29/11/2024

Làm “chuyến tàu vét” khi “hạ cánh”?

Đó là vấn đề được đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn tại ngày làm việc của Quốc hội hôm qua (17-11). Vấn đề này được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng “câu hỏi hoàn toàn chính đáng”.

 

Làm “chuyến tàu vét” khi “hạ cánh”?

Đó là vấn đề được đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn tại ngày làm việc của Quốc hội hôm qua (17-11).

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Những gì đã cố gắng mà vẫn chưa hoàn thành thì xin chịu trách nhiệm với Quốc hội và trách nhiệm của chúng tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp” - Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Những gì đã cố gắng mà vẫn chưa hoàn thành thì xin chịu trách nhiệm với Quốc hội và trách nhiệm của chúng tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp” – Ảnh: Việt Dũng

Vấn đề này được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng “câu hỏi hoàn toàn chính đáng”.

Tăng tốc tham nhũng vào “hoàng hôn” 
nhiệm kỳ

Theo ông Lê Như Tiến, nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm “hoàng hôn” nhiệm kỳ.

Ông Tiến nói hiện nay là thời điểm rất nhạy cảm, thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Từ lý giải như vậy, ông Tiến chất vấn “trách nhiệm cá nhân và những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt của tổng thanh tra” để chặn đứng việc quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.

Trong đó có chuyện hợp thức hóa tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành bất động sản tư và đề bạt, bổ nhiệm không bình thường hàng loạt cán bộ, công chức thân hữu…

“Chúng tôi biết đại biểu rất quan tâm và câu hỏi đó hoàn toàn chính đáng. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua cũng xảy ra một số vi phạm trong trường hợp này” – ông Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn.

Ông hứa trong quá trình triển khai các giải pháp đồng bộ chống tham nhũng trong hai năm 2015 và 2016 sẽ lưu ý nội dung mà đại biểu Lê Như Tiến nêu. Ông Tranh cũng khẳng định khi phát hiện có dấu hiệu, có thông tin từ dư luận về thì ngành thanh tra sẽ thanh tra đột xuất.

“Cá nhân tôi và ngành thanh tra sẽ quan tâm đến nội dung này” – tổng thanh tra nhấn mạnh.

Đội ngũ công chức: 
giảm hai được lấy một

Phúc đáp chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền về những tồn tại trong công tác cải cách hành chính, tinh giản bộ máy khi “giữa lý thuyết và thực tế còn khoảng cách”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lĩnh vực này thời gian qua có bước tiến bộ rất quan trọng và khá đồng bộ, thể hiện trước hết đó là sự công khai, minh bạch tốt hơn, sát dân hơn, gần dân hơn, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhiều hơn…

“Tuy vậy, đúng là giữa lý thuyết và thực tế vẫn còn có khoảng cách, cũng còn nhiều phiền hà cho người dân và doanh nghiệp” – ông Phúc nói.

Đề cập từng giải pháp cụ thể, Phó thủ tướng cho rằng phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa tinh giản biên chế, “cơ cấu lại đội ngũ công chức trên tinh thần giảm hai được lấy một.

Từ nay đến năm 2021 phải giảm trong số biên chế hành chính 10%, trong số biên chế sự nghiệp 10%, cộng thêm 10% không hưởng lương ngân sách”.

Ông cho biết tính đến ngày 30-10-2015 có 12 bộ, 24 địa phương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 với số lượng trên 3.300 người, trong đó 2.700 người về hưu trước tuổi, gần 600 người hưởng chính sách thôi việc ngay.

“Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công, số viên chức này rất lớn, trên 2 triệu người và chiếm trên 38% tổng quỹ lương. Làm được việc này chúng ta giảm được rất lớn” – Phó thủ tướng nói.

Nhấn mạnh hai chữ “đặc biệt”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:

“Chúng ta phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực với dân, với doanh nghiệp. Luân chuyển, giám sát cán bộ ở một số lĩnh vực mà ta hay nói là “nhạy cảm”. Tăng cường đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong quá trình cán bộ, công chức phục vụ nhân dân”.

Ông còn đề nghị “nhân dân, doanh nghiệp, nhất là các tổ chức, hiệp hội, các đại biểu dân cử có những phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc để giải quyết thủ tục và các vấn đề có liên quan”.

Chồng chéo trách nhiệm trong “cái chết từ từ”?

“Cái chết từ từ” – cụm từ này được đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hoà) dùng để nói về mối đe do từ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm.

Đặt câu hỏi cho Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đại biểu Tuân nói: “Cử tri thật sự lo lắng “cái chết từ từ” đi từ trang trại đến mâm ăn. Tôi xin hỏi Phó thủ tướng trách nhiệm của các bộ NN&PTNT, Công thương, Y tế, Khoa học và công nghệ trong việc quản lý nuôi trồng, chế biến, lưu thông, tiêu dùng thế nào? Trách nhiệm có chồng chéo không? Phó thủ tướng đã chỉ đạo lĩnh vực này như thế nào?”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp có nhiều cố gắng tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập chưa đạt được mong muốn của nhân dân và chính Chính phủ.

Phó thủ tướng cho biết để giải quyết tương đối triệt để vấn đề này thì ba bộ Công thương, Y tế và NN&PTNT đã ký thông tư liên tịch, nguyên tắc phối hợp mỗi việc có một cơ quan chính đầu mối, có phụ lục từng đầu mối.

Phó thủ tướng cũng nêu là hiện đang tồn tại đến 192 ban chỉ đạo và ủy ban liên ngành các lĩnh vực.

“Thủ tướng và Phó thủ tướng đứng đầu 108 ban, riêng tôi đứng đầu 20 ban. Trong đó có Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xin thưa là chúng tôi luôn họp định kỳ và không câu nệ cấp chức, thậm chí tôi liên lạc thường xuyên với từng chuyên viên để trao đổi” – Phó thủ tướng nói.

Trách nhiệm là… truyền lại cho bộ trưởng kế tiếp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) so sánh lượng khách du lịch vào Lào và Campuchia đã tăng 10 lần trong 15 năm qua, trong khi khách du lịch đến Việt Nam lại đang giảm.

Câu hỏi đặt ra là vì sao ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng ngành du lịch và liệu rằng đến năm 2020 ngành du lịch Việt Nam có thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không?

Bộ trưởng lý giải như thế nào về trách nhiệm của ngành, của cá nhân bộ trưởng với vai trò là tư lệnh ngành?

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, từ năm 2010 đến nay lượng khách tăng 1,6 lần, tuy có giảm 13 tháng liên tục nhưng bốn tháng gần đây ngưng giảm.

Bộ trưởng cho rằng không phải so với Lào và Campuchia vì nếu Lào và Campuchia phát triển mạnh du lịch thì Việt Nam sẽ mừng vì sẽ học hỏi được thêm kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi nói đến du lịch Singapore, Malaysia, Thái Lan thì bộ trưởng nói ông không dám trả lời bao giờ sẽ bắt kịp mà bỏ ngỏ kỳ tiếp theo sẽ trả lời (?).

Sau đó, ông Hoàng Tuấn Anh nhắc rất nhiều thành tựu du lịch của Việt Nam, có 21 di sản được UNESCO công nhận, có… phở, chả giò khách rất khoái, có nón lá được ưa chuộng hàng thứ 4 tại hội chợ Expo Milan (Ý) vừa diễn ra.

“Chặt chém coi vậy cũng ít thôi, đa số là dân ta mến khách” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Cuối cùng, nói về trách nhiệm, ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Những gì đã cố gắng mà vẫn chưa hoàn thành thì xin chịu trách nhiệm với Quốc hội và trách nhiệm của chúng tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp”. Nói đến đây, cả nghị trường cười rất to.

“Chớ làm sao nữa? Thời gian không còn nữa thì làm sao bây giờ” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết thúc phần trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội “xoay” Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Trả lời xung quanh vấn đề hàm trong chức vụ mà nhiều đại biểu hỏi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình không đi thẳng vấn đề mà điểm quá trình kiến nghị, xem xét, lấy ý kiến của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Kiểm tra…

Thấy bộ trưởng liệt kê quá dài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt ngang: “Tôi đề nghị đồng chí bộ trưởng, câu hỏi đơn giản, trung ương làm như thế có đúng không? Bây giờ nếu đúng thì địa phương chúng tôi làm được không?… Đồng chí trả lời chỗ đó thôi”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói: “Báo cáo đồng chí Chủ tịch, báo cáo Quốc hội… Sau khi nghiên cứu, bây giờ có hai nhóm ý kiến”.

Chủ tịch Quốc hội lại ngắt lời: “Quá trình đấy đồng chí nói ra đây làm gì… Bây giờ người ta đang hỏi là địa phương có được làm không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Báo cáo với đồng chí Chủ tịch, Báo cáo Quốc hội, chúng tôi xin ý kiến Thủ tướng có hai nhóm…”. Chủ tịch Quốc hội lại cắt lời: “Bây giờ địa phương có được làm không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Hiện bây giờ thì chưa có quy định nào nên không thể làm được”. Chủ tịch Quốc hội tiếp tục ngắt lời: “Đồng chí nói dứt điểm… Trong khi đang nghiên cứu thì địa phương cũng không được mở rộng, không được làm, đúng không?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Trong khi nghiên cứu cả bộ, ngành, trung ương và địa phương là không được tiếp tục làm”.

Chủ tịch Quốc hội: “Cả trung ương và địa phương không được tiếp tục, đồng chí nói dứt điểm như thế. Có phải thế không?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Đúng 
như vậy!”.