Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt làng quê, nhưng đằng sau những công trình “hoành tráng” là tình trạng nợ đọng kéo dài mà không biết bao giờ trả hết.
Nông thôn mới nợ nần vì “vung tay quá trán”
Nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt làng quê, nhưng đằng sau những công trình “hoành tráng” là tình trạng nợ đọng kéo dài mà không biết bao giờ trả hết.
Đó là thực tế được thể hiện thông qua báo cáo mới đây của một số địa phương.
Hàng loạt xã “ôm” nợ
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT và Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Nghệ An, sau hơn 4 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 83 xã về đích nhưng đến cuối tháng 1.2015, số nợ đọng lên tới 897,8 tỉ đồng.
Là một trong ít xã tiêu biểu của tỉnh về xây dựng NTM, thế nhưng xã Nghĩa Đồng (H.Tân Kỳ) hiện đang “ngồi trên đống nợ”. Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã còn nợ hơn 30 tỉ đồng. Xã Thịnh Sơn (H.Đô Lương), đơn vị đầu tiên của huyện về đích NTM vào năm 2014, cũng đang “ôm” số nợ hơn 20 tỉ đồng…
Tại Hà Tĩnh, trước sức ép đẩy nhanh tiến độ về đích NTM, nhiều xã đã “về đích” cũng đang phải “ôm” nợ. Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó chánh văn phòng thường trực điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã có 26 xã về đích nhưng hiện bình quân mỗi xã vẫn còn “gánh” từ 3 – 6 tỉ đồng tiền nợ. Đơn cử xã Thạch Môn còn nợ 32 tỉ đồng (chủ yếu đầu tư xây dựng cơ bản); xã Thạch Hạ là 1 trong 7 xã dẫn đầu toàn tỉnh về đích NTM vào năm 2013 cũng đang nợ 22 tỉ đồng…
Tại Nam Định, chỉ trong vài năm xây dựng NTM, con số nợ đọng xây dựng cơ bản cấp xã tăng đến mức báo động.
Số liệu từ Sở Tài chính Nam Định cho biết, đến cuối năm 2012, tổng số tiền các xã trong tỉnh còn nợ đọng lên tới trên 510 tỉ đồng. Bình quân mỗi xã của tỉnh này nợ trên 2,2 tỉ đồng, trong đó có xã nợ trên 11 tỉ đồng… Đến đầu tháng 11.2015, Sở vẫn chưa hoàn thành điều tra để công bố số liệu chính xác về nợ đọng xây dựng cơ bản của cấp xã. Tuy nhiên, theo một cán bộ của sở này thì nợ có giảm nhưng giảm không đáng kể, thấp nhất cũng phải ở mức từ 300 đến 400 tỉ đồng và xã nào cũng có nợ.
Xây nhà văn hoá mới 7 tỉ đồng thay nhà văn hoá cũ vẫn sử dụng được – Ảnh: K.Hoan
Miếu Quan Quận ở xã Thạch Hạ (TP.Hà Tĩnh) có mức đầu tư 60 tỉ đồng – Ảnh: Nguyên Dũng
Vung tay “về đích”
Là một xã nghèo nhưng xã Nghĩa Đồng (Nghệ An) lại đầu tư xây dựng trụ sở UBND quá hoành tráng với 18 tỉ đồng, trong đó xây công trình phụ trợ như tường rào, cổng… tốn tới gần 6 tỉ đồng. Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã, khẳng định đây là chủ trương của huyện.
Ông Thái Khắc Mão, Phó chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn (Nghệ An), cũng cho biết: “Nhà văn hoá cũ của xã mặc dù đang sử dụng tốt với khoảng 300 chỗ ngồi nhưng UBND huyện vẫn cho chủ trương xây mới nhà văn hoá 7 tỉ đồng nên nhà cũ phải phá bỏ, khiến tiền nợ càng đội lên”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xã về đích NTM tại Hà Tĩnh phải “ôm” nợ là vì đã “mạnh tay” đầu tư xây dựng các công trình nhằm đảm bảo tiêu chuẩn và tiến độ “cán đích”. Ông Võ Nhân Nông, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc (H.Can Lộc), cho biết năm 2010 địa phương này vinh dự được chọn là xã điểm xây dựng NTM, đồng thời giao nhiệm vụ về thời gian “cán đích”. Để đảm bảo “cán đích đúng hẹn”, xã Thiên Lộc đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau đầu tư hàng loạt công trình cơ bản. Vì “vung tay” quá mạnh trong lúc nguồn vốn thiếu cân đối nên năm 2013, sau khi về đích, xã phải “cõng” hơn 20 tỉ đồng và đến nay, sau 2 năm huy động các nguồn để trả nợ, số nợ vẫn còn hơn 10 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sông Hàn – Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ (TP.Hà Tĩnh), để đảm bảo tiến độ về đích NTM, từ năm 2010 – 2013, xã này đã đầu tư khoảng 126 tỉ đồng, chủ yếu nhằm xây dựng các công trình cơ bản. Dù đã “cán đích” nhưng xã đang xây dựng công trình “tiêu biểu” là miếu thờ Quan Quận với tổng mức đầu tư hơn 60 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách xã hội hoá, trong khi vẫn đang nợ 22 tỉ đồng.
4 năm xây dựng nông thôn mới, người dân đã phải đóng góp mỗi người kể cả trẻ em lẫn người già gần 2 triệu đồng rồi, giờ họ không đồng ý đóng góp để trả nợ cho xã. Đất ở cũng bán gần hết rồi nên phương án trả nợ đang rất khó khăn
Ông Thái Khắc Mão, Phó chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn (H.Đô Lương, Nghệ An)
Tại Nam Định, đánh giá về nguyên nhân nợ, lãnh đạo một số xã có nợ đọng cho biết, do bộ máy lãnh đạo xã đã “trông giỏ, bỏ thóc”, tính đến khoản thu bán đất và đặc biệt là khoản hỗ trợ 8 tỉ đồng của ngân sách cho mỗi xã xây dựng NTM, nên đã “mạnh dạn” đầu tư.
Chưa biết bao giờ trả được nợ
Ông Võ Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng, thừa nhận chính quyền xã chỉ biết trông vào sự đóng góp của dân, bán đất ở và hỗ trợ của nhà nước để trả nợ. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, người dân trong xã cũng gần như bị vắt kiệt sức để đóng góp xây dựng NTM, tiền bán đất xã chỉ được giữ lại 30% trong khi giá đất ở đây rất rẻ nên hai nguồn thu này cũng chông chênh.
“Chúng tôi chưa biết đến khi nào thì mới trả hết nợ”, ông Hiển nói.
Ông Thái Khắc Mão, Phó chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn (Nghệ An), cũng cho biết: “4 năm xây dựng NTM, người dân đã phải đóng góp mỗi người kể cả trẻ em lẫn người già gần 2 triệu đồng rồi, giờ họ không đồng ý đóng góp để trả nợ cho xã. Đất ở cũng bán gần hết rồi nên phương án trả nợ đang rất khó khăn”.
Tại Hà Tĩnh, các xã cho biết, sẽ bán đất công và huy động các nguồn lực khác nhau để trả nợ, trong đó có nguồn vốn xã hội hoá. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, nhiều người dân ở các xã Thạch Môn, Thạch Hạ, Thiên Lộc, Cẩm Thành… khẳng định, họ không đồng tình nếu xã, huyện hoặc tỉnh “chia nợ” cho họ. Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, xã Thạch Môn) nói: “Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi đã đóng góp tiền bạc và ngày công rồi. Nay xã đã về đích, chúng tôi không thể tiếp tục đóng tiền để trả nợ nữa”.
Tại Nam Định, phần lớn các xã chưa biết trông vào đâu để trả nợ. Là tỉnh thuần nông, nguồn thu ngân sách các xã chủ yếu từ cấp quyền sử dụng đất. Nhưng từ cuối năm 2012, Chính phủ ban hành chỉ thị bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa nhằm đảm bảo an toàn lương thực nên nguồn thu từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã cạn. Hầu hết các lãnh đạo xã tại Nam Định đều cho biết chưa có nguồn, đành đợi hỗ trợ từ tỉnh, huyện. Theo ông Vũ Hồng Sâm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) Nam Định, để hạn chế phát sinh nợ xây dựng cơ bản đối với các xã xây dựng NTM, Nam Định đã ra cơ chế thưởng đối với các xã giảm được nợ. Tuy nhiên, một số xã đành chấp nhận mất thưởng vì “không có cách nào” giảm được nợ xây dựng cơ bản.
Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khoá 10) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì mục tiêu xây dựng NTM là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Xây dựng NTM giúp cho nông dân có niềm tin, trở nên tích cực, chăm chỉ, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.