Quốc hội đã yêu cầu ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Quốc hội yêu cầu giữ môn sử
Quốc hội đã yêu cầu ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hôm qua (27.11), Quốc hội khóa 13 đã họp phiên bế mạc tại hội trường, kết thúc kỳ họp kéo dài gần 40 ngày. Đây là kỳ họp mà các đại biểu QH đã thực hiện một khối lượng công việc rất đồ sộ từ thảo luận kinh tế – xã hội, chất vấn các thành viên Chính phủ đến thông qua, cho ý kiến hàng chục đạo luật, nghị quyết.
Ngày cuối, chưa hết việc
Phát biểu bế mạc kỳ họp QH chiều qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá cao những kết quả điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ năm 2015. Theo Chủ tịch, trong năm 2015, điều đáng mừng mà hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà QH giao đều đạt và vượt, kinh tế tăng trưởng ở mức cao hơn, các hoạt động tái cơ cấu được thúc đẩy trong khi an sinh xã hội vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch QH, nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết: hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn… “Cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm…”, Chủ tịch QH nêu.
Cho đến phiên họp cuối cùng hôm qua, các ĐBQH vẫn phải thực hiện hàng loạt công việc như biểu quyết thông qua bộ luật Hình sự (sửa đổi), bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), nghị quyết về công tác tư pháp, nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và thảo luận về 2 dự án luật: luật Tiếp cận thông tin và luật Dược.
Trong các bộ luật và nghị quyết được thông qua, đã có những điều chỉnh chính sách rất quan trọng. Với bộ luật Hình sự (sửa đổi), một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là QH đã thông qua việc bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, việc này thực hiện chủ trương của nhà nước nhằm giảm hình phạt tử hình, bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi.
Điểm đáng chú ý nữa là, theo quy định của bộ luật này, nếu tội phạm (kinh tế) chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ thoát án tử hình.
Cụ thể, tại điểm c, điều 40 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. Luật này cũng có một quy định mới là không tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Ngoài ra, bộ luật trên cũng bổ sung quy định quy trách nhiệm hình sự với pháp nhân. Theo đó, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, điều 76 bộ luật quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương 18) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương 19).
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, “việc bổ sung là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật”. Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ được thi hành từ 1.7.2016.
Khắc phục tồn tại việc bổ nhiệm
Trong ngày họp hôm qua, QH cũng đã thông qua nghị quyết kỳ họp. Trong phần bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết theo nghị quyết, QH đã yêu cầu ngành giáo dục “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Đáng chú ý, nghị quyết đã yêu cầu Bộ GD-ĐT “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, tỉnh, thành trực thuộc T.Ư.
“Chính phủ sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc”, nghị quyết kỳ họp yêu cầu.
Cùng ngày, QH cũng đã thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.