16/01/2025

Vô cảm vì thế giới ảo

Phim hoạt hình Help (Giúp đỡ) chỉ với thời lượng một phút nhưng đã khiến người xem phải suy ngẫm nhiều điều.

  

Vô cảm vì thế giới ảo

 

 

 

Phim hoạt hình Help (Giúp đỡ) chỉ với thời lượng một phút nhưng đã khiến người xem phải suy ngẫm nhiều điều.



Ảnh: Chụp từ phim HelpẢnh: Chụp từ phim Help
Ai chết mặc ai, chụp hình đăng face trước đã
Khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh, người đàn ông vội chạy ra, phát hiện có người sắp sửa tuột tay, rơi từ tầng cao của một toà nhà. Thay vì tìm cách giúp đỡ thì người đàn ông này lại… lấy điện thoại để quay phim, chụp ảnh. Anh ta say sưa di chuyển khắp nơi để có cảnh quay, hình ảnh bắt mắt nhất, đến nỗi suýt rơi xuống phía dưới, phải kêu cứu.
Nhiều người trong các tòa nhà bên cạnh cũng hiếu kỳ, vội mở cửa ra xem. Tưởng chừng họ sẽ sốt sắng tìm cách cứu giúp người đang gặp nguy, thì thật ngạc nhiên, họ đồng loạt lấy điện thoại ra để quay phim, chụp ảnh để đăng lên mạng…
Đây là phim do nhóm sinh viên Trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia thực hiện, dựa trên ý tưởng của hoạ sĩ người Iran Mahnaz Yazdani. Chia sẻ với PV Thanh Niên, Phạm Anh Khôi, thành viên của nhóm, cho biết sở dĩ thực hiện phim vì muốn phản ánh câu chuyện con người dần trở nên vô cảm, xa cách chỉ vì mải mê vào những giá trị ảo, chỉ chú tâm vào chụp ảnh, sử dụng điện thoại di động thông minh…
Phim đã “phủ sóng” khắp các diễn đàn, fan page trên Facebook, thu hút hàng chục ngàn lượt xem, nhận được vô số bình luận.
Trên trang linkhay.vn, thành viên NguyenHung cho rằng phim đã phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện nay, nhiều người mải mê sống ảo, chẳng đoái hoài đến việc giúp đỡ người khác.
Nhiều người đồng tình với NguyenHung. Thành viên kim_nhan88 bình luận: “Sống ảo đã và đang là “bệnh” có sức lây lan kinh khủng, nó chẳng chừa một ai, rất nhiều người mắc phải, đặc biệt là giới trẻ. Và trường hợp trong phim chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện bị lệ thuộc vào điện thoại, thích sống ảo mà quên đi tình người”.
Để chứng minh, kim_nhan88 kể: “Mình đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. Có lần thấy một phụ nữ bước xuống xe buýt nhưng chẳng may té ngã, chàng trai đứng gần đó thay vì lại đỡ phụ nữ thì vội lấy điện thoại ra chụp hình”.
Xấu hổ vì “thấy mình trong đó”
Nhiều fan page chia sẻ phim Help cùng lời dẫn khảo sát “có bao giờ bạn vô cảm như thế?”. Câu hỏi đã khiến nhiều người giật mình, chia sẻ như: “Phim nói đúng tim đen của nhiều người”, “Ôi, mình đã từng vô tâm như thế”…
Thành viên Lan Thanh thú thật: “Tự nhiên thấy “dị” vô cùng. Mình cũng từng vậy. Nhiều khi đang đi trên đường thấy tai nạn, cũng đứng lại, nhưng chẳng thèm gọi điện thoại gọi cấp cứu giúp nạn nhân, mà chỉ để xem cho thoả mãn sự tò mò, hiếu kỳ. Đôi khi mình còn chụp ảnh đăng Facebook… câu like”.
Vô cảm vì thế giới ảo 2
Trên diễn đàn truongton.net, thành viên phamhongquang nhìn nhận: “Phim chỉ một phút nhưng khiến bất kỳ người xem nào cũng phải suy ngẫm nhiều điều. Cần phải tránh xa thói quen sống ảo và biết cách quan tâm, giúp đỡ người khác hơn. Và đặc biệt sống đừng vô cảm, bởi một ngày chính mình gặp khó khăn, cần sự trợ giúp thì người khác cũng sẽ vô cảm với mình. Gieo nhân nào gặp quả đó thôi”.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, phim rất hay, có ý nghĩa trào phúng, đả kích về hiện trạng lối sống vô cảm của một bộ phận người dân hiện nay.
“Việc quay phim chụp hình khi chứng kiến những trường hợp cần giúp đỡ là do họ ngại khó, ngại ra sức. Bên cạnh đó, phong trào sống ảo “câu view”, “câu like” để nổi tiếng trên mạng xã hội nhanh chóng là liều “thuốc phiện danh tiếng” mà nhiều người, nhất là giới trẻ đeo đuổi. Qua đó họ gạt bỏ đi phần nào tình người, giảm đi tính cộng đồng, quan tâm đến người khác”, ông Duy lý giải.
Cũng theo ông Duy, nếu như cả xã hội sẽ trở nên vô cảm như phần cuối phim thì đó là thảm họa. Vì khi đó con người sẽ như những cỗ máy, phần cảm xúc, tình yêu dành cho người khác sẽ mất hết. Ông Duy khuyên: “Hãy thoát ra cảnh sống ảo, cần tương tác với cộng đồng, với mọi người xung quanh, để chung tay đẩy lùi thói vô cảm, giúp cuộc sống này ngày càng có nhiều hơn sự quan tâm giữa mọi người với nhau”.
Bình luận
* “Chắc hẳn sẽ có nhiều người thấy xấu hổ khi xem đoạn phim này. Cần có nhiều hơn nữa những phim ý nghĩa tương tự, để cảnh tỉnh lối sống vô cảm”. (Quỳnh Anh/YouTube)
* “Hy vọng phim được chia sẻ nhiều trên mạng, để mọi người nhìn lại, thấy mình từng sai và sửa đổi, để không còn có sở thích sống ảo, thấy cái gì cũng chụp cũng khoe lên Facebook, Instagam…”. (Hong Thanh/Facebook)
* “Nhiều người hễ thấy tai nạn giao thông, cháy nhà… là xúm lại nhìn, tám chuyện, chụp ảnh… mà chẳng hề có động thái giúp đỡ”. (levanviet/linkhay.vn)
* “Không hề mong những gì trong phim tiếp diễn trong cuộc sống thật”. (Công Tuấn/Facebook)

Xuân Phương