Ngày 15.11, thông qua buổi hội thảo Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức, hội này tiếp tục kiến nghị đưa lịch sử là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS lên THPT.
Tranh cãi về vị trí môn sử
Ngày 15.11, thông qua buổi hội thảo Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức, hội này tiếp tục kiến nghị đưa lịch sử là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS lên THPT.
Theo GS Vũ Dương Ninh (nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội), với đề án tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới, môn lịch sử biến mất khỏi chương trình phổ thông như một môn khoa học có chức năng riêng biệt, quan trọng. Theo ông Ninh, Bộ GD-ĐT chưa ra một văn bản nào coi nhẹ hoặc loại bỏ môn sử nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Với việc “thi gì học nấy”, ban giám hiệu các trường đã dồn hết thời gian học cho các môn thi tốt nghiệp, thi tuyển đại học. Môn sử dần dần thành môn phụ và mất chính danh trong chương trình với cái vỏ “Công dân và Tổ quốc” cũng như lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn).
GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, cho rằng: “Người ta đã tìm mọi cách để hạn chế, méo mó đi, thậm chí làm tàn lụi môn sử. Để rồi tìm mọi cách để loại nó ra khỏi nền giáo dục quốc gia”.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử, cho biết môn sử xuống cấp có nhiều nguyên nhân như sách giáo khoa, lối học và thi cử nặng nề. Nhưng cao hơn, là do nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. “Tuyệt đối không được lấy cớ về sự sa sút của môn lịch sử để xóa bỏ môn học này dưới bất cứ phương thức nào”, ông Lê nói.
Thượng tướng – PGS-TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, cho rằng các thế lực thù địch đang lợi dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc. “Đối tượng chúng nhắm tới là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử ở phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu nó không trở thành môn học bắt buộc thì sẽ nguy hại cho quốc gia dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù”, ông Trung đánh giá.
Không thể tích hợp
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng chỉ ra những bất ổn trong việc tích hợp môn lịch sử – đạo đức – quốc phòng an ninh thành môn công dân với Tổ quốc.
GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết theo dự thảo, môn công dân với Tổ quốc chỉ một số tri thức lịch sử được tích hợp để giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nó không thể hiệu quả bằng việc để chính môn lịch sử cung cấp những tri thức cơ bản, hệ thống về lịch sử thế giới và dân tộc.
GS-TS Trần Thị Vinh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết ở Singapore có môn công dân tốt nhưng lịch sử vẫn là môn học độc lập, bắt buộc. Theo GS Phan Huy Lê, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân là những môn mang tính chính trị của thời hiện đại. Chúng hoàn toàn khác với môn lịch sử là khoa học về quá trình lịch sử từ cội nguồn xa xưa đến thời hiện nay với nền tảng lý thuyết và phương pháp luận hoàn toàn khác. “Công dân và Tổ quốc là môn tích hợp tùy tiện, không có cơ sở khoa học”, GS Lê nói.
Ông Trần Trung Hiếu, giáo viên chuyên sử Trường THPT Phan Bội Châu, Nghệ An, cho biết nhiều giáo viên dạy sử phản đối việc dạy tích hợp môn sử.
PGS-TS Kiều Thế Hưng, ĐH Sư phạm Hà Nội, nói: “Giáo dục lịch sử thông qua các môn học khác, bằng hình thức khác là không đồng nhất cả về nội dung cũng như vị trí”. Ông Hưng đưa ra giải pháp đổi tên môn khoa học xã hội trong dự thảo thành môn lịch sử địa lý ở THCS. Tách lịch sử khỏi môn công dân với Tổ quốc, bổ sung môn lịch sử dân tộc (dưới dạng chuyên đề cơ bản) thành môn độc lập và bắt buộc ở THPT.
Ông Nghiêm Đình Vỳ đề nghị: “Có thể có phương án lịch sử thế giới là môn tự chọn, môn lịch sử VN là môn bắt buộc”.
Tuy nhiên, tại hội thảo, các nhà khoa học đều nhất trí việc tích hợp môn lịch sử ở cấp tiểu học là hợp lý.
Chương trình mới không bỏ môn sử
Nếu hiểu theo cách tiếp cận vấn đề của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thì trong chương trình giáo dục phổ thông mới không những bỏ đi môn sử mà còn cả những môn khác chẳng hạn như lý, hóa, sinh…!
Tuy nhiên, vấn đề không đến nỗi như vậy. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ theo hướng tích hợp ở cấp học dưới và phân hóa mạnh ở cấp THPT, giảm số môn học bắt buộc và tăng cường các môn học tự chọn. Theo cách này, không chỉ có môn lịch sử được tích hợp vào các môn học khác mà việc tích hợp còn được thực hiện ở hầu hết các môn học khác.
Cụ thể, ở cấp tiểu học, xây dựng một số môn học mới như: cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành). Ở cấp THCS, dự kiến sẽ có 2 môn học mới là khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành). Ở cấp THPT, sẽ có 3 môn mới là công dân với Tổ quốc, đây là môn học bắt buộc (được hình thành chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng – an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lý); khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất của giới tự nhiên (dành cho học sinh định hướng khoa học xã hội, không học các môn vật lý, hoá học, sinh học); khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 nhằm hình thành những tri thức khái quát nhất về xã hội (dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, không học các môn lịch sử, địa lý).
Trong dự thảo, Bộ cũng không phân biệt môn chính, môn phụ. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm ngay từ lớp 10. Theo cách tiếp cận này, học sinh chỉ học một số môn học bắt buộc – cũng được xem là môn công cụ (4 môn), đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập. Tuy nhiên, sẽ không có học sinh nào được phép chỉ học 4 môn bắt buộc là đủ mà phải chọn học các môn, chuyên đề học tập khác để đảm bảo tính phân hóa. Việc tự chọn cũng sẽ có định hướng rõ ràng để học sinh dù định hướng chuyên sâu về khoa học tự nhiên cũng sẽ bắt buộc phải học kiến thức cơ bản, nền tảng về khoa học xã hội, và ngược lại.
Quan trọng hơn, dù là tích hợp hay độc lập cũng cần phải đặt vấn đề thay đổi cách dạy môn sử như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Chẳng hạn trước một sự kiện đang gây quan tâm đến toàn thế giới hiện nay như vụ đánh bom mới diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), làm thế nào để học sinh bậc THPT vận dụng những hiểu biết về môn sử đã được học để lý giải và hiểu về sự kiện này. Đó mới là vấn đề cần đặt ra.
Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm là chương trình mới nên thiết kế như thế nào để dù là môn tự chọn hay bắt buộc, tích hợp hay đứng riêng lẻ, một học sinh vẫn có thể nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi môn học mình yêu thích.