06/01/2025

Chất cấm chăn nuôi ảnh hưởng đến giống nòi

Chủ trì cuộc họp khẩn hôm qua (2.12) với các bộ, ngành: Công an, Công thương, NN-PTNT… về tình trạng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, chất cấm trong chăn nuôi…

 

Chất cấm chăn nuôi ảnh hưởng đến giống nòi

 

Chủ trì cuộc họp khẩn hôm qua (2.12) với các bộ, ngành: Công an, Công thương, NN-PTNT… về tình trạng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, chất cấm trong chăn nuôi tại Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ý đặc biệt lo ngại về tình trạng này.




Kiểm tra kho chứa thành phẩm của Công ty Khoa Nguyên ở Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: Đ.H

Kiểm tra kho chứa thành phẩm của Công ty Khoa Nguyên ở Q.Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: Đ.H

Địa phương tiếp tay, bao che

Ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, cho rằng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay là “rất đáng báo động”. Theo khảo sát của hiệp hội, riêng TP.HCM có 491 “điểm đen” kinh doanh phân bón giả, Đồng Nai có 47 điểm, Long An có 42 điểm, Hà Nội 20 điểm. Cũng theo ông Thuý: “Chính lực lượng chức năng địa phương lại tiếp tay, bao che, phá hoại pháp luật, những yếu tố cấu thành hình sự thì giấu hết. Nhiều vụ chìm xuồng dù Bộ Công an, Viện KSND tối cao đã có ý kiến”.
Ông dẫn một số ví dụ như tại TP.HCM sản xuất hàng nhái phân lân Văn Điển nhưng vẫn chưa được xử lý. Đặc biệt vụ việc Công ty Thuận Phong đã 2 lần kết luận cấu thành phạm tội, làm giả phân bón, làm giả cả giấy tờ, giả địa điểm sản xuất nhưng việc xử lý vẫn không đi đến đâu là vô cùng khó hiểu.

 
 
Chất cấm chăn nuôi ảnh hưởng đến giống nòi - ảnh 1

 

Chất cấm chăn nuôi ảnh hưởng đến giống nòi - ảnh 2



 Phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất: đóng cửa, thu hồi giấy phép đối với hành vi này… Tăng cường nhân lực, phương tiện, công cụ để đấu tranh, ngăn chặn

 

Chất cấm chăn nuôi ảnh hưởng đến giống nòi - ảnh 3
 

 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

 
Nói rõ về vụ Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất phân bón giả số lượng lớn nhưng hiện nay, cơ quan chức năng chưa xử lý, ông Vũ Đại Dương, Cục phó Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, Bộ Khoa học – Công nghệ, cho biết nếu theo đúng các nghị định, thông tư hướng dẫn hiện nay về chất lượng hàng hoá, công ty này đã sản xuất phân bón giả.
Lắng nghe các ý kiến trên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng căn cứ trên các báo cáo cơ quan chức năng, Bộ Công an cần nắm toàn bộ sự thật vụ việc này để chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý thật nghiêm.
Quản lý thị trường thì né
Về tình trạng nhập khẩu, kinh doanh chất cấm trong cây trồng, vật nuôi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận: “Có tình trạng sử dụng chất salbutamol (tiền chất thuốc chữa hen) nhập khẩu nhưng lại không phải là để sản xuất thuốc mà dùng trong nông nghiệp. Có những chất hiện nay, cơ quan nhà nước đã không cho nhập một năm nay như chất clenbuterol nhưng trên thị trường vẫn có và như vậy, chỉ có thể coi đó hàng nhập lậu”.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), cho rằng hiện nay QLTT có tham gia kiểm soát nhưng do không có kho lưu giữ thuốc bảo vệ thực vật, chất độc hại và kinh phí tiêu hủy nên QLTT né các sản phẩm này và hiệu quả không cao. Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) Nguyễn Văn Cẩn lên tiếng: “Các anh cứ bắt, chúng tôi sẽ có chỗ cất giữ, tiêu huỷ. Có ngân sách để phục vụ việc này”.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng phải quyết liệt xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và phân bón vì các cam kết trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất ngặt nghèo. Trong khi VN xuất khẩu vào các nước này là chính. Vì vậy theo ông, “các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà không đủ tiêu chuẩn là đóng cửa, kể cả có phép mà không đủ tiêu chuẩn (vì kinh doanh có điều kiện) cũng phải đóng cửa ngay”.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, trung tướng Đồng Đại Lộc, hiện nay về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, quy định pháp luật có nhưng xử lý chưa đủ mạnh, chưa đúng tầm, có nơi buông lỏng xử lý. Đáng nói là chưa có hướng dẫn quy định về việc gây hậu quả nghiêm trọng rồi xét nghiệm mỗi nơi một phách nên rất khó kết luận xử lý. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hài lòng: “Việc rõ như ban ngày thế mà còn thiếu thống nhất, quá khó hiểu, việc này phải cải thiện”.
Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình trạng dùng hàng giả, chất cấm vào cây trồng vật nuôi hiện nay là nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến giống nòi. Theo ông, các cơ quan có trách nhiệm chưa có những biện pháp cấp thiết, cấp bách để xử lý, hiệu quả đấu tranh chưa cao. “Chính quyền địa phương, một số lực lượng chức năng chưa tích cực vào cuộc trong khi một bộ phận cán bộ tha hoá, biến chất, tiếp tay, bảo kê, thờ ơ với lĩnh vực này. Nhiều vụ việc quá rõ ràng mà chậm trễ, thậm chí bỏ qua xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội”, Phó thủ tướng nhận định.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải ngăn chặn cho được tình hình này từ nay đến Tết Nguyên đán. “Phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất: đóng cửa, thu hồi giấy phép đối với hành vi này. Tất cả các bộ ngành, địa phương phải quán triệt chỉ đạo, nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này, rà soát lại toàn bộ công tác. Tăng cường nhân lực, phương tiện, công cụ để đấu tranh, ngăn chặn”, ông nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, số liệu của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tổng số vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép, hàng giả do các lực lượng chức năng bắt và xử lý 9 tháng năm 2015 khoảng 139.000 vụ, thu về cho nhà nước 30.000 tỉ đồng, tăng 23% số vụ, 16% thu ngân sách. Riêng thanh tra nông nghiệp các cấp xử lý 10.000 vụ. QLTT đã kiểm tra, xử lý 230 vụ kinh doanh phụ gia thực phẩm, xử lý vi phạm 211 vụ, phạt hành chính 1,6 tỉ đồng. QLTT cũng đã kiểm tra 652 vụ mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc, xử phạt gần 2,9 tỉ đồng, tiêu huỷ và thu giữ hàng trăm gói thuốc bảo vệ thực vật, hàng chục ngàn ký thức ăn chăn nuôi.

Mạnh Quân