18/01/2025

Trường ĐH sẽ không được đào tạo trình độ CĐ?

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là điểm mới quan trọng của dự thảo thông tư, sẽ có tác động mạnh đến hoạt động đào tạo của nhiều trường.

 

Trường ĐH sẽ không được đào tạo trình độ CĐ?

 

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là điểm mới quan trọng của dự thảo thông tư, sẽ có tác động mạnh đến hoạt động đào tạo của nhiều trường.




Sinh viên năm 1 hệ cao đẳng chính quy sư phạm hóa Trường ĐH Sài Gòn trong giờ thảo luận nhóm - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên năm 1 hệ cao đẳng chính quy sư phạm hoá Trường ĐH Sài Gòn trong giờ thảo luận nhóm – Ảnh: Như Hùng

 

 

Quy định này được đặt ra trong dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH (sẽ thay thế thông tư 57 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và thông tư 20 về sửa đổi, bổ sung thông tư 57) được Bộ GD-ĐT công bố ngày 16-11.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây là điểm mới quan trọng của dự thảo thông tư, sẽ có tác động mạnh đến hoạt động đào tạo của nhiều trường vì số lượng trường ĐH hiện đang có đào tạo trình độ CĐ tương đối lớn.

140 trường ĐH phải giảm chỉ tiêu CĐ từ 
năm 2016

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Áng – phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính Bộ GD-ĐT – cho biết trước khi quy định này vào dự thảo, Bộ GD-ĐT đã rà soát số các trường ĐH đang đào tạo CĐ. Kết quả: trong hơn 200 trường ĐH hiện có đến 140 trường đang đào tạo CĐ.

Trong đó nhiều trường ĐH có chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ “khủng”, lấn át chỉ tiêu tuyển sinh của các trường CĐ cùng nhóm ngành nghề. Theo Vụ Kế hoạch – tài chính Bộ GD-ĐT, năm học 2014 – 2015 quy mô sinh viên CĐ chính quy của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lên đến hơn 10.000, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hơn 6.700 sinh viên CĐ…

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy số sinh viên CĐ trong các trường ĐH hiện chiếm đến 35% tổng số sinh viên CĐ chính quy toàn hệ thống.

Theo ông Áng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo thông tư với một số trường ĐH, với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Phần đông ý kiến đều đồng thuận với chủ trương cần nâng cao chất lượng đào tạo ĐH, hạn chế số lượng sau thời kỳ “tăng trưởng nóng”.

Song cũng có trường lo ngại về lộ trình thực hiện nên Bộ GD-ĐT giãn tiến độ, dự kiến trường ĐH chấm dứt tuyển sinh CĐ trước năm 2020. Tuy nhiên theo dự thảo, các trường ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để bắt kịp lộ trình chung.

Lãnh đạo các trường CĐ đều cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng băn khoăn chính sách này có thể khiến các trường ĐH phản ứng. Vì suy cho cùng việc dừng tuyển sinh CĐ sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường ĐH lâu nay vẫn hút thí sinh học CĐ… chờ cơ hội 
liên thông!

Cùng với quy định các trường ĐH không được đào tạo CĐ, trước đó Bộ GD-ĐT đã ra quy định yêu cầu các trường ĐH dừng tuyển sinh hệ trung cấp trước năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Áng, quy định này sẽ không áp dụng cho các trường thuộc khối ngành nghệ thuật và các trường ĐH địa phương thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo CĐ, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo 
giáo viên.

Trường ĐH không được quá 15.000 sinh viên chính quy

Theo ông Áng, dự thảo đặt ra mức khống chế chung về quy mô đào tạo các trường ĐH theo khối ngành nhằm khắc phục mặt còn hạn chế của quy định xác định chỉ tiêu trước đó.

“Thông tư 57 yêu cầu các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh (thông qua hai tiêu chí: số lượng giảng viên và diện tích sàn trực tiếp phục vụ đào tạo tính trên một sinh viên) mới chỉ giúp kiểm soát đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu. Còn trong quản lý vĩ mô vẫn chưa có tiêu chí để kiểm soát được quy mô đào tạo, tiềm ẩn nguy cơ đào tạo vượt nhu cầu của nền kinh tế – xã hội” – ông Áng nhấn mạnh.

Theo đó, tuỳ thuộc vào đặc điểm khối ngành của từng cơ sở giáo dục ĐH, quy mô đào tạo sinh viên chính quy được giới hạn tối đa 5.000 – 15.000 sinh viên/trường. Trong đó, các trường thuộc khối ngành nghệ thuật sẽ phải đảm bảo quy mô sinh viên chính quy tối đa ở mức 5.000 sinh viên, trường khối ngành sức khoẻ có không quá 8.000 sinh viên và các trường thuộc những khối ngành còn lại duy trì tối đa 15.000 sinh viên chính quy.

Theo nhiều chuyên gia, quy định này sẽ không dễ thực hiện vì nhiều trường ĐH hiện đã có quy mô đào tạo vượt quá 15.000 sinh viên. Chẳng hạn năm học 2014 – 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có quy mô đến hơn 26.000 sinh viên ĐH chính quy, Học viện Nông nghiệp VN và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đều có hơn 30.000 sinh viên…

Ông Áng cho biết kết quả rà soát hiện tại của Bộ GD-ĐT cho thấy có hơn 10 trường ĐH đang có quy mô đào tạo sinh viên ĐH chính quy ở mức hơn 15.000. “Những trường này không thể lấy lý do trì hoãn việc giảm quy mô đến sát thời hạn năm 2020 – nếu thông tư được ban hành. Các trường phải có lộ trình bắt đầu ngay từ năm 2016” – ông Áng nói.

* TS Nguyễn Thiên Tuế (hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Cần thực hiện theo lộ trình

Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH không đào tạo bậc CĐ thì cần phải công bố lộ trình thực hiện việc này. Nếu bộ thực hiện ngay quy định này vào năm sau sẽ gây khó khăn cho các trường, nhất là những trường được nâng cấp từ CĐ lên ĐH. Ở các trường này, nếu chấm dứt đột ngột việc đào tạo bậc CĐ thì nhà trường sẽ không bố trí công việc kịp thời cho đội ngũ giảng viên dạy CĐ.

Lộ trình thực hiện nên theo công thức: hằng năm các trường giảm tối thiểu 20% chỉ tiêu CĐ so với năm 2015 và sẽ dừng tuyển sinh hoàn toàn bậc CĐ trong các trường ĐH trước năm 2020. Khi đó các trường mới có thể sắp xếp đội ngũ giảng viên để nâng chuyển từ CĐ lên ĐH.

Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 8.500, chúng tôi chỉ dành 500 chỉ tiêu CĐ. Chỉ tiêu đào tạo CĐ chủ yếu tuyển cho các phân hiệu của trường. Nếu dừng đột ngột việc tuyển sinh bậc CĐ thì các phân hiệu của trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế hiện nay, nhiều trường ĐH ở các nước vẫn có mô hình đào tạo đa cấp, đa ngành để tận dụng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

* ThS Hoàng Hoài Nam (hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM):

Lẽ ra nên có quy định 
sớm hơn

Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải đưa ra quy định các trường ĐH không được đào tạo bậc CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) sớm hơn chứ không phải đợi đến bây giờ. Thực tế học sinh có tâm lý muốn học ĐH, hoặc nếu không đủ sức đậu ĐH cũng thích học bậc CĐ, TCCN trong trường ĐH. Đây là một trong những lý do chính khiến các trường CĐ, TCCN gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Theo tôi, nếu thực hiện quy định không cho phép các trường ĐH tuyển sinh, đào tạo bậc CĐ, TCCN nữa sẽ có nhiều mặt tích cực: việc phân luồng học sinh thực hiện thuận lợi hơn, các trường CĐ cũng có cơ hội phát triển tốt hơn; các trường ĐH tập trung nguồn lực để đào tạo tốt bậc ĐH và sau ĐH, trong khi các trường CĐ có thêm nguồn tuyển.

Các trường CĐ có thế mạnh riêng của mình trong đào tạo nghề như: cơ sở thực hành rộng lớn, nhiều thiết bị chuyên dụng mà không phải trường ĐH nào cũng có được. Đội ngũ giảng viên của trường CĐ cũng có thế mạnh về thực hành kỹ năng nghề nghiệp, trong khi giảng viên các trường ĐH có thế mạnh nghiên cứu và lý thuyết, nên không đào tạo bậc CĐ tốt bằng các trường CĐ. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp từ các trường CĐ ra trường làm việc rất tốt, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.


TRẦN HUỲNH ghi

NGỌC HÀ ([email protected])