29/11/2024

Cái nhìn đa chiều hay sự cười cợt sa đà?

Gần đây, Những kẻ lắm lời – một talk show tán gẫu bình phẩm chê bai mắng mỏ nhạo báng… mọi thứ thuộc về thế giới showbiz – gây ồn ào dư luận.

 

Cái nhìn đa chiều hay sự cười cợt sa đà?

 

Gần đây, Những kẻ lắm lời – một talk show tán gẫu bình phẩm chê bai mắng mỏ nhạo báng… mọi thứ thuộc về thế giới showbiz – gây ồn ào dư luận.




Chương trình 40 phút Bitches in town - Những kẻ lắm lời - hiện đã phát đến tập 20 trên YouTube và bị nhiều người xem chỉ trích bởi cách nói năng quá tự nhiên và tiếng cười dễ dãi - Ảnh chụp lại từ YouTube
Chương trình 40 phút Bitches in town – Những kẻ lắm lời – hiện đã phát đến tập 20 trên YouTube và bị nhiều người xem chỉ trích bởi cách nói năng quá tự nhiên và tiếng cười dễ dãi – Ảnh chụp lại từ YouTube

1. Talk show này do MC Thuỳ Minh – một gương mặt quen thuộc không chỉ dẫn chương trình mà còn viết sách, viết báo cùng công ty của cô (Monday Morning Media) sản xuất. Thuỳ Minh – Nguyễn Ngọc Thạch (facebooker khá nổi với những bài bình luận phim ảnh duyên dáng kiểu sỗ sàng) và stylist Lê Minh Ngọc đã cùng nhau lên sóng mạng mỗi tuần để “ăn thịt” các sự kiện, các “con mồi” lọt vào tầm ngắm của họ.

Lẽ ra, talk show này cũng chưa ầm ĩ đến thế nếu như những người bị đưa vào tầm ngắm như các fan của ca sĩ Mỹ Tâm, gia đình “bạn trai tin đồn” của Hồ Ngọc Hà, hoa hậu Đặng Thu Thảo, ca sĩ Đông Nhi… lên tiếng phản đối.

Xem clip talk show thì thấy ngoài một nhãn hàng cung cấp trang phục được ghi tên trong credit thì chưa thấy có nhãn hiệu quảng cáo nào dù ở dưới mỗi clip có dòng chữ: “Mọi thông tin, tranh cãi, xin việc, quảng cáo… xin liên hệ nhungke…@gmail.com…” thì có thể đoán mục đích hướng tới của những người làm chương trình cũng không thể ngoài việc kiếm lợi.

Luật pháp hay đạo đức để phán xét những phát ngôn quá tự do của họ đây? Có thể nhiều người sẽ cho rằng tự do ngôn luận là việc nên được tôn trọng, nhưng không biết họ có nghĩ thêm rằng để tôn trọng tự do của chính mình thì cũng không nên phạm vào tự do của người khác?

2. Không giấu sự mệt mỏi và ức chế vì dư luận trong thời gian qua với Những kẻ lắm lời, Thùy Minh đồng ý “nói một lần cuối về chuyện này” với PV Tuổi Trẻ:

“Chúng tôi nghĩ dư luận đang quá nặng nề khi nói về đạo đức hay luật pháp trong trường hợp một show bàn luận đúng – sai, xấu – đẹp. Ai cũng “chụp mũ” chúng tôi chỉ bới móc, chê bai, mà không biết là khi cần phải lên tiếng động viên hay khen ngợi thì chúng tôi cũng đã lên tiếng. Như ca sĩ Mỹ Tâm, chúng tôi chê cô ấy ăn mặc không có gu nhưng khi có lùm xùm thì lại quyết định đứng về phía Tâm. Sơn Tùng hay Hồ Ngọc Hà cũng vậy.

Với Những kẻ lắm lời – điểm tích cực mà chúng tôi nhận được là giúp khán giả trẻ có cái nhìn đa chiều về các hiện tượng xã hội, có quyền tham khảo nhận xét về các bộ phim điện ảnh VN, các xu hướng thời trang mới hoặc nhận định những cá tính âm nhạc rõ nét trong showbiz là ai.

Mục tiêu của chương trình không phải là chế giễu giới showbiz, mà là tham gia bình luận ở góc nhìn khán giả. Tôi nghĩ khán giả nào cũng được bình luận những gì mắt thấy tai nghe, giống như mọi người nhận xét về sô của chúng tôi vậy, êkip sản xuất lắng nghe và đón nhận tất cả”.

Lắng nghe dư luận, tối 21-11, nhà sản xuất Hà Mạnh cũng đã đại diện êkipNhững kẻ lắm lời cho biết: “Êkip sản xuất chương trình đã thống nhất quan điểm muốn được khép lại sự việc, thừa nhận những sai sót và gửi lời xin lỗi đến các cá nhân xuất hiện trong chương trình”.

Tuy vậy, góc độ luật pháp với những quy định về phát ngôn, phổ biến thông tin qua những vụ việc như thế này là một câu chuyện khác sẽ còn được mổ xẻ.

Thùy Minh nói thêm: “Chúng tôi là những người mới đặt chân vào lĩnh vực tiềm năng tại thị trường VN là YouTube. VN là 1 trong 10 quốc gia có số người xem YouTube đông nhất thế giới, tuy nhiên thị trường này còn quá mới mẻ để phân định ranh giới giữa vlog cá nhân và quy tắc ứng xử trong chương trình phát trên truyền hình.

Dạng chương trình của chúng tôi là vlog, mà theo tôi được biết đến nay vẫn chưa có quy định về phát ngôn hay hành xử trong những video tự quay tự phát này. Nhưng cá nhân tôi tin rằng đây là một bài học kinh nghiệm cho những người sau này muốn quay vlog phát trên YouTube”.

Khi được hỏi “Không thể phủ nhận, nhiều nhân vật, nhiều sự kiện showbiz Việt cũng đáng và cần một liều thuốc đắng, nhưng đắng theo cách nào thì chưa chắc show của các bạn đã làm đúng và làm được, phải không?”, Thùy Minh trả lời:

“Tôi nghĩ nhiệm vụ đó thuộc về báo chí. Còn với “Những kẻ lắm lời” – điểm tích cực mà chúng tôi nhận được và giúp khán giả trẻ có cái nhìn đa chiều về các hiện tượng xã hội, có quyền tham khảo nhận xét về các bộ phim điện ảnh Việt Nam, các xu hướng thời trang mới hoặc nhận định những cá tính âm nhạc rõ nét trong showbiz là ai.

Mục tiêu của chương trình không phải là chế giễu giới showbiz, mà là tham gia bình luận ở góc nhìn khán giả. Tôi nghĩ khán giả nào cũng được bình luận những gì mắt thấy tai nghe, giống như mọi người nhận xét về show của chúng tôi vậy, ekip sản xuất lắng nghe và đón nhận tất cả”.

Ca sĩ Đông Nhi - một nghệ sĩ bị bình luận thô thiển từ talkshow "Những kẻ lắm lời". Ảnh tư liệu.
Ca sĩ Đông Nhi – một nghệ sĩ bị bình luận thô thiển từ talkshow “Những kẻ lắm lời”. Ảnh tư liệu.

Thế giới phẳng dạy chúng ta chấp nhận cái nhìn đa chiều

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chia sẻ ý kiến:

“Tôi không phản đối những chương trình truyền hình hoặc video mang tính phê phán. Chúng ta cũng nên làm quen dần với việc không được vỗ về, tung hô đi, bởi vì thế giới phẳng dạy cho chúng ta biết chấp nhận những cái nhìn đa chiều.

Tuy nhiên, cách thực hiện phải phù hợp với văn hoá của VN. Không phải cứ phương Tây làm gì chúng ta cũng bê nguyên xi được. Thậm chí, ngay cả phương Tây người ta cũng không bao giờ dùng những ngôn từ xúc phạm đối tượng phê phán. Thông thường, người ta phê phán bằng trí thông minh, dí dỏm, bằng những câu nói ý nhị, thâm thúy.

Bản thân tôi không thích chương trình này, không phải vì nó mang tính phê phán, mà vì tôi không thích format của nó, phong cách dàn dựng và cả cách nói năng quá tự nhiên và những tiếng cười dễ dãi của người dẫn chương trình. 

Một nhà phê bình giỏi là khi phê phán, chê bai người khác mà người bị phê bình phải chấp nhận, mặc dù không thích. Và nếu anh sai, cũng nên chấp nhận những phản ứng của dư luận. 

Cuối cùng, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng một chương trình truyền thông, dù là giải trí đơn thuần đi chăng nữa, nếu định làm thật sự nghiêm túc thì nên tính đến mục đích tích cực của nó.

Dù cho là một chương trình giải trí, nếu không hướng tới một mục đích tích cực cho xã hội thì sự tồn tại của nó là không cần thiết”.

Mặt trái phải trả giá

Bình luận của Biên tập viên Mỹ Linh (VTV3):

Trước khi được đề nghị xem Những kẻ lắm lời  quả thật là tôi không biết có chương trình này. Xem rồi, thì khá ngạc nhiên. Ngạc nhiên thứ nhất là bởi tôi rất thích Thuỳ Minh, tôi luôn đánh giá bạn ấy là một host (người dẫn dắt chương trình) thông minh, sáng tạo, cá tính, tôi ngạc nhiên vì không nghĩ Thuỳ Minh đầu tư chất xám của mình cho chương trình này.

Ngạc nhiên thứ hai bởi tôi không hiểu mục đích chương trình là gì, nếu chỉ để thoả mãn dân tình ngồi rung đùi xem các bạn bình phẩm, thì thật ra ngoài đời người ta bình phẩm nhau đôi khi tàn tệ hơn nhiều.

Không mang lại niềm vui gì ngoài hả hê cười cợt, không mang lại nhận thức gì mới mẻ, phải chăng chương trình là một phép thử nhầm lẫn của người làm chương trình giải trí, trước sự đòi hỏi cái mới của công việc sáng tạo nội dung? Tôi đặt Những kẻ lắm lời vào bối cảnh đó để hiểu và thông cảm.

Phải nói rằng công việc sáng tạo nội dung đang ngày càng trở nên khó khăn, chất xám của đội ngũ này đôi khi không theo kịp với công nghệ và sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông giải trí khác nhau. Áp lực của lượt xem và cả sự ” bội bạc ” của công chúng đặt công việc này trước nhiều áp lực. Ngành truyền hình và truyền thông thế giới đều đã từng trải qua giai đoạn này. Nếu ai chịu khó theo dõi sự phát triển của địa hạt đó, chắc đều biết chính những chương trình truyền hình thực tế, trò chơi thực tế (nói theo cách dịch trên các báo VN) như Big brother (Người giấu mặt), Temptation island… đều xuất hiện như một sáng tạo để vượt qua sự bế tắc và cũ kỹ của ngành truyền hình, giải trí ở giai đoạn cuối những năm 90.

Sau những chương trình đó là hàng loạt những “phép thử” khác được ra đời. Hay có, dở có, xuất hiện rồi biến mất cũng nhiều. Các nhà xã hội học lên tiếng, các nhà đạo đức lên tiếng, phân tích, chỉ trích…

Bởi có một thực tế không thể không nhận thấy là cùng với sự ra đời của những chương trình giải trí mới, con người cũng dần để mình sa đà, quen với sự sa đà vào những hình thức giải trí mà ở đó giá trị riêng tư và nhân văn của con người không còn được tôn trọng. Đây chính là mặt trái phải trả giá của sự phát triển ngành công nghiệp nội dung.

Tôi nghĩ ở VN giai đoạn này cũng vậy. Công nghiệp nội dung đang bắt đầu hình thành, chất xám của ngành nội dung có theo kịp công nghệ không là một vấn đề nan giải. Một host thông minh cũng không dễ dàng vượt ra khỏi vòng xoáy ấy.

Tuy thế, khi xem loạt chương trình này, nghe cách bình luận của hai bạn nam còn lại (tôi không quen mặt nên không nhớ tên), tôi lại nghĩ đến một câu chuyện được lưu lại trong lịch sử cuộc đời của ngôi sao điện ảnh Henri Fonda đã phát trên truyền hình Pháp.

Khi một phóng viên khen ngợi những thành quả của ông dành cho điện ảnh bằng một giọng kể cả, Henri Fonda đã rất bình thản, rồi ông nói: “Hãy nói cho tôi biết ông là ai, nhân danh ai mà dám khen ngợi tôi” và đứng dậy bỏ đi. Mọi thử thách đều khó. Xuất hiện rồi biến mất cũng nằm trong quy luật của những phép thử cho sự phát triển, có lẽ là thế chăng? 

C.KHUÊ GHI