16/01/2025

Tranh cãi về vị trí môn sử: Chương trình mới không có môn chính, phụ

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình phổ thông mới sẽ chỉ có những môn bắt buộc được xem như các môn công cụ và môn tự chọn tùy theo yêu cầu của từng bậc học nhằm giảm tải, tránh trùng lắp về kiến thức, phân hóa và đáp ứng nhu cầu của từng cá thể.

 Tranh cãi về vị trí môn sử: Chương trình mới không có môn chính, phụ

Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới, môn sử sẽ tích hợp vào một số môn như công dân với Tổ quốc, khoa học xã hội… - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chia sẻ

Theo dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông mới, môn sử sẽ tích hợp vào một số môn như công dân với Tổ quốc, khoa học xã hội… – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình phổ thông mới sẽ chỉ có những môn bắt buộc được xem như các môn công cụ và môn tự chọn tùy theo yêu cầu của từng bậc học nhằm giảm tải, tránh trùng lắp về kiến thức, phân hóa và đáp ứng nhu cầu của từng cá thể.

Quá tải vì môn nào cũng… quan trọng

Không phải đến khi ngành GD-ĐT đề ra chủ trương dạy học tích hợp thì việc tranh cãi về vị trí môn học mới diễn ra. Ngay từ khi xây dựng chương trình hiện hành, dù có tới hơn chục môn học xếp ngang hàng ở bậc trung học (THCS và THPT), nhưng những người làm chương trình hiện hành cho biết cũng đã từng phải đau đầu vì ai cũng có ý kiến phải “đối xử” đúng vị trí hơn với môn học của mình. Mỗi tác giả đều đưa ra những lý luận đanh thép để bảo lưu quan điểm của mình. Mỗi môn phải “thỏa hiệp” một chút nên kết quả là học sinh (HS) phải học quá tải cả về thời lượng lẫn nội dung kiến thức.

Các ý kiến hầu hết đều cho rằng, trên thế giới hiện nay mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người biết giải quyết vấn đề. VN hiện đang kêu gọi, khuyến khích HS theo phương pháp mới, sáng tạo, tích cực mà để thực hiện được điều này cần phải dạy học theo dự án hoặc dựa vào vấn đề.

Khẳng định tích hợp là xu hướng tất yếu, là hình thức giáo dục mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm từ rất lâu nay, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội, nhận định: “Mỗi nhà chuyên môn phải dẹp bớt chuyên môn của mình đi để có thể xây dựng các cuốn sách tích hợp”.

Còn GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Nếu cứ tranh cãi về việc dạy tích hợp môn này với môn kia hay không thì thực chất mới chỉ bàn về hình thức thể hiện mà không chú trọng tới phần nội dung, đó là đã đi chệch hướng”. Ông Thi khẳng định nếu như cách tách riêng ra mà không làm tốt thì nội dung đó vẫn không tốt. Nếu tích hợp mà làm tốt nội dung ấy, thì vẫn là giải pháp tốt. “Ở đây, không phải chuyện tích hợp hay không, môn riêng hay môn chung. Quan trọng là truyền đạt cho HS những kiến thức, nội dung, những kỹ năng gì. Và cuối cùng có đạt được mục đích truyền đạt lòng yêu nước, giáo dục về nhân cách, hình thành nhân cách cho HS hay không”, ông Thi nói.

Chương trình phù hợp với mục đích giáo dục

Lên đến cấp THPT, khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ chỉ còn 4 môn học bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ, công dân với Tổ quốc. Có ý kiến cho rằng như vậy là Bộ đã chính thức thừa nhận những môn phải học độc lập và bắt buộc là môn chính, còn lại là môn phụ.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Bộ chưa bao giờ phân định môn học nào là chính, môn nào là phụ mà tùy theo yêu cầu của từng bậc học, đối tượng người học để thiết kế chương trình phù hợp với mục đích giáo dục. Nếu môn nào cũng muốn đứng độc lập, muốn thời lượng dạy học nhiều hơn, muốn đưa thật nhiều nội dung kiến thức thì người học sẽ tiếp tục bị quá tải”. Đại diện của Bộ giải thích, dù không còn môn học lịch sử độc lập như hiện hành nhưng ngoài việc vẫn bắt buộc phải học nội dung về lịch sử trong các môn học như: khoa học xã hội, công dân với Tổ quốc thì HS có thiên hướng về khoa học xã hội, mong muốn học chuyên sâu về lịch sử để trở thành nhà nghiên cứu… vẫn có thể chọn môn lịch sử hoặc một chuyên đề lịch sử nào đó mà mình yêu thích để học.

GS Đào Trọng Thi cho rằng giáo dục lịch sử, ngoại ngữ, toán, văn… cho HS cũng chỉ là phương tiện, công cụ. Điều đạt được là năng lực, nhân cách của người học. Với môn lịch sử, mục đích là giáo dục lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước. Xác định được mục tiêu chính như vậy rồi thì mới phải xem xét tích hợp hay không tích hợp thì tốt. Nếu để dạy về lòng yêu nước, một môn học riêng biệt khó mà thực hiện tốt nhiệm vụ ấy. Đôi khi, kiến thức tích hợp của nhiều môn học như lịch sử, văn học, địa lý phối hợp lại mới tạo được một cơ sở để thực hiện tốt nhất mục đích là giáo dục lòng yêu nước.

Ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định trong chương trình mới thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần, sắp tới nếu chương trình mới được thông qua thì HS học trong môn công dân với Tổ quốc và khoa học xã hội tổng cộng khoảng 2,5 tiết/tuần. Nếu HS đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần.

Tuệ Nguyễn