bản thân (69% ý kiến). Mặt khác, cư dân mạng cần sự chọn lọc thông tin trước khi like (thích) hoặc share (chia sẻ), đồng thời biết cách áp dụng những thông tin, kiến thức trên mạng sao cho phù hợp với cuộc sống…

“Có khi nhờ cộng đồng mạng mà gia đình người này tìm lại được người thân bị mất tích hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ… Tôi gọi đó là sự dễ thương của thế giới mạng. Nhưng cũng không ít lần cộng đồng mạng bị dắt mũi vì những câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc. Do đó, cần tỉnh táo lọc thông tin, đặt lòng tốt đúng chỗ để dùng mạng xã hội hiệu quả hơn” – chị Trần Thị Thu Phương (30 tuổi) chia sẻ.

Chị Đinh Minh Nguyệt

Đây là thời buổi con cháu, cha mẹ và cả ông bà đều có thể sử dụng thành thạo mạng xã hội. Thậm chí các bà nội trợ cũng dùng mạng xã hội nêu lên quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề đang được bàn luận trong xã hội chứ không chỉ có giới trẻ.

Chị Nguyễn Minh Phương

Tôi nghĩ việc chọn mạng xã hội phù hợp khá quan trọng, đây là kênh tiếp thị bản thân tuyệt vời nếu chúng ta xác định được mục tiêu mình hướng đến.

Anh Hồng Văn Lợi

Mạng xã hội còn là một nơi để tôi nhìn nhận lại các mối quan hệ trong cuộc sống, hiểu nhau hơn và phần nào đó giúp bản thân có được cách nhìn chung về mọi người.

*Chị Nguyễn Thị Hương

Cần hạn chế đăng tải những tâm tư, tình cảm trên mạng xã hội, những thông tin liên quan đến hoàn cảnh gia đình… để tránh những đàm tiếu không đáng có.

Chị Trần Thị Thảo Nhi

Nhiều người dùng mạng xã hội để công kích, nói xấu nhau – tôi nghĩ đây là điều hoàn toàn không nên và cần loại bỏ. Chuyện hai người biết và cùng giải quyết dù sao cũng tốt hơn để cho hàng trăm người biết nhưng chẳng giải quyết được gì. Và nếu chúng ta là người đọc được những dòng công kích đó, cần cân nhắc trước khi tham gia bình luận chuyện của người khác.

NHÓM KHẢO SÁT