16/01/2025

Hệ quả của chân dung ảo

Xây dựng một ‘thương hiệu cá nhân’ trên mạng và dành quá nhiều thời gian sống cùng nó, vui buồn với nó khiến nhiều bạn trẻ trở nên mất kiểm soát, khó phân biệt thật giả và sống ảo ngay trong đời thực.

 

Thanh niên sống ảo – Kỳ 2: Hệ quả của chân dung ảo

 

 

Xây dựng một ‘thương hiệu cá nhân’ trên mạng và dành quá nhiều thời gian sống cùng nó, vui buồn với nó khiến nhiều bạn trẻ trở nên mất kiểm soát, khó phân biệt thật giả và sống ảo ngay trong đời thực.




Minh họa: DADMinh hoạ: DAD
Chia sẻ suy nghĩ, hình ảnh, câu chuyện trên mạng và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng (thể hiện bằng nút like – thích) khiến cho người sử dụng mạng xã hội có cảm giác thích thú, sung sướng và không tránh khỏi việc bị lệ thuộc. Cộng đồng mạng rộng lớn, nhưng chỉ cần bạn đánh trúng tâm lý số đông là tò mò, thích tranh luận hoặc dễ cảm động, có nhu cầu sẻ chia… là thế nào hình ảnh bạn xây dựng trên thế giới ảo dù giống hay không giống mình ở ngoài đời, vẫn sẽ nhận được sự theo dõi của cả ngàn đến chục ngàn người không quen biết. Từ đó, đa số bị chìm đắm vào sự tung hô của số đông, cho rằng mình là người quan trọng, mỗi trạng thái mình chia sẻ sẽ có sức ảnh hưởng ghê gớm đến người khác…
Nhu cầu “được sống thoải mái”
Nhận định về hiện tượng “người thực và người ảo không giống nhau”, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Trung tâm thông tin truyền thông và phát triển giáo dục, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng mỗi người trong cuộc sống thực đều có sự ràng buộc bởi các mối quan hệ, vai trò, phạm trù đạo đức… Do đó, họ phải sống theo một chuẩn mực nhất định, giữ gìn hình ảnh, không có nhiều cơ hội tự do thể hiện những góc khuất trong con người mình. “Nhu cầu lớn của con người là được bộc lộ suy nghĩ, cá tính, được sống thoải mái với bản ngã. Mạng xã hội trở thành một phương tiện để họ tha hồ thể hiện những gì mà ở ngoài đời thực họ không có cơ hội thể hiện. Chẳng hạn như ghét ý kiến của ai đó họ có thể phản bác, trong khi ở ngoài đời chưa chắc họ đã nói. Họ còn sử dụng mạng ảo để thư giãn, chia sẻ ước mơ, tâm tư, xây dựng một hình ảnh khác mà họ muốn hướng tới”…

 
 
Thanh niên sống ảo - Kỳ 2: Hệ quả của chân dung ảo - ảnh 2

 

Hãy disconnect để connect, nghĩa là hãy ngưng kết nối để kết nối! Bạn trẻ khi trở về với gia đình, khi hẹn hò nhau, khi gặp đối tác… hãy ngưng wifi và 3G để có thể kết nối với nhau bằng ánh mắt, lời nói, câu chuyện…

 

Thanh niên sống ảo - Kỳ 2: Hệ quả của chân dung ảo - ảnh 3
 

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Trung tâm thông tin truyền thông và phát triển giáo dục, Trường ĐH Sài Gòn

 

 
Theo lý giải của thạc sĩ tâm lý – xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia, cơ sở TP.HCM), bản thân đời sống nội tâm của mỗi người cũng đã rất đa dạng và phức tạp. “Trong thế giới thực nhiều người còn đang sống kiểu đeo mặt nạ với người này, sống thật với người kia thì trong thế giới ảo con người có xu hướng xây dựng một hình ảnh mà họ chưa có cơ hội bộc lộ trong cuộc sống thực. Thậm chí hoàn toàn trái ngược với con người bên ngoài mà mọi người thường thấy. Họ được sống thật với chính mình, được bộc lộ phần con người nội tâm sâu kín mà ngoài cuộc sống thực không được hoặc không có cơ hội bộc lộ”, thạc sĩ Thuý phân tích.
Nhà báo Nguyễn Hậu (tạp chí Esquire) thì nhìn nhận, ngoài đời thực, ai cũng sống trong tình trạng bị đánh giá, nhòm ngó nên sử dụng mạng xã hội để xả những áp lực, ẩn ức bên trong, và muốn được cả cộng đồng công nhận con người ảo đó của mình.
Thật giả khó lường
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt cho rằng, thông thường khi người ta thấy thiếu những giá trị gì thì sẽ cố gắng xây dựng nó trên mạng xã hội. Chẳng hạn ngoài đời họ ít bạn bè, thì mong được chú ý trên mạng xã hội. Đó là lý do một người hời hợt có thể viết những bài viết sâu sắc, nội tâm, hoặc ngoài đời lỗ mãng, cục cằn nhưng trên mạng lại đẹp đẽ, điềm tĩnh. “Vì thế rất khó để biết đâu là thật giả. Người ta dễ dàng bị đánh lừa về những giá trị xã hội được thể hiện trên đó”, thạc sĩ Mỹ Hạnh nhìn nhận.
Không ít người dễ dàng bị “dắt mũi” bởi hình ảnh một cô gái trên Facebook tỏ ra mình rất đa cảm, hay xót xa trước những hoàn cảnh khó khăn, thương yêu động vật… Nhưng thực tế bên ngoài, cô xua đuổi đứa trẻ bán vé số và rất ghét chó mèo!
Nhà báo Nguyễn Hậu cũng phân tích: “Đa số mọi người rất cần sự công nhận. Thông thường, một người có khát vọng, đam mê sẽ mất mấy năm nỗ lực để chinh phục một lĩnh vực nào đó mình thích. Còn trên Facebook, người ta chỉ việc bịa ra nhanh gọn và đếm like (thích). Nó khiến chúng ta ảo tưởng và xuất hiện nhiều kẻ lười biếng giả dối, muốn được tôn vinh mà chẳng phải mất công gì cả”. Điều này, theo thạc sĩ Mỹ Hạnh, nó khiến cho giới trẻ ai cũng muốn được thu hút, không có định hướng đúng đắn, sống không cần những giá trị khác mà chỉ cần được người khác quan tâm, khen ngợi. Do đó lối sống thực dụng được đẩy mạnh hơn, điển hình như trào lưu khoe của, khoe hàng…
Để “con người ảo” có ảnh hưởng tích cực tới “con người thực”, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chúng ta cần phải tỉnh táo để biết rằng không có thế giới ảo nào có thể thay thế được cuộc sống đang diễn ra rất thực ở bên ngoài. “Hãy disconnect để connect, nghĩa là hãy ngưng kết nối để kết nối! Bạn trẻ khi trở về với gia đình, khi hẹn hò nhau, khi gặp đối tác… hãy ngưng wifi và 3G để có thể kết nối với nhau bằng ánh mắt, lời nói, câu chuyện… Giá trị cuộc sống nằm ở chỗ đó, ở sự quan tâm, chia sẻ, sống tốt với nhau, sống có ý nghĩa ở ngoài đời thực”.
Khó kết nối với đời sống thực

Vì mải mê xây dựng một “cái tôi khác” ở trên mạng để được mọi người chú ý, tung hô, người sử dụng có xu hướng khó phân biệt được đâu là thế giới mình đang sống thực sự. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại: “Khi đăng xuất khỏi những cái tên trên mạng, trở về với đời thực, bạn trẻ khó kiểm soát được hành động, lời nói của mình, vì não bộ đang đầy ứ những câu chuyện mà bạn tạo ra trên thế giới ảo. Bạn trẻ bị mộng du tinh thần, khó bình thường trở lại”.
Thạc sĩ Phạm Thị Thuý nhận định, điều dễ thấy nhất là bạn trẻ mất rất nhiều thời gian để kết nối với cuộc sống thực. “Không có thời gian giao tiếp với người thân đang sống bên cạnh, không có thời gian làm việc và không có cả thời gian quan tâm chăm sóc chính bản thân họ như ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục, đi chơi… Họ sẽ ngày càng xa rời mọi người xung quanh và vô cảm cũng sẽ là một hệ quả tất yếu”.
Theo thạc sĩ Thuý, mạng xã hội rất dễ gây nghiện vì nó giúp con người lãng quên cuộc sống thực với rất nhiều áp lực bên ngoài. Những người chán cuộc sống thực có nguy cơ nghiện thế giới ảo trên mạng nhiều hơn so với những người lạc quan, yêu đời. Không khó khăn để thấy rằng, tại những nơi công cộng, quán cà phê… từng nhóm bạn trẻ ngồi cùng nhau, nhưng mỗi người đều mải mê với chiếc điện thoại của mình, không ai trò chuyện với ai.

 

Mỹ Quyên – Xuân Phương