Chỉ khi không còn tồn tại sự phân biệt giữa giáo viên biên chế với hợp đồng, giao quyền chủ động tuyển dụng cho các nhà trường kèm quy định ràng buộc và kết thúc tình trạng đãi ngộ kiểu ‘sống lâu lên lão làng’ thì mới có thể chấm dứt tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Nhiều kẽ hở trong tuyển dụng giáo viên: Phải thay đổi cách tuyển dụng và đãi ngộ
Chỉ khi không còn tồn tại sự phân biệt giữa giáo viên biên chế với hợp đồng, giao quyền chủ động tuyển dụng cho các nhà trường kèm quy định ràng buộc và kết thúc tình trạng đãi ngộ kiểu ‘sống lâu lên lão làng’ thì mới có thể chấm dứt tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Nghịch lý chỉ tiêu biên chế
Chỉ hơn 56% giáo viên mầm non trong biên chế
Thống kê của Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đến hết năm 2014 tỷ lệ giáo viên trong biên chế của bậc mầm non là thấp nhất. Cụ thể, tỷ lệ này là 56,7%, trong đó cán bộ quản lý đạt 89,6%, giáo viên nhà trẻ đạt 49,9%, giáo viên mẫu giáo đạt 67%. Trong khi đó, Bộ Nội vụ đặt yêu cầu cụ thể đối với Sở Nội vụ các địa phương thực hiện nghiêm túc quản lý biên chế và chính sách tinh giản biên chế. Không tăng biên chế từ nay đến năm 2016.
T.Nguyễn
Việc xác định biên chế hằng năm được ngành nội vụ tính toán không dựa trên vị trí việc làm mà chủ yếu trên nguyên tắc không tăng biên chế. Lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận ở Hà Nội cho biết: “Dù có những trường còn thiếu giáo viên nhưng chúng tôi chỉ đề xuất chứ không được quyết định tuyển dụng cho đủ số biên chế. Một số nơi vẫn phải chấp nhận thiếu giáo viên nếu tổng biên chế toàn thành phố đang dư thừa”.
Tại Q.Kiến An (Hải Phòng), nơi hơn 100 giáo viên (GV) mòn mỏi dạy hợp đồng với mức lương ít ỏi dù ở trường này, trường khác có gần 100 vị trí đang cần tuyển nhưng không được TP.Hải Phòng duyệt biên chế cũng chỉ vì lý do tính toàn thành phố thì đang dư thừa GV.
Chính vì điều này nên tình trạng thừa mà thiếu GV vẫn diễn ra khiến việc tuyển dụng vào biên chế của ngành sư phạm hết sức nhiêu khê, bí ẩn, tạo điều kiện cho việc “chạy” mới tăng cơ hội được tuyển dụng.
Chủ trương thúc đẩy phát triển hệ thống trường ngoài công lập cũng là giải pháp nhằm giảm áp lực về biên chế cũng như ngân sách nhà nước chi trả lương cho GV, đồng thời khiến GV hợp đồng có chế độ, chính sách ổn định hơn. Tuy nhiên, một phần do thực trạng hệ thống các trường ngoài công lập hiện nay còn phát triển quá manh mún, bấp bênh và không có sự hỗ trợ cần thiết của chính quyền địa phương cũng như chính sách của nhà nước nên GV không thể yên tâm với nghề. Vì thế có được một chỗ đứng trong biên chế nhà nước luôn là nỗi khát khao của GV và không khó hiểu khi họ sẵn sàng vay mượn hàng trăm triệu để “chạy” vào biên chế.
Tâm lý “chắc chân” của viên chức
Trong khi đó, GV sau khi đã vào được biên chế, hưởng lương nhà nước thì lại có tâm lý yên vị, không phấn đấu để nâng cao chất lượng giảng dạy. Không ít GV chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng vì đã vào biên chế nên rất khó xử lý để có thể tuyển dụng được những người giỏi nghề nhưng ở ngoài biên chế.
Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một nữ GV của Trường mầm non Mầm Xanh, Q.Đống Đa (Hà Nội) cầm dao dọa chém đồng nghiệp và trước đó liên tục bị phụ huynh tố cáo có hành vi bạo hành đối với con em họ. Vấn đề là hiệu trưởng nhà trường cũng không có thẩm quyền xử lý GV này. Hiệu trưởng trường cho biết bà không có quyền kỷ luật viên chức (vì tuyển dụng viên chức là Q.Đống Đa). Người đứng đầu cơ sở giáo dục chỉ quản lý về mặt con người, chuyên môn theo quy chế của nhà trường…
Một số tỉnh cũng đang đau đầu với bài toán giải quyết đội ngũ GV hiện nay vì không ít người trong biên chế không đáp ứng được yêu cầu công việc (nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu), trong khi lượng lớn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường, được đào tạo bài bản, có đủ năng lực… thì lại thất nghiệp vì không có chỉ tiêu tuyển dụng.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết: “Tất nhiên, luật viên chức cũng phải có những điều khoản để bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, nếu hiệu trưởng được tuyển dụng và sử dụng lao động như ở các trường ngoài công lập thì rõ ràng GV phải luôn có ý thức phấn đấu, hoàn thiện mình”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế “có vào – có ra” để người được tuyển dụng viên chức vẫn phải phấn đấu, nâng cao năng lực.
GS Đinh Quang Báo, Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng phải thay đổi chế độ đãi ngộ. Theo GS Báo, cách trả lương hiện nay khiến người giỏi cũng như người kém, “sống lâu lên lão làng” khiến nhiều GV trẻ rất giỏi nhưng vẫn phải leo từ từ.
Giao quyền tự chủ tuyển dụng cho các trường
Các đơn vị trường học là nơi sử dụng lao động nhưng không được trực tiếp tuyển dụng và quyết định số lượng GV cần tuyển, nên dù ngành GD-ĐT có đưa thêm môn học hay hoạt động giáo dục mới vào thì cũng chỉ có thể tuyển GV theo diện hợp đồng chứ không có biên chế.
Đề nghị nên giao quyền cho nhà trường tuyển GV đã được khá nhiều hiệu trưởng đồng tình. Theo họ, các tổ chuyên môn cùng tham gia với ban giám hiệu lựa chọn sẽ giúp trường tìm được những GV mà học sinh thực sự cần.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 (TP.HCM) quả quyết: “Nếu tuyển GV cho chính trường mình, không một người đứng đầu nào có thể bỏ qua uy tín, chất lượng để nhận ứng viên không phù hợp hoặc không đủ năng lực”. Còn phó hiệu trưởng một trường THPT lớn của TP.HCM nhìn nhận: “Quá vô lý vì nhân sự trực tiếp của tôi, ảnh hưởng đến chất lượng của trường tôi mà tôi không hề được tham gia tuyển chọn”.
Ông Kim Vĩnh Phúc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), cũng cho biết việc trường thực hiện tuyển dụng sẽ chính xác hơn.
Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng về lâu dài cũng cần nâng cao năng lực quản lý của cấp trường để có thể yên tâm giao quyền tự chủ cho các trường trong việc ký hợp đồng tuyển dụng và trả lương cho GV theo trình độ, khả năng thực tế để vừa khắc phục những bất hợp lý nêu trên, vừa bảo đảm sự công bằng, tạo động lực cho đội ngũ GV phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học. “Tất nhiên, khi giao quyền cho các cơ sở giáo dục thì cũng cần phải gắn chặt với những yêu cầu về năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu để tránh những tiêu cực nảy sinh”, ông Thạch nói.