17/01/2025

‘Thần đồng’ biến mất: Thiếu chiến lược nuôi dưỡng

Theo các chuyên gia, nếu có chiến lược và được hỗ trợ tốt, những trẻ năng khiếu vượt trội sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

 

‘Thần đồng’ biến mất: Thiếu chiến lược nuôi dưỡng

 

Theo các chuyên gia, nếu có chiến lược và được hỗ trợ tốt, những trẻ năng khiếu vượt trội sớm sẽ có nhiều cơ hội phát triển.




Sinh nhật lần đầu tiên của CLB thần đồng Milmax và cũng là lần tổ chức cuối cùng. Đây là một tổ chức có chương trình bồi dưỡng, phát triển những trẻ có năng khiếu vượt trội - Ảnh: Mỹ Hạnh

Sinh nhật lần đầu tiên của CLB thần đồng Milmax và cũng là lần tổ chức cuối cùng. Đây là một tổ chức có chương trình bồi dưỡng, phát triển những trẻ có năng khiếu vượt trội – Ảnh: Mỹ Hạnh


Không rèn luyện sẽ mai một

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học VN, cho rằng những trẻ có dấu hiệu vượt trội sớm là những trẻ có “chỉ số thông minh – IQ” cao. Nhưng để đạt được nhiều thành tích phi thường còn phụ thuộc vào yếu tố đặc biệt nữa là “Trí tuệ xã hội – SQ”, gồm các khả năng nhận thức về người khác, thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội, tự nhận thức bản thân, tự điều chỉnh, thay đổi. Phải có một “Trí tuệ xã hội – SQ” đặc biệt cộng với những nỗ lực phi thường mới là cơ sở của sự thành đạt và vươn tới một thiên tài.

 

 

 

Đã từng có một tổ chức nuôi dưỡng “thần đồng”

 

 
Giữa tháng 5.2007, CLB thần đồng Milmax ra đời. CLB chia làm 6 lĩnh vực: âm nhạc, ngôn ngữ học, toán học, tư duy logic, cảm xúc và trí tưởng tượng. Đây là một sân chơi dành cho các bé trong độ tuổi từ 24 – 60 tháng tuổi, có năng khiếu bẩm sinh. CLB mong muốn có những chương trình hỗ trợ kịp thời, đầy đủ về vật chất và kỹ năng giúp trẻ phát triển năng khiếu. Ban đầu, những người lãnh đạo của CLB này đi khắp nước để tìm hiểu, khảo sát, đánh giá về các trường hợp trẻ phát triển sớm, qua đó kết nạp vào tổ chức. Trần Ngọc Châu Long, Võ Minh Tiến, Phan Thị Quế Mẫn… là những thành viên đầu tiên của CLB. Sau đó, nơi này kết nạp được đến hơn 30 trẻ có năng khiếu phát triển sớm. Sau một thời gian ngắn tồn tại, với nhiều lý do, tổ chức này giải thể, các trẻ là thành viên CLB không còn nhận được sự hỗ trợ nào về vật chất cũng như hướng dẫn để phát triển năng khiếu.

 

 

 

 

Năm 2007, trả lời Báo Thanh Niên về các trường hợp được xem là “thần đồng”, GS-TS-BS Hoàng Trọng Kim, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trong vài năm đầu một số trẻ thông minh hơn những trẻ khác cùng lứa tuổi, nhưng nếu không giáo dục, bồi dưỡng thì sẽ bị mai một theo năm tháng. Theo các nghiên cứu, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thông minh của trẻ, đó là: di truyền (20%), dinh dưỡng (32%), thể dục (16%), môi trường sống (7 – 9%), tâm lý (7%)… Trong đó, yếu tố di truyền rất khó thay đổi. Những yếu tố khác như chất dinh dưỡng, môi trường sống, tâm lý đều có khả năng giúp trẻ phát triển tốt.

Trẻ có năng khiếu không được rèn luyện thì khả năng sẽ bị mai một dần dần. Điều này cũng giải thích cho việc “biến mất” các trường hợp trẻ sớm có những khả năng vượt trội trong thời gian vừa qua.

Có một môi trường thuận lợi để cho những trẻ này có thể đạt tới những thành công là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ở VN hiện nay, hầu như chưa mấy ai thực hiện được điều này.

Ông Trần Ngọc Châu, bố của Trần Ngọc Châu Long, cho rằng rất tiếc khi khả năng của con không được phát triển theo hướng tốt hơn vì không có nơi nào phù hợp để ông có thể đưa con vào học và rèn luyện. Ở môi trường bình thường, dù có tiền cũng không thể giúp con phát triển hơn được.

Phát triển theo hướng cân bằng, toàn diện

Trên thế giới không hiếm những trường, học viện chuyên đào tạo những trẻ được gọi là “thần đồng”. Hàn Quốc có Học viện Khoa học Hàn Quốc chỉ chuyên đào tạo những trẻ này. Trung Quốc có dự án Thiếu niên ban triển khai từ năm 1978 tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ (USTC), tuyển chọn những “thần đồng” dưới 15 tuổi, nhỏ nhất mới 11 tuổi để đào tạo thành những nhà khoa học hàng đầu. Mỹ có chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của John Hopkins. Úc có chương trình đào tạo tài năng của chính phủ…

Tuy nhiên, ở một số nước, chương trình đào tạo “thần đồng” vẫn gây rất nhiều tranh cãi về sự phát triển bình thường của các trẻ này. TS-BS Vũ Phi Yên, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết: “Chúng ta có thể học được nhiều từ cách chăm sóc trẻ em có năng khiếu từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhưng vẫn có những nước tiên tiến có chính sách thúc đẩy thái quá tài năng trẻ, tận dụng họ như “luyện gà” mà không quan tâm đến nhu cầu bình thường của các em”.

Trẻ có năng khiếu vượt trội thường chỉ nổi trội hơn những trẻ khác ở một mặt nào đó, còn những điểm khác có thể bình thường thậm chí yếu hơn so với mặt bằng chung. Một điều thường gặp là những “thần đồng” này thường phải mang trên vai những kỳ vọng rất cao của cha mẹ, xã hội… trong khi không có được một chương trình giáo dục thích hợp để phát triển năng khiếu. Cũng có khi, các em được đưa vào rèn luyện thái quá dẫn đến phát triển mất thăng bằng. Hậu quả là các em mang áp lực tâm lý rất nặng. “Vì thế, các em rất cần được nuôi dạy phù hợp, có chương trình riêng để phát triển các năng khiếu, đồng thời vẫn quan tâm các mặt khác để có sự phát triển tâm lý thăng bằng, lành mạnh…”, bà Yên nói.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, khi phát hiện con mình có dấu hiệu “khôn sớm”, phụ huynh cần quan tâm nhiều đến sự bình thường về tính cách, ứng xử thay vì quá vội vui mừng. Cần nhanh chóng liên lạc với một cơ quan có chuyên môn hay một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khả năng để có những đánh giá sơ bộ. Cần thật bình tĩnh để phát triển con mình toàn diện thay vì cứ tập trung khai thác quá mức khả năng.

 

Ý kiến
Đừng để người đi trước phải dừng lại chờ người đi sau
Việc bồi dưỡng những trẻ này cần phải kết hợp cả 2 hướng. Một mặt, vẫn để trẻ học với học sinh bình thường để có sự giao tiếp xã hội như các em cần có. Mặt khác, cần phải có một nơi chuyên biệt để những trẻ này được hỗ trợ phát triển tài năng của mình. Ở nước ngoài, nhiều học sinh mới 10 tuổi đã hoàn tất chương trình đại học, 18 tuổi đã là giáo sư, trong khi ở VN đi học sớm một tuổi đã rất khó khăn rồi. Điều này “níu” người đi trước phải dừng lại để chờ người đi sau. Vì vậy, chính sách hiện nay cũng cần phải thay đổi để có thể phát hiện được nhân tài và hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các em từ sớm.
PGS-TS Dương Anh Đức
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đừng “phong thần” cho con
Cha mẹ nào càng thích khen con có năng khiếu và tự hào con mình có tài năng bẩm sinh là vô tình hại con và tạo áp lực khủng khiếp lên đứa trẻ. Không bao giờ được khen con về tài năng mà phải khen con là chăm chỉ, cố gắng. Chúng ta rất thích khen con có năng khiếu mà không biết đấy là lời khen dại dột nhất. Đứa trẻ được khen có năng khiếu sẽ có xu hướng trốn chạy những thách thức khó khăn. Đứa trẻ có năng khiếu cũng sẽ dần mất đi ý chí phấn đấu, làm việc cật lực, chăm chỉ.
TS Trần Quốc Toàn
(Chủ tịch HĐQT Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ – IAE)

Đăng Nguyên