“Sức khoẻ đâu có gì thì khám chi”
Nhiều người dân được hỏi đều thừa nhận việc khám sức khoẻ định kỳ là quan trọng nhưng họ lại không thường xuyên thực hiện vì nhiều lý do.
“Sức khoẻ đâu có gì thì khám chi”
Nhiều người dân được hỏi đều thừa nhận việc khám sức khoẻ định kỳ là quan trọng nhưng họ lại không thường xuyên thực hiện vì nhiều lý do.
Nhân viên một công ty đi khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa |
Trong đó có 61,5% ý kiến cho rằng “sức khoẻ không có vấn đề nên không nhất thiết phải đi khám”.
Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện về việc khám sức khoẻ định kỳ với 80 người dân tại TP.HCM thuộc hai nhóm đối tượng: nhóm những người đang làm nghề tự do và nhóm công nhân viên chức (CNVC) đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp (có bắt buộc tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên hằng năm theo quy định tại điều 152 Luật lao động).
Không có bệnh, không cần đi khám
Trong số 40 người dân đang làm nghề tự do trả lời khảo sát chỉ có 23% có ý thức khám sức khoẻ đều đặn từ 3 – 6 tháng/lần. Những người này đều chung quan điểm là cần phải chủ động đi khám sức khoẻ thường xuyên để “cảm thấy an tâm hơn”.
Chị Quỳnh Đông, ngụ tại Q.Bình Thạnh, cho biết: “Cứ sáu tháng mình sẽ đi khám một lần vì có người nhà bị bệnh nên mình cũng ý thức để phát hiện bệnh sớm. Mặc dù nhiều khi chưa có kết quả gì mới, nhưng coi như bỏ tiền để mua sự an tâm”.
Nhóm CNVC có mức độ khám sức khoẻ thường xuyên hơn, với tỉ lệ 58% đi khám định kỳ 1 năm/lần, theo quy định của nơi làm việc.
Tuy nhiên phần đông CNVC (chiếm đến 60%) lại không nắm rõ hoặc chưa từng biết đến quy định tại điều 152 Luật lao động về việc cơ quan doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên. Bên cạnh đó, 33% trong nhóm này cho biết đơn vị nơi họ công tác không tổ chức khám sức khoẻ hằng năm.
Trong nhóm làm nghề tự do, có 40% người dân cho biết chưa từng đi khám sức khoẻ trước đó và một số cũng không có ý định sẽ khám sức khỏe định kỳ trong tương lai. Bởi theo họ việc khám sức khoẻ là “không cần thiết nếu không có bệnh tật gì”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, 45 tuổi, chạy xe ôm tại Q.1, khẳng định: “Người bệnh mới cần phải đi khám chứ tôi nào giờ không có đi vì mình khoẻ lắm, khám rồi ra tùm lum thứ mất công lo thêm. Chừng nào mệt hẵng tính…”.
Không chỉ riêng ông Dũng, quan điểm “không có bệnh nên không cần đi khám” đều được cả hai nhóm trả lời khảo sát đồng thuận với 68% lựa chọn từ nhóm người dân làm nghề tự do và 55% từ nhóm CNVC.
Phần đông người được khảo sát chỉ nghĩ đến việc khám sức khoẻ khi có chỉ định, yêu cầu hoặc thấy trong người có bệnh rồi mới đi khám. Một số người cũng cho rằng chính tâm lý “sợ bệnh rồi thêm lo” (chiếm 15% nhóm người dân và 8% nhóm văn phòng) cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ không thăm khám sức khoẻ thường xuyên.
Đồ hoạ: Tấn Đạt |
Cần chủ động phòng hơn chữa bệnh
Thực tế cho thấy ý thức của mỗi người trong việc chủ động đi khám sức khoẻ định kỳ để phòng bệnh và phát hiện sớm các nguy cơ là rất quan trọng.
Anh Lê Văn Long (Q.9) bày tỏ: “Làm sao biết mình có thật sự khoẻ hay không? Nhiều người có bệnh mà chưa phát chứ không phải là sức khoẻ hoàn hảo. Thêm nữa, môi trường ô nhiễm, trăm ngàn thứ bệnh, phải siêng khám để biết mà phòng chứ…”.
Vì vậy giải pháp đề nghị cần tăng cường hoạt động tuyên truyền nhắc nhở để nâng cao ý thức của người dân, giúp họ chủ động khám sức khoẻ định kỳ được phần đông ủng hộ với 56%. Phương án thường xuyên tư vấn và hỗ trợ khám sức khoẻ miễn phí cho cộng đồng đứng thứ hai với 44% đồng thuận.
Trong khi đó, một số ít người dân tỏ ra mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ y tế hiện nay. Bởi theo họ, những cơ sở y tế ở địa phương chưa đủ phục vụ nhu cầu khám tổng quát toàn diện, chuyên sâu cũng như phán đoán chính xác tình trạng sức khoẻ.
Các bệnh viện tuyến trên đang trở nên quá tải và phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Vì vậy cuộc khảo sát đã thu được 39% đề nghị cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến dưới.
Riêng nhóm CNVC, có 55% ý kiến nhận thấy cần phải giám sát chặt chẽ hơn việc cơ quan doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động.
Chị Đinh Thị Ngoan, giám đốc bộ phận kinh doanh tại một công ty ở quận 1, nhấn mạnh rằng bên cạnh có ràng buộc chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhân viên về việc tổ chức cho nhân viên khám sức khoẻ định kỳ thì trọng điểm cần quan tâm là chất lượng các dịch vụ y tế. Bởi theo chị: “Việc khám bệnh tổng quát hiện nay còn qua loa, chưa phục vụ đủ nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Cần có sự giám sát, kiểm tra hoạt động các dịch vụ cơ sở y tế khám bệnh xem có đảm bảo chất lượng và làm việc hiệu quả chưa”.
Ngoài ra, cũng có người đề xuất thêm việc bản thân mỗi người phải tự giác chú ý đến sức khỏe của mình, luôn rèn luyện để nâng cao thể trạng và “bảo trì” sức khoẻ. Như lời anh Hoàng Công Long (Q.Phú Nhuận): “Phải tranh thủ đi khám sức khoẻ thường xuyên, có ý thức bảo vệ mình trước chứ không chờ đến có bệnh rồi mới lo thì muộn mất”.
Và,“không có cách gì tốt hơn việc mỗi người phải tự nâng cao sức khoẻ như rèn luyện thể dục thể thao, ăn uống điều độ, giữ tinh thần lành mạnh…” – anh Vũ Ngọc Toản (Q.12) góp ý thêm.
* Anh Nguyễn Kim Long (22 tuổi, nhân viên văn phòng, Q.Bình Thạnh): Tôi chưa bao giờ khám sức khoẻ định kỳ vì thấy không cần thiết lắm và cũng thấy mình mạnh khoẻ, không có triệu chứng bệnh tật gì. Tôi nghĩ với độ tuổi nào đó, như trên 30 chẳng hạn, thì nên khám, còn với tuổi như mình là chưa cần. * Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (47 tuổi, buôn bán, ở Q.3): Tôi buôn bán suốt nên không có thời gian, cũng không có điều kiện và tiền để đi khám sức khoẻ. Vì vậy, tôi mong muốn có các tổ chức tới khám sức khoẻ tận nơi cho những người không có điều kiện như tôi. * Anh Trần Chí Công (33 tuổi, nhân viên văn phòng, ở Q.3): Việc khám sức khoẻ là cần thiết vì mình sống ở môi trường ô nhiễm có nhiều nguy cơ bệnh tật, nếu phát hiện ra bệnh thì cũng biết mà chữa cho kịp thời. * Anh Vũ Ngọc Toản (47 tuổi, làm nghề tự do, ở Q.12): Việc khám sức khoẻ định kỳ hiện nay khá phổ biến vì người dân đã bắt đầu có ý thức rồi. Theo tôi, tốt nhất cứ sáu tháng khám một lần và độ tuổi nào cũng nên khám định kỳ, tuy nhiên cũng còn tùy điều kiện kinh tế của mỗi người… |