29/11/2024

Đề nghị khôi phục lại Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em

‘Chúng ta tách trẻ em ra khỏi gia đình là một điều cần phải nghiên cứu lại, làm gì thì làm nhưng trẻ em là phải đi với gia đình, không thể tách trẻ em ra khỏi gia đình một cách rất cơ học như thế’

 

Đề nghị khôi phục lại Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em

 

‘Chúng ta tách trẻ em ra khỏi gia đình là một điều cần phải nghiên cứu lại, làm gì thì làm nhưng trẻ em là phải đi với gia đình, không thể tách trẻ em ra khỏi gia đình một cách rất cơ học như thế’




Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh – Ảnh: Ngọc Thắng


Dẫn lại báo cáo của Chính phủ cho biết 1/3 chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về trẻ em đề ra trong giai đoạn vừa qua là không thực hiện được, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng có nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp là tổ chức bộ máy và lực lượng làm công tác trẻ em từ T.Ư đến cơ sở có vấn đề. Từ năm 2007, Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em bị giải thể, chức năng quản lý về dân số giao Bộ Y tế, quản lý gia đình đưa về Bộ VH-TT-DL, quản lý trẻ em đưa về Bộ LĐ-TB-XH.

Theo ĐB, việc giải thể nhằm mục đích giảm được một đầu mối trực thuộc Chính phủ nhưng lại có những tác động ngược lại. “Chúng ta tách trẻ em ra khỏi gia đình là một điều cần phải nghiên cứu lại, làm gì thì làm nhưng trẻ em là phải đi với gia đình, không thể tách trẻ em ra khỏi gia đình một cách rất cơ học như thế”, ĐB Diệu nói. Từ đó ĐB này đề nghị cần phải có một mô hình phù hợp, thống nhất, chức năng quản lý về gia đình và trẻ em phải vào một bộ chủ quản chứ “đừng để trẻ em rời khỏi gia đình”.
Theo ĐB Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng), gần đây ngày càng xuất hiện nhiều vụ xâm hại trẻ em một cách tàn bạo, gây tổn hại đến thể chất và chấn động nặng nề cho tinh thần của trẻ. Đáng chú ý, hầu hết những vụ việc này được phanh phui nhờ báo chí hoặc được phổ biến trên mạng chứ không phải qua các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết.
“Điều này phản ánh đạo đức xã hội xuống cấp, đồng thời cho thấy sự hạn chế trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực ngược đãi. Tôi cho rằng hệ quả này có một phần lỗi của các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý”, ĐB này nói và đề nghị ban soạn thảo cần quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ trẻ em tránh việc quy định chung chung nhưng lại chồng chéo, đến khi có sự việc xảy ra không thể quy trách nhiệm cho ai.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Ngô Thị Minh đề nghị khôi phục lại Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em để có một cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tốt nhất, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Cả mẹ lẫn con đều là trẻ em
Tại phiên thảo luận, các ĐB tiếp tục nêu nhiều băn khoăn về việc dự thảo luật nâng độ tuổi trẻ em lên 18 so với 16 như hiện nay. ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu quan điểm không đồng tình bởi quy định sẽ vênh với các đạo luật khác và: “Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi đã kết hôn và sinh con mặc dù luật pháp không cho phép, khi sinh con trong bệnh viện phụ sản thì cả hai mẹ con đều là trẻ em. Xuất phát từ thực tiễn trên. Tôi đề nghị giữ nguyên độ tuổi trẻ em như luật hiện hành”, ĐB đề nghị.
ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu thêm bởi nếu quy định này có hiệu lực sẽ tác động lớn tới tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tổ chức Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Theo ĐB, luật Thanh niên quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, nếu nâng tuổi trẻ em sẽ phải sửa lại luật.
“Nếu luật Thanh niên sửa thì cũng phải sửa lại điều lệ Đoàn để tuổi đoàn viên từ 18 đến 30 và học sinh cấp 3 thì chưa biết để tổ chức nào quản lý. Nếu để Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở cấp 3 thì tôi thấy rất khó khăn. Còn nếu tổ chức Đoàn thanh niên ở học sinh cấp 3 thì luật trẻ em cũng nên diễn đạt lại”, ĐB Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
QH thông qua luật Thống kê (sửa đổi) và luật Khí tượng, thủy văn
Ngày 23.11, với đa số phiếu thuận, QH đã thông qua luật Thống kê (sửa đổi gồm 9 chương, 72 điều) quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước. Đạo luật này quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê nhà nước và sử dụng thông tin thống kê nhà nước gồm: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, cản trở việc cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và từ dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; Can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe doạ, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; Thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; Tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê và cung cấp thông tin từ dữ liệu hành chính; Báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; Tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước; Tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố của cơ quan, tổ chức; Sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Cũng trong chiều qua, QH đã thông qua luật Khí tượng thuỷ văn.

Thái Sơn