30/11/2024

‘Thần đồng’ biến mất

Nhiều trẻ em được gọi là “thần đồng” cách đây 7 – 8 năm, nay đã không còn thông tin gì nữa. Có em khi lớn lên phát triển như một người bình thường, không có gì nổi bật.

 

‘Thần đồng’ biến mất

 

Nhiều trẻ em được gọi là “thần đồng” cách đây 7 – 8 năm, nay đã không còn thông tin gì nữa. Có em khi lớn lên phát triển như một người bình thường, không có gì nổi bật.




Trần Ngọc Châu Long hiện đang học lớp 7 – Ảnh: Đăng Nguyên


Nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là Trần Ngọc Châu Long. Long sinh ngày 23.6.2004, đến khoảng 18 – 21 tháng tuổi đã đọc được vanh vách bảng chữ cái tiếng Việt. Lúc 25 tháng tuổi, Long đã thuộc bảng cửu chương; những từ, số đơn giản tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngay cả những thuật ngữ toán học như alpha, beta, hình tròn, hình thang, hình tam giác cân, tam giác thường…, thậm chí cả phép khai căn cũng được Long “nạp” vào trí nhớ. Chỉ cần dạy qua một lần cờ tướng là Long nhớ mặt các quân cờ.

Nhưng điều làm Long nổi tiếng hơn cả là thông tin có công ty ở nước ngoài đề nghị “mua lại bé với giá 1 triệu USD” do cha của Long kể lại. Nhưng đến nay, không ai nghe thông tin gì đặc biệt về em nữa.
Tìm lại “thần đồng”
Đầu tháng 11, chúng tôi tìm về lại xã Đức Hoà Thượng (H.Đức Hoà, tỉnh Long An) để hỏi thông tin về Châu Long. 8 năm trôi qua, cảnh vật thay đổi quá nhiều. Ngôi nhà nằm giữa vườn cây ăn trái xum xuê của gia đình Long ngày xưa đã chuyển nhượng cho người khác. Vì vậy, việc tìm lại thông tin của gia đình Long cũng khá khó khăn. Ngay cả ông Nguyễn Văn Bến, Bí thư Đảng uỷ xã Đức Hòa Thượng cũng cho biết không nắm được thông tin gì về gia đình Châu Long.
Cuối cùng nhờ chỉ dẫn của người dân xung quanh, chúng tôi cũng tìm đến được căn nhà mới của Long. Em năm nay đã học lớp 7, nhưng nét tinh anh, thông minh ngày trước hầu như ít còn nhận thấy qua vẻ bên ngoài.
Cùng năm đó, Phan Thị Quế Mẫn (sinh năm 2005), con gái của anh Phan Văn Cương và chị Hồ Thị Lệ Hằng (trọ ở Q.8, TP.HCM), cũng là một trẻ có năng khiếu đặc biệt. Anh Cương kể, lúc đó mình chỉ chạy xe, vợ may đồ, nhưng không ngờ bé Mẫn có khả năng đọc được chữ khi chưa đầy 3 tuổi.
Nhưng khi chúng tôi tìm lại nơi ở của gia đình bé Mẫn lúc trước thì hầu như không ai nhớ gì về chuyện này. Loanh quanh trong xóm gần 2 tiếng, hỏi rất nhiều người, cuối cùng chúng tôi mới gặp được người dì của Mẫn và biết được gia đình em đã không còn trọ tại đây mà về quê ở xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) sinh sống từ khi Mẫn vào lớp 1.
Riêng trường hợp của Võ Minh Tiến (sinh ngày 23.4.2004, ở Q.4, TP.HCM), có thể đọc và xếp chữ rất thành thạo khi chưa đầy 3 tuổi thì chúng tôi hoàn toàn không thể tìm được. Hàng xóm cho biết gia đình đã chuyển đi nhưng không biết đi đâu.
Cũng như Châu Long, Quế Mẫn, Minh Tiến, hơn 30 trẻ phát triển sớm được phát hiện từ 7 – 8 năm trước và được xem như “thần đồng” cũng không còn được ghi nhận bất kỳ thông tin gì. Lý do chính yếu là các “thần đồng” này không có được thành tích gì đặc biệt nổi trội trong quá trình phát triển của mình những năm vừa qua.
Không còn nổi bật như trước
Anh Trần Ngọc Châu, bố của Châu Long, cho biết vào năm 6 tuổi, khi chuẩn bị đi học, huyện Đức Hoà có lập một hội đồng để sát hạch khả năng của Long. Kết quả Long có thể “nhảy cóc” học lớp 3. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Long chỉ được lên học lớp 2.
Châu Long vẫn luôn là học sinh giỏi qua các năm và vẫn có trí nhớ tốt. Long học bài 2 – 3 lần là nhớ. Long học tốt hơn hẳn những môn đòi hỏi tư duy như toán. Trong cuộc thi toán trên internet, Long đứng nhất khối lớp 7 của trường.
Tuy nhiên, ông Châu thẳng thắn nhận xét trong những năm qua, khả năng của Long đã không còn nổi trội như trước nữa. Long học vẫn tốt, học khá nhẹ nhàng cũng được học sinh giỏi. Ở môi trường bình thường, Long có thể trội hơn rất nhiều học sinh khác nhưng chỉ có vậy.
Tương tự, Phan Thị Quế Mẫn hiện học giỏi về tiếng Anh. Năm lớp 4, Mẫn thi tiếng Anh có kết quả đứng đầu huyện Châu Phú. Hiện tại, Mẫn học lớp 5 và có thể tham dự cuộc thi tiếng Anh cấp tỉnh. Năm nào Mẫn cũng là học sinh giỏi, nhưng cha của Mẫn cho biết Mẫn chỉ có thành tích như vậy thôi.
Phát lộ sớm không đồng nghĩa có năng khiếu vượt trội
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học VN, thực chất việc trẻ em có những biểu hiện phát triển sớm hay có những biểu hiện biết sớm, thể hiện được một khả năng nào đó không hoàn toàn là điều cố định. Đó có thể là một biểu hiện mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời…  Xét về mặt phát triển tự nhiên của trẻ, mỗi trẻ có thể phát lộ một khả năng nào đó sớm nhưng không đồng nghĩa với việc trẻ em có năng khiếu vượt trội trong lĩnh vực đó. Cũng không có nghĩa là biểu hiện ấy hoàn toàn ổn định và mang tính vững bền. Biểu hiện ấy có thể chỉ tồn tại trong một vài tháng, một vài năm hay một khoảng thời gian thật ngắn. Ngay cả việc chúng ta phát hiện sớm, tác động sớm dù là đúng hướng cũng không đồng nghĩa với việc duy trì hay đẩy nó lên đến đỉnh…
Với các trường hợp trẻ có dấu hiệu phát triển sớm nở rộ cách đây 7 – 8 năm, rất có thể đều nằm trong 2 trường hợp này. Nhưng sự “biến mất” về khả năng của các em vẫn là điều hết sức đáng tiếc.
(Còn tiếp)

Đăng Nguyên