29/11/2024

Nguy cơ ô nhiễm hoá chất trong thực phẩm

Mỗi loại trái cây, rau củ có thể được bảo quản bởi 3 – 4 loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau.

 

Nguy cơ ô nhiễm hoá chất trong thực phẩm

 

Mỗi loại trái cây, rau củ có thể được bảo quản bởi 3 – 4 loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. 




Tận dụng đất trống để trồng rau sát mặt đường - Ảnh: Tú Anh
Tận dụng đất trống để trồng rau sát mặt đường – Ảnh: Tú Anh

Tách riêng từng chất thì dư lượng chưa vượt mức, nhưng tính tổng các loại chất được sử dụng thì dư lượng sẽ cao.

Ông Phạm Xuân Đà, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết về một xu hướng được phát hiện qua kiểm nghiệm thực phẩm:

– Có một vấn đề không mới nhưng gần đây chúng tôi có điều kiện làm kỹ, làm sâu, đó là tình trạng đa ô nhiễm trong một loại thực phẩm. Xu hướng này thể hiện ở chỗ không phải một loại hoá chất được sử dụng, mà cùng một loại củ quả có khi có 3 – 4 loại khác nhau, tách riêng từng loại thì dư lượng không cao nhưng 3 – 4 loại cộng lại thì dư lượng vọt lên.

* Cụ thể hơn thưa ông?

– Đó là tình trạng nhiều loại hoá chất được sử dụng để bảo quản, bảo vệ một loại thực phẩm. Tình trạng này thường xuất hiện ở các loại trái cây cần bảo quản lâu, dễ hỏng, phải vận chuyển xa, thời gian vận chuyển dài, trái cây và rau củ trái mùa.

Có nhiều người cũng hỏi chúng tôi là loại trái cây cụ thể đó là gì, nhưng chúng tôi làm khoa học thì mỗi khi thông báo sản phẩm không đạt phải kèm theo số lô, ngày mua, cửa hàng nào, chứ không kể chung chung là phát hiện táo, lê… có đa ô nhiễm được. Các thông tin cảnh báo nguy cơ thì chúng tôi thực hiện theo quy chế của cơ quan quản lý nhà nước.

* Theo ông, khi phát hiện thực phẩm bẩn, có nên công khai ngay sản phẩm nhiễm bẩn để người dân biết và tẩy chay?

– Nên công khai để người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, tẩy chay doanh nghiệp, từ đó mới tạo được văn hoá kinh doanh tốt. Các nước phát triển cũng làm như vậy, doanh nghiệp có 100 sản phẩm tốt nhưng chỉ một sản phẩm hỏng là công ty có nguy cơ sập tiệm. Như thế doanh nghiệp luôn ý thức nếu người tiêu dùng quay lưng thì họ sẽ mất hết.

Ở nước ta những năm gần đây việc công khai danh tính sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm đã nhiều hơn, nhưng theo tôi cần công khai nhiều hơn nữa để người tiêu dùng lựa chọn.

Ông Phạm Xuân Đà - Ảnh: L.Anh
Ông Phạm Xuân Đà – Ảnh: L.Anh

* Năm 2014 khi đi kiểm tra rau quả nhập khẩu qua cửa khẩu các tỉnh phía Bắc, nhiều ý kiến lo ngại khi trái lê để 5 tháng không hỏng, nhưng khi kiểm tra lại không phát hiện những chất bảo quản. Hiện nay, việc phát hiện các chất chưa được định danh đã cải thiện hay chưa?

– Chúng tôi đã có kế hoạch để năm 2016 có thể được đầu tư hệ thống kiểm nghiệm các chất chưa được định danh. Có thể nói hiện nay Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm được hầu hết các chất đã được định danh, và có thể phát hiện cả các chất chưa được định danh khi có hoá chất thử phù hợp. Như vàng O trong thịt gà và thịt heo là một chất mới được phát hiện, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị trong 2 tháng và hiện có quy trình nội bộ để kiểm tra phát hiện vàng O, tới đây có thể tập huấn cho các nơi có yêu cầu kiểm tra và phát hiện vàng O trong thực phẩm.

Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ khi có máy thì chúng tôi cần được đầu tư để duy trì hoạt động của máy và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu. Vì hoạt động phân tích nguy cơ phục vụ quản lý nhà nước không thể mỗi mẫu chỉ kiểm nghiệm 
2 – 3 chất đã biết hay theo chỉ định của cơ quan kiểm tra, có khi mỗi mẫu phải quét cả 500 – 600 chất và phải làm nhiều mẫu để phát hiện những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn hay nhân tố mới chưa được phát hiện trước đó. Do đó, cần có nguồn và cơ chế tài chính riêng cho hoạt động đặc biệt quan trọng này.

Các nghiên cứu, kiểm nghiệm xác định nguyên nhân các sự vụ về an toàn thực phẩm hay vụ ngộ độc thực phẩm ngoài việc đầu tư thiết bị máy móc hiện đại đòi hỏi đầu tư thoả đáng về đào tạo nhân lực và kinh phí triển khai hoạt động.

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí, viện vẫn chủ động đầu tư nghiên cứu xác định nguyên nhân của nhiều sự vụ về an toàn thực phẩm như nguyên nhân gây thịt đỏ ở Hà Tĩnh, ngộ độc thực phẩm ở Ninh Bình, Thanh Hoá… do độc tố tự nhiên, nhưng nguyên nhân ban đầu rất khó xác định và nếu không có nghiên cứu sâu rất khó phát hiện.

Rau trồng trên vỉa hè có thật sự sạch?

“Khát” rau sạch, nhiều hộ dân tận dụng từng ô đất trống trên vỉa hè hoặc dải phân cách để trồng rau. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia công nghệ thực phẩm – thì rau trồng trên vỉa hè, dải phân cách có tiềm ẩn nguy cơ nhiễm kim loại độc từ bụi đường, khí thải từ xe máy, ô nhiễm môi trường đô thị.

Trong khi đó, theo một số người trồng rau ngoài đường, tuy rau trồng trên vỉa hè, dải phân cách thường bám rất nhiều bụi bẩn thế nhưng rau vẫn tốt, chỉ cần rửa nhiều lần với nước sạch, ngâm nước muối hoặc “sục” ozon là đảm bảo rau sạch.

Ông Thịnh cho biết đường nhựa (bêtông asphalt) khi gặp nhiệt độ cao sẽ bốc nóng tạo thành bụi chứa độc tố rất nguy hiểm, hít phải loại bụi độc tố này về lâu dài có nguy cơ bị ung thư phổi. Rau trồng trên lề đường, vỉa hè hay dải phân cách ở những con đường nhựa thường bám rất nhiều loại bụi độc tố này.

Chúng có khả năng kết dính, lâu ngày tạo thành từng lớp mỏng bám chặt vào bề mặt lá rau, kẽ lá mà không thể loại bỏ bằng việc rửa bằng nước sạch nhiều lần, ngâm nước muối hay sục ozon như những cách thông thường người dân vẫn từng làm. Ông Thịnh nói thêm những cách rửa rau như vậy chỉ giúp loại bỏ được bụi đất, vi sinh vật bám bên ngoài chứ không thể loại bỏ được độc chất ở bên trong.

Ngoài ra, rau trồng trên vỉa hè, dải phân cách còn có nguy cơ nhiễm kim loại độc từ khói xăng xe phả ra. Do đó về lâu dài, nguy cơ ảnh hưởng xấu đối với sức khoẻ từ việc ăn những loại rau như vậy là rất lớn.

Cũng theo ông Thịnh, ở nhiều nước tiên tiến người dân không xây nhà sát đường như ở Việt Nam vì ngoài lý do an toàn giao thông còn là để hạn chế việc tiếp xúc với khói bụi, khí độc do xăng xe, nhựa đường tạo ra. Tương tự, với rau người ta khuyến cáo không được trồng cách mặt đường dưới 500m đề phòng các nguy cơ nhiễm độc chất.

TÚ ANH – QUỲNH LIÊN

LAN ANH thực hiện ([email protected])