Làm rõ quyền tự do báo chí; chế tài xử lý thật nghiêm, xoá bỏ các trang thông tin tổng hợp “xào nấu”, “ký sinh”, ăn bám báo chí chính thống…
Luật Báo chí ‘mới túm ông có tóc…’
Làm rõ quyền tự do báo chí; chế tài xử lý thật nghiêm, xoá bỏ các trang thông tin tổng hợp “xào nấu”, “ký sinh”, ăn bám báo chí chính thống…
Đó là những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) tại phiên làm việc ngày 26.11.
“Không để lại khoảng trống thông tin”
Dự thảo luật sửa đổi có 30 điều mới, nội dung nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa làm các ĐB hết băn khoăn. ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), cho rằng với sự phát triển nhanh chóng, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động báo chí đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều loại hình không còn phù hợp. “Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo chưa làm rõ nội dung, đặc biệt quyền tự do báo chí của công dân cũng như thực tiễn quản lý báo chí”, bà Thắm nhận xét.
Có ý kiến cho rằng luật mới tập trung túm ông có tóc, còn ông trọc đầu thì chưa. Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản, điều xã hội quan tâm nhất là phần quản ông trọc đầu, phần bức bối mà xã hội hiện nay rất quan tâm là luật Báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)
Từ thực tiễn hoạt động, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP.HCM) đề nghị giải thích cụ thể hơn khái niệm tự do báo chí. Theo bà, luật cần quy định rõ để quy chế phát ngôn thực hiện nghiêm túc, cung cấp thông tin cho báo chí và “không để lại khoảng trống thông tin dẫn đến suy diễn, đồn đoán” như vừa qua. “Một số địa phương, đơn vị né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Tôi đề nghị luật hoá quy chế phát ngôn, bổ sung cụ thể vào luật”, bà Trang nói. Theo ĐB Trang, quyền tự do báo chí còn thể hiện ở việc lãnh đạo chỉ đạo định hướng thông tin. Theo đó, các cơ quan chức năng cần chủ động tạo điều kiện hơn cho báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Các cơ quan báo chí không ngại khó nhưng thật lòng mà nói những người đứng đầu các toà báo rất dễ mất ngủ khi nhận những tin nhắn chỉ đạo vào thời điểm đêm khuya, khi những bài báo sắp qua nhà in. Thiết nghĩ dự thảo luật cần có những quy định rõ ràng trong trách nhiệm của việc chỉ đạo định hướng thông tin trên báo chí”, nữ ĐB đang là Phó tổng biên tập một tờ báo ở TP.HCM chia sẻ. Bà còn đề nghị quy định cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của nhà báo; bổ sung nội dung xử phạt hành chính hoặc hình sự với tổ chức cá nhân cản trở tác nghiệp của nhà báo.
Trang tin tổng hợp “ký sinh trên cơ thể báo chí”
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) trăn trở về một số vấn đề “căn cốt” trong luật Báo chí sửa đổi lần này khi không đưa ra quy định điều chỉnh “truyền thông xã hội”. Bởi sự bùng nổ của internet, truyền thông xã hội bành trướng làm thay đổi địa vị báo chí chính thống. “Có ý kiến cho rằng luật mới tập trung túm ông có tóc, còn ông trọc đầu thì chưa. Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản, điều xã hội quan tâm nhất là phần quản ông trọc đầu, phần bức bối mà xã hội hiện nay rất quan tâm là luật Báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được”, ĐB Thường phản ánh. Theo ông, chính quy định cấp phép nhưng không cho làm nội dung nên nhiều trang tin cóp nhặt, xào lại. “Thực tế, loại trang tin tổng hợp này đã ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình, trong khi họ không phải mất chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào”, ĐB Thường nói.
Để ngăn chặn tình trạng người làm thật thì ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật, ĐB Thường đề nghị: “Dự thảo luật cần tính đến việc xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm chúng về loại hình website đơn thuần, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Chỉ làm như vậy chúng ta mới tạo ra môi trường lành mạnh để báo chí phát triển bình đẳng, để những cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển”.
Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng thủ tục đăng ký hoạt động đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp tương đối đơn giản và hình thức trang thông tin điện tử tổng hợp không khác gì so với điện tử, dưới góc độ của người đọc. Nên trong thời gian qua, số lượng các trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả gây bức xúc rất nhiều đối với các nhà báo, tờ báo chân chính. “Chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng vừa qua, qua tìm hiểu tôi được biết có hàng chục trang thông tin điện tử tổng hợp bị xử phạt, điển hình là trang Trí Việt như tổng hợp tin không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ”, ĐB này nói.
Từ phân tích trên, ĐB Hải đề nghị cần bổ sung thêm một số quy định, chế tài cụ thể đủ mạnh vào luật Báo chí (sửa đổi) để đảm bảo quản lý có hiệu quả đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp này, trong khi chờ việc nâng Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng lên thành luật.
Tránh hành chính hoá các hội
Thảo luật tại hội trường buổi chiều 26.11 luật về Hội, nhiều ĐB cho rằng quyền lập hội là quyền cơ bản của công dân, phù hợp với quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, luật cần giảm bớt thủ tục, thời gian, tạo thuận lợi cho công dân tham gia các hoạt động hội. Hiện tại theo thủ tục lập doanh nghiệp chỉ mất có 3 ngày, trong khi lập hội mất tới 60 ngày là quá lâu. Nhiều ý kiến đề nghị phải tránh hành chính hóa các hội, đừng biến các hội thành cơ quan nhà nước, cán bộ hội thành cán bộ, công chức nhà nước; hội phải hoạt động đúng với bản chất của hội, hướng về lợi ích của hội viên; phải tự trang trải kinh phí, không nên phát triển các hội do nhà nước bao cấp.
Có ý kiến cho rằng, quản lý hội cũng không đơn giản do hội là tổ chức tự nguyện của người dân, đa dạng về hình thức, phong phú về hoạt động, bên cạnh đó có một số lượng lớn hội không đăng ký, do đó để quản lý hội được chặt chẽ thì nhà nước phải có biện pháp quản lý phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh cụ thể, tránh rập khuôn, cứng nhắc.
Sáng qua QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại. Đồng thời, quyết định chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định này trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1.1.2016.
Chiều cùng ngày, QH thông qua luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, có hiệu lực từ 1.7.2016, gồm 10 chương, 73 điều quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.