16/01/2025

Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris: Một sứ điệp hy vọng

Chiều Chúa Nhật 15-11 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Hồng y André Vingt-Trois đã cử hành Thánh lễ với lễ phục màu tím cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố trong đêm thứ Sáu 13-11 và cầu nguyện cho nước Pháp. Chuông Nhà thờ Đức Bà đã im lặng từ hôm thứ Bảy để đến đúng 6g15 chiều Chúa Nhật 15-11 vang lên từng giọt thanh âm chậm rãi u buồn.

Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris: Một sứ điệp hy vọng
 
WHĐ (16.11.2015) – Chiều Chúa Nhật 15-11 tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Đức Hồng y André Vingt-Trois đã cử hành Thánh lễ với lễ phục màu tím cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố trong đêm thứ Sáu 13-11 và cầu nguyện cho nước Pháp.

Chuông Nhà thờ Đức Bà đã im lặng từ hôm thứ Bảy để đến đúng 6g15 chiều Chúa Nhật 15-11 vang lên từng giọt thanh âm chậm rãi u buồn. Để bảo đảm an ninh, 1.500 tín hữu đến tham dự Thánh lễ đã phải đi vào nhà thờ từng người một. 3.000 người khác ở lại quảng trường bên ngoài nhà thờ sau khi đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Trên cung thánh, hàng cột nơi tượng Đức Trinh Nữ phía bên phải bàn thờ được chiếu sáng ba sắc xanh, trắng, đỏ của lá cờ Pháp.

Mở đầu Thánh lễ có sự tham dự của nhiều viên chức cao cấp nhất trong chính phủ, Đức Hồng y Tổng Giám mục Paris nói: “Paris đã trải qua một trong những giai đoạn cực kỳ khắc nghiệt trong lịch sử của mình, một trong những giai đoạn bi thảm nhất.”

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng y Vingt-Trois dựa vào bài đọc Đaniel của Thánh lễ ngày Chúa Nhật nói về “thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ”, để nhấn mạnh: “Nói rằng các vụ giết người dã man trong đêm thứ Sáu đen này đã nhận chìm nhiều gia đình vào trong tuyệt vọng là chưa đủ. Và nỗi tuyệt vọng này lớn lao đến mức không thể có bất kỳ lời giải thích hợp lý nào để biện minh cho việc bắn giết một cách bừa bãi hàng chục người vô danh như thế.”

Đức Hồng y nhắc nhở: “Trong những ngày thử thách này, mỗi người tin vào Chúa Kitô được mời gọi làm chứng cho niềm hy vọng. Người Kitô hữu phải là những sứ giả của niềm hy vọng giữa những khổ đau của con người.” 

Đức Hồng y nhấn mạnh đến “giá trị duy nhất của sự sống của mỗi con người và tự do của người ấy”: “Trước sự man rợ mù quáng, bất kỳ rạn nứt nào trong nền tảng ấy của niềm tin của chúng ta cũng sẽ là một thắng lợi của những kẻ tấn công chúng ta.”

Giải thích Bài Phúc Âm theo Thánh Maccô trong đó Chúa Kitô loan báo Người sẽ trở lại “sau cơn nguy khốn”, Đức Hồng y nói rằng “những sự kiện bi thảm và kinh hoàng của lịch sử nhân loại có thể được giải thích và được hiểu như là dấu chỉ dành cho mọi người”.

Đức Hồng y nói tiếp: “Khả năng giải thích lịch sử ấy không phải là một cách phủ nhận thực tế, nhưng là một cách để khám phá ra rằng lịch sử có một ý nghĩa. Lịch sử bảo rằng có ai đó gõ cửa nhà chúng ta. Người đó chính là Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta không thể dừng lại nơi những bất hạnh của cuộc sống hay những đau khổ chúng ta gánh chịu, như là điều đó có một ý nghĩa. Qua những đau khổ, chúng ta có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa đang gõ cửa nhà chúng ta và muốn gọi chúng ta đến sự sống.”

Đức Hồng y kết luận về niềm hy vọng: “Chúng ta phải mang lấy niềm hy vọng và làm chứng về hy vọng ấy như một niềm an ủi cho những ai đang đau khổ và như một lời mời gọi chứng thực những giá trị thật của cuộc sống.”.

Trong phần dâng lễ, người đệm đàn đã dạo đàn theo chủ đề bài quốc ca Pháp (La Marseillaise).

Đồng tế với Đức Hồng y Vingt-Trois có các Đức Giám mục Phụ tá Paris và một số giám mục khác, trong đó có Đức Tổng Giám mục Luigi Ventura, Sứ thần Toà Thánh; và khoảng 50 linh mục, trong đó có Đức ông Ribadeau-Olivier Dumas, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Pháp.

Trong số các viên chức chính phủ tham dự Thánh lễ, có ông Jean-Pierre Jouyet Tổng Thư ký Điện Élysée, đại diện Tổng thống Pháp; ông Gérard Larcher, Chủ tịch Thượng viện; ông Claude Bartolone, Chủ tịch Quốc hội; cựu Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing; Bộ trưởng phụ trách quan hệ Nghị viện Jean-Marie Le Guen; các cựu Thủ tướng Alain Juppé và François Fillon; và bà Thị trưởng Paris Anne Hidalgo.

Ngoài ra, Rabbi trưởng Haïm Korsia tại Pháp cũng tham dự Thánh lễ này, trước khi đến Hội đường Chiến Thắng chủ sự một nghi lễ khác.

(Theo La Croix)

 
 

Minh Đức