30/11/2024

Không để bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đã nêu quan điểm như vậy trước phiên “chất vấn lại tất cả vấn đề đã chất vấn” lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 18-11.

 

Không để bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa

 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đã nêu quan điểm như vậy trước phiên “chất vấn lại tất cả vấn đề đã chất vấn” lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 18-11. 




Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Ảnh: Việt Dũng

“Những lời hứa của các bộ trưởng đã hứa mà bây giờ sắp hết nhiệm kỳ, có bộ trưởng chuẩn bị về hưu rồi thì nói thật là cho qua, chứ làm sao được. Cho nên Quốc hội phải bàn cho ra cơ chế, không để các bộ trưởng “tháo chạy” khỏi lời hứa. Để bộ trưởng phải thực hiện cho được lời hứa ngay khi còn đương nhiệm”.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa – vị đại biểu từng trải qua ba khoá Quốc hội này cho biết: “Thực tiễn làm đại biểu, giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng cho tôi thấy rằng không buộc được lời hứa của các trưởng ngành ngay trong nhiệm kỳ thì khi họ đã hết nhiệm kỳ, có nói gì làm gì đi nữa cũng 
chỉ là chữa cháy”.

“Nếu đã về hưu mà vẫn chưa trả được món nợ lời hứa với cử tri thì phải tự thấy đó là điều xấu hổ. Cái xấu hổ đó không chỉ tác động với bản thân, mà vì anh có xấu hổ thì những người kế nhiệm mới biết xấu hổ theo

Đại biểu Huỳnh Nghĩa

Để người sau lãnh hậu quả là không công bằng

* Ông đánh giá thế nào về phương thức chất vấn kỳ họp này, đặc biệt khi tất cả bộ trưởng đều có thể phải trả lời? Ông sẽ truy lại vấn đề nào mà các bộ trưởng đã hứa với ông và đại biểu khác ở nghị trường?

– Cá nhân tôi thấy việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng còn rất “ngổn ngang”.

Ví dụ như Bộ Nội vụ, vấn đề giảm biên chế như thế nào, vấn đề các bộ ngành có nhiều chức thứ trưởng… bộ trưởng còn nợ câu trả lời.

Hay là vấn đề oan sai, bỏ lọt tội phạm đối với ngành kiểm sát, tôi đã phát biểu trước Quốc hội nhiều lần, đặc biệt cơ chế phối hợp giữa ngành kiểm sát và công an thế nào mà cứ liên tục để xảy ra oan sai? Những yêu cầu đó đã đưa ra trước Quốc hội nhưng đến bây giờ các ngành vẫn im lặng.

Hoặc riêng với ngành công an, tôi nhớ kỳ họp thứ 6 năm 2013 tôi đã chất vấn bây giờ tội phạm bị truy nã ngoài xã hội đông như thế mà lực lượng công an ở đâu không truy bắt. Mỗi năm bắt được có mấy chục người bị truy nã.

Năm nay khá hơn được 186 người. Đây là vấn đề rất bức xúc của xã hội, nhân dân rất lo. Tôi sẽ chất vấn.

* Có những bộ trưởng cứ hứa, nhận lỗi nhưng đây là lần chất vấn cuối cùng trong nhiệm kỳ. Nếu bộ trưởng chuyển công tác sang ngành khác hoặc nghỉ hưu thì những lời hứa còn nợ lại sẽ phải giải quyết như thế nào?

– Đây là vấn đề chưa tìm được cách giải quyết thấu đáo. Với những bộ trưởng tiếp tục làm thì sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Còn bộ trưởng chuẩn bị nghỉ rồi thì nói thật là cho qua chứ làm sao được. Cùng lắm thì kiểm điểm với trách nhiệm cao nhất là người đảng viên đã giữ chức vụ quan trọng, làm gì có chế tài nào khác.

Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu đã về hưu mà vẫn chưa trả được món nợ lời hứa với cử tri thì anh phải tự thấy đó là điều xấu hổ. Cái xấu hổ đó không chỉ tác động đến mình anh, mà vì anh có xấu hổ thì những người kế nhiệm mới biết xấu hổ theo, gắng làm tốt để không phải xấu hổ như anh.

* Trả lời báo chí, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trách nhiệm thực hiện lời hứa là trách nhiệm của cả ngành, bộ trưởng chỉ là người đứng mũi chịu sào. Nên khi bộ trưởng về hưu thì cả ngành và người kế nhiệm phải thực hiện tiếp lời hứa. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Tất nhiên bộ trưởng có nghỉ đi nữa thì trong ngành phải tiếp tục giải quyết những tồn tại. Cái đó đúng nhưng chưa đầy đủ.

Vì chuyện chưa thực hiện được lời hứa có lỗi từ cả nguyên nhân chủ quan. Anh là bộ trưởng, đi họp Quốc hội nghe chất vấn, anh về không triển khai hoặc triển khai không tới nơi tới chốn, bây giờ anh bảo đổ cho ngành thì làm sao ngành giải quyết cho tốt?

Và người lên sau phải lãnh hậu quả để lại liệu có công bằng? Nói là ngành chịu trách nhiệm, bộ trưởng lên sau sẽ kế tục cũng là cách nói “chữa cháy”.

Phải có cơ chế, như tôi nói là ngay giữa nhiệm kỳ phải chất vấn toàn bộ để xem xét, thúc đẩy từng lĩnh vực. Đồng thời từ đó có thể đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, nếu anh làm tốt thì phát huy. Và thực tế đã có những bộ trưởng giữa nhiệm kỳ bỏ phiếu có tín nhiệm thấp thì các 
năm sau đã làm tốt hơn.

Bộ trưởng phải tự lực cánh sinh

* Trước đây, các phiên chất vấn người ta chỉ xoáy vào trách nhiệm của bộ trưởng. Nhưng ông có cho rằng đại biểu cũng phải thể hiện tư cách và trách nhiệm với cử tri trong câu hỏi chất vấn của mình?

– Tôi cho là có. Lần này thay đổi phương thức chất vấn, các đại biểu phải xem đây là cơ hội lớn để chuyển tải những vấn đề của cử tri đến các thành viên chính phủ. Vì Chính phủ ngồi cả ở nghị trường như thế mà anh không hỏi thì biết bao giờ mới hỏi.

Thứ hai là hỏi phải đi vào trọng tâm, đi vào thẳng vấn đề. Đại biểu hỏi chung chung để bộ trưởng trả lời chung chung thì không được, tốn thời gian của nghị trường.

Phải hỏi để cử tri biết việc bộ trưởng đã hứa, việc đang được thực hiện trong các chương trình giám sát bộ trưởng đã giải quyết đến đâu. Như thế mới lòi ra bộ nào làm tốt và bộ nào làm chưa tốt.

Nói thẳng là trong quá trình trả lời chất vấn có nhiều lúc các bộ trưởng tìm cách né câu trả lời. Và xin lỗi cũng phải nói là có tình trạng “gợi ý” cho đại biểu để nói những câu này câu khác.

Hỏi để mà nói chuyện muốn nói đó ra, để báo cáo về thành tích của ngành, để kéo dài thời gian, “câu giờ” chất vấn. Cho nên nhiều bộ trưởng chuẩn bị tài liệu cả xấp đến rồi cứ cầm lên đọc.

Tuy nhiên lần này các bộ trưởng phải tự lực cánh sinh. Câu hỏi nào thuộc về ai thì người đó trả lời. Đây là cách làm rất hay. Làm như thế thì bộ trưởng phải nắm vấn đề, khi đại biểu Quốc hội hỏi vấn đề gì cũng phải trả lời được. Tức là trong đầu của anh phải “chạy”, chứ không phải cứ để hỏi xong rồi về mới chuẩn bị tài liệu.

* Quốc hội đã đổi mới phương thức chất vấn, theo ông đã đủ yên tâm để giám sát lời hứa của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn?

– Tôi thấy rằng trong nhiệm kỳ năm năm, cả giám sát chuyên đề và cả chất vấn trực tiếp ở hội trường rất là nhiều vấn đề. Nhưng cả nhiệm kỳ làm rồi mới tổng kết lại, kiểm tra lại hậu giám sát thì chậm trễ quá.

Việc “chất vấn lại các vấn đề đã chất vấn” phải thực hiện ngay từ giữa nhiệm kỳ. Hai năm rưỡi là thời gian đủ dài để buộc phải kiểm chứng lời hứa và có thể kịp sửa sai, thay đổi cho một vấn đề trong phần thời gian còn lại. Như vậy sự việc được giải quyết nhanh hơn. Cái gì mình thấy chưa làm được phải lo làm, chứ còn để đến cuối nhiệm kỳ thì trễ quá.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM):

Phải kiểm tra, chất vấn theo từng năm

Tôi biết có những bộ trưởng khi hứa ở diễn đàn rất tâm huyết, nhưng có các vấn đề lực bất tòng tâm trước cơ chế. Cụ thể đó là sự phối hợp, điều hành chung giữa những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Nhưng cái cơ bản làm nhiều lời hứa của bộ trưởng trôi đi là vì nghị quyết của Quốc hội không kèm theo chế tài.

Các bộ trưởng hứa như thế, bây giờ hết nhiệm kỳ rồi mới có dịp nhìn lại thì trễ quá, phải kiểm tra và chất vấn theo từng năm. Bây giờ có kỷ luật thì cũng hết nhiệm kỳ rồi, cho nên lâu nay không xử lý được với các bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng sẽ có 75 phút trả lời chất vấn

Các phiên họp về thực hiện những nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015 được bắt đầu từ 8g sáng nay (16-11) đến hết buổi sáng 18-11.

Đáng lưu ý là từ 10g – 11g15 ngày 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội (nếu có). Đây là lần xuất hiện với thời gian dự kiến lâu nhất của Thủ tướng trong một phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội khoá XIII.

VIỄN SỰ thực hiện ([email protected])