Nhóm nhà xe cướp tiền khách từng bị bắt nhưng vẫn lộng hành
Thượng tá Nguyễn Văn Huê, phó trưởng Công an Q.Bình Tân, TP.HCM, nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-11.
Nhóm nhà xe cướp tiền khách từng bị bắt nhưng vẫn lộng hành
Thượng tá Nguyễn Văn Huê, phó trưởng Công an Q.Bình Tân, TP.HCM, nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-11.
Sơ đồ xe khách ăn cướp – Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG |
Ông Huê cho biết: “Chúng tôi đã nắm thông tin về các đối tượng mà báo Tuổi Trẻ nêu trong hai ngày qua. Chúng tôi từng bắt giữ một số đối tượng của băng này, nhưng không hiểu sao họ vẫn ngang nhiên lộng hành”.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Huê: “Ngay khi bài báo đầu tiên xuất hiện, Công an TP lập tức có văn bản chỉ đạo xác minh. Công an Q.Bình Tân cũng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tiếp nhận thông tin, thực hiện các bước nghiệp vụ ban đầu”
* Thưa ông, vì sao hiện tượng xe dù – bến cóc, trấn lột tài sản của hành khách xảy ra trong thời gian dài nay lại manh động hơn?
– Hiện tượng xe dù – bến cóc trước đây khá phổ biến ở Q.Bình Tân chứ không phải như bây giờ. Công tác dẹp xe dù – bến cóc được tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ.
Công an quận giao các đội, phường phối hợp với các đơn vị của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an TP và thanh tra giao thông xử lý.
Về phía Công an quận, chúng tôi giao đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội chịu trách nhiệm.
Từ đầu năm 2015, chúng tôi xử lý 32 trường hợp vi phạm, trong đó xử phạt 16 đối tượng là “cò” dẫn khách, 27 đối tượng đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Nói như vậy để thấy chúng tôi rất quan tâm đến việc giải quyết tình trạng xe dù – bến cóc, dụ dỗ, ép buộc khách đi xe.
Còn về nạn trấn lột, cướp tài sản phải nói rõ là như báo nêu thì sự việc xảy ra trên địa bàn khác, không phải ở địa bàn Q.Bình Tân.
Q.Bình Tân là nơi xuất phát, chỉ có hiện tượng cò mồi, dụ dỗ, ép buộc khách lên xe. Sau khi lên xe, sự việc cướp bóc xảy ra ở địa phận nào thì địa phận đó xử lý.
Chúng tôi không đùn đẩy trách nhiệm, nhưng nếu có tiếp nhận thông tin, lập hồ sơ vụ việc thì cũng phải chuyển cho đơn vị ở nơi xảy ra vi phạm.
* Công an Q.Bình Tân có nắm thông tin về các đối tượng liên quan tới những vụ cướp mà báo Tuổi Trẻ đề cập?
– Chúng tôi nắm hồ sơ năm trong số các đối tượng liên quan tới vụ việc mà báo Tuổi Trẻ nêu. Trong các đối tượng này có Trung “tóc dài” (Trung “đầu vàng” – tên thật Quách Hoàng Trung) bị đưa đi giáo dục bắt buộc, mới hết hạn về địa phương.
Một số đối tượng khác như Nam “nhóc”, Lý Nhân… mà báo đề cập có thể là biệt danh, cần thêm thời gian xác định chính xác.
Riêng về nhóm đối tượng Đáng (Nguyễn Văn Đáng, 33 tuổi, quê Cái Bè, Tiền Giang), Tâm “heo” (Cao Văn Tâm) thì không chỉ có thông tin, mà chúng tôi đã bắt quả tang về hành vi tương tự báo nêu vào tháng 7.
Nơi xảy ra vụ việc ở huyện Bến Lức (Long An) nên toàn bộ hồ sơ, tài liệu chứng cứ được chuyển giao Công an Bến Lức thụ lý theo thẩm quyền.
Tuy nhiên tới nay chúng tôi chưa nhận được thông báo của Công an huyện Bến Lức về kết quả xử lý vụ việc như thế nào, nhưng lại thấy tên này xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ với thủ đoạn gây án tương tự.
* Vì sao đã nắm thông tin cùng đối tượng và cả số xe mà tình trạng cướp tiền hành khách diễn ra trong thời gian dài?
– Muốn xử lý đối tượng thì cần có nạn nhân, mà trong rất nhiều vụ việc dù nắm thông tin, thậm chí báo chí đăng tải, chúng tôi tìm tới nạn nhân thì họ từ chối hợp tác. Họ hợp tác với báo chí chứ không hợp tác với cơ quan điều tra, không có nạn nhân thì làm sao xử lý hình sự?
Trong khi đó các đối tượng hoạt động theo tuyến, liên địa bàn. Công an Q.Bình Tân cũng chỉ là một mắt xích, cần sự phối hợp của các đơn vị có thẩm quyền khác. Hiện chúng tôi đang phối hợp với nhiều đơn vị nghiệp vụ để điều tra các vụ cướp, giờ này chưa thể cung cấp chi tiết.
* Theo ông, vì sao người dân hợp tác với báo chí mà ngại hợp tác với cơ quan điều tra?
– Điều này cần phải hỏi chính người dân. Bến bãi có, họ chỉ cần vào bến, mua vé lên xe là đảm bảo an toàn. Nhưng họ không làm, muốn đi nhanh, lên xe dù rồi trở thành nạn nhân.
Khi trở thành nạn nhân, họ không trình báo với cơ quan công an. Họ có thể kể với nhà báo, nhưng khi mời ghi lời khai, lập hồ sơ thì họ từ chối ký tên.
Theo tôi thì có thể họ ở xa, ngại bị mời đi lại nhiều lần. Thủ tục tố tụng lại rất phức tạp, mỗi giai đoạn phải mời nạn nhân tới làm việc nên có thể họ ngại.
Tôi đề nghị khi bị tội phạm tấn công, người dân cần gọi số 113 để yêu cầu giúp đỡ. Bị xâm hại ở đâu thì bấm đầu số mã vùng ở đó để được lực lượng chức năng địa phương giúp đỡ.
Nếu ở địa bàn TP.HCM, người dân bấm số (08) 113. Còn tại địa bàn Q.Bình Tân, ở bến xe, các trụ sở dân phòng, tổ dân phố đều có ghi số điện thoại của công an phường, thậm chí cả cảnh sát khu vực để người dân gọi khi cần.
Việc tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm sẽ được thực hiện theo đúng quy định.
* Ông Trần Văn Phương (phó giám đốc bến xe Miền Tây): Xe dù ngày càng hung hăng Qua kiểm tra dữ liệu trong số ba chiếc xe cướp tiền hành khách mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, chúng tôi xác định chỉ có một chiếc xe từng hoạt động trong bến cách đây 5-7 năm. Do chiếc xe này quá cũ, không thu hút hành khách nên đơn vị vận tải cho chiếc xe ngừng hoạt động. Thời gian qua, bến xe cũng nhận được phản ảnh của vài hành khách về tình trạng xe dù hoạt động ngoài bến, thu tiền hành khách mà không chở hành khách về các tỉnh miền Tây. Khi tiếp nhận thông tin này, bến xe đều chuyển qua cơ quan công an. Có thể nói vụ việc báo Tuổi Trẻ phản ánh các nhà xe cướp tiền hành khách là rất táo bạo. Điều này cho thấy xe dù ngoài bến ngày càng hung hăng hơn. * Anh Đức (tài xế tuyến Sài Gòn – Đắk Nông): Xe cướp diễn ra ở nhiều nơi Tình trạng xe dù, xe cướp không chỉ diễn ra ở bến xe Miền Tây mà còn xuất hiện ở nhiều nơi. Tôi lái xe khách nên gặp nhiều hành khách cũng bị tương tự như loạt bài báo Tuổi Trẻ điều tra. Các nạn nhân kể khi lên xe thì bị nhóm côn đồ lấy tiền rồi đẩy sang xe khác trong tình cảnh trắng tay. Ngay cả nhà xe tôi làm nhiều lúc còn gặp đám xe dù đuổi đánh, hành hung do mình đón khách dọc địa bàn của họ. |