30/11/2024

Cây mít khô và… di sản

Việc sư trị sự chùa Thánh Duyên (Thừa Thiên-Huế) tự ý chặt một cây mít khô và một cây xoài mục thân tại di tích quốc gia này để phòng sự cố đang gây ra tranh cãi…

 

Cây mít khô và… di sản

 

 

Việc sư trị sự chùa Thánh Duyên (Thừa Thiên-Huế) tự ý chặt một cây mít khô và một cây xoài mục thân tại di tích quốc gia này để phòng sự cố đang gây ra tranh cãi…


 


Điện Đại Hùng, chánh điện của chùa Thánh Duyên Điện Đại Hùng, chánh điện của chùa Thánh Duyên
Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Thanh tra Sở vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên-Huế, UBND H.Phú Lộc tiến hành kiểm tra, lập biên bản việc đại đức Thích Minh Chính, trị sự chùa Thánh Duyên (tại núi Tuý Vân, xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc) tự ý chặt cây cổ thụ và có ý định thay ngói tại nhà tăng của ngôi chùa di tích quốc gia này.
Đã xin mà không ai trả lời…
Theo báo cáo của H.Phú Lộc, ngày 5.10, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra tại chùa Thánh Duyên và phát hiện hiện trường là 2 cây cổ thụ đã bị chặt hạ, gồm: 1 cây mít đang khô (đây là cây duy nhất còn lại trong di tích), cao khoảng 15 m và 1 cây xoài còn sống tốt, cũng cao khoảng 15 m. Các cây này có tuổi đời từ 200 – 300 năm. Báo cáo của Phòng VH-TT-DL huyện cho biết, đại đức Thích Minh Chính đã tự ý tháo dỡ, thay mới một số hạng mục.
 
 
Cây mít khô và... di sản - ảnh 2
Trước tình thế cấp bách, sợ mưa bão gây sự cố nên chúng tôi cho chặt cây mít (đã chết khô) và cây xoài đã bị sâu mục ruỗng phần thân. Việc sửa mái ngói và chặt cây là sai nhưng tình thế cấp bách nên chúng tôi buộc phải làm
Cây mít khô và... di sản - ảnh 3
 
Đại đức Thích Minh Chính,
 trị sự chùa Thánh Duyên

 

Đại đức Thích Minh Chính thừa nhận, theo quy định của luật Di sản văn hoá, việc chặt cây và thay ngói khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là sai. “Tuy nhiên thực tế nhà tăng đã bị dột nát, xuống cấp. Ngày 29.9, nhà chùa đã có văn bản gửi xã xin được chặt cây để bảo vệ an toàn chánh điện. Ngày 30.9, UBND xã Vinh Hiền cử 4 cán bộ xuống kiểm tra hiện trạng nhưng không thấy ý kiến phản hồi. Ngày 3.10, một nhánh cây xoài gãy. Trước tình thế cấp bách, sợ mưa bão gây sự cố nên chúng tôi cho chặt cây mít (đã chết khô) và cây xoài đã bị sâu mục ruỗng phần thân. Việc sửa mái ngói và chặt cây là sai nhưng tình thế cấp bách nên chúng tôi buộc phải làm”, đại đức Thích Minh Chính cho biết.

Chùa Thánh Duyên được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 13.1.1996. UBND H.Phú Lộc được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý di tích kiến trúc – nghệ thuật chùa Thánh Duyên.
Vấn đề phụ thuộc vào… cái cây
Trong trường hợp ở Thánh Duyên, theo Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT-DL), cần có sự phối hợp của quản lý địa phương với Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên – Môi trường. Các bên sẽ lập biên bản xác định có đúng là không cứu nổi cây hay không, nếu không thể cứu sẽ cho hạ giải. Tuy nhiên, cũng theo luật, trong những trường hợp cấp thiết, di tích có thể được phép tu bổ (trong đó có chặt cây) khi được phép của chính quyền sở tại. Điều này cho thấy rất cần sự linh hoạt từ địa phương, cũng như sự hiểu luật của các chức sắc tôn giáo trong di tích.
Một chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) đánh giá, vấn đề của vụ việc ở chùa Thánh Duyên phụ thuộc vào… cái cây. “Nếu nó quả thực là sắp đổ, gây nguy hại cho người dân và di tích thì việc chặt cây tuy không đúng nhưng cũng không có vấn đề gì lắm. Còn nếu cây còn có thể cứu được thì việc sai phạm lớn hơn nhiều”, chuyên gia này nói.
Cây mít đã chết khô và cây xoài bị mục thân trước khi được chặt hạ - Ảnh: đại đức Thích Minh Chính cung cấp

Cây mít đã chết khô và cây xoài bị mục thân trước khi được chặt hạ – Ảnh: đại đức Thích Minh Chính cung cấp

Trong nhiều năm gần đây, có nhiều sự việc dở khóc dở cười với các di tích trong trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn, ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), lấy lý do chùa dột nát, thiếu thốn, sư trụ trì đã tự ý hạ giải một số hạng mục trong chùa. Sau đó, một khoản tiền lớn đã phải chi ra để làm lại các hạng mục này. Hoặc ở đình Đa Chất (H.Phú Xuyên, Hà Nội), trước một lễ tế, một xà lớn trong đình rời ra do mối mọt đã lao thẳng xuống suýt trúng người ông Nguyễn Ngọc Đoán. Sau đó ông Đoán đã trở thành người trông nom đình để nhắc mọi người không vào đó. Với những trường hợp như vậy, chờ đợi đúng thủ tục để được rót tiền, rót sức sửa chữa thì quả là nguy hiểm.
Tuy nhiên, về mặt quản lý, việc chặt cây cũng như tu bổ trái phép này không được sự ủng hộ của luật cũng như Cục Di sản văn hoá. “Về nguyên tắc là nếu muốn chặt cây phải xin phép. Kể cả nó hư hỏng cũng phải xin phép chứ”, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, nói.
Nếu có thể coi đây là hai dòng ý kiến trái ngược thì sự trái ngược này cũng cho thấy lo ngại. Một là liệu các quy định của pháp luật đã đủ linh hoạt và dễ dàng về mặt hành chính hay chưa để người dân không phải chờ đợi khi di tích có vấn đề liên quan đến sự an nguy tính mạng. Hai là liệu có những trụ trì ở các di tích tôn giáo đang yếu về nhận thức pháp luật không. Nếu có sự yếu nhận thức đó, địa phương có thể làm gì để tránh tình trạng “tiền trảm hậu tấu” với di tích?

 

Bùi Ngọc Long – Trinh Nguyễn