ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường – Ảnh: TTXVN
|
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho thấy, cơ bản Uỷ ban Thường vụ QH nhất trí với các nội dung trong dự thảo luật. Trong đó, điểm mấu chốt và quan trọng nhất chính là việc luật sẽ ban hành danh mục các loại phí, lệ phí. Các khoản nào nằm ngoài danh mục nếu địa phương ban hành thêm sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Không được tăng phí bù đắp cho tham nhũng, yếu kém
|
|
|
Đầu tư không hiệu quả, lãng phí, tham nhũng, ngân sách không đủ lại huy động bằng cách tăng các loại phí khác nhau để người dân đóng thêm vào là không được
|
|
|
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM)
|
|
|
Dự thảo luật lần này, theo báo cáo của Chính phủ đã loại bỏ được 26 khoản phí và 68 khoản lệ phí; chuyển sang giá thị trường 15 khoản phí và chuyển sang cơ chế giá dịch vụ do nhà nước định giá 29 khoản phí. Danh mục mới sẽ còn lại khoảng 84 loại phí, 80 loại lệ phí. Đối với học phí và viện phí sẽ được đưa ra khỏi dự thảo luật, để tính theo giá dịch vụ do nhà nước quy định.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phản ánh tình trạng lạm thu phí thời gian qua khi người nông dân phải gánh tới 93 loại chính thức và không chính thức; các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với các loại phí hữu hình và vô hình làm ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí, giảm sút sức cạnh tranh. Đồng tình với danh mục phí và lệ phí đã được rà soát, cắt giảm nhưng ĐB Tuấn đề nghị cần tăng cường kiểm tra xử lý triệt để đối với các hành vi vi phạm và công khai, minh bạch các khoản phí phải nộp để người dân yên tâm.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, luật phải đảm bảo nguyên tắc đã là dịch vụ công nhà nước đảm trách, cung cấp thì không được thu thêm phí, bởi người dân đã đóng thuế rồi. Đặc biệt, không được dùng phí và lệ phí để bù đắp cho các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả khi nhà nước dùng tiền thuế để đầu tư. “Đầu tư không hiệu quả, lãng phí tham nhũng, ngân sách không đủ lại huy động bằng cách tăng các loại phí khác nhau để người dân đóng thêm vào là không được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lạm thu, thu sai có thể phải truy tố
Lạm thu, thu thêm, thu sai phí, lệ phí theo ĐB Trương Trọng Nghĩa là đụng đến ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân. Với các hành vi này không chỉ xử phạt hành chính như dự thảo luật mà phải bổ sung quy định có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy mới đủ tính răn đe, mới ngăn chặn được tình trạng lạm thu, đẻ thêm phí. Đồng quan điểm, ĐB Danh Út (Kiên Giang) đồng thời đề nghị ngay trong luật phải cấm các địa phương ban hành các loại phí, lệ phí nằm ngoài danh mục.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng đề nghị bổ sung trong dự thảo luật nội dung hằng năm Chính phủ phải rà soát, báo cáo lại QH danh mục các loại phí, lệ phí. Thông qua đó, QH có thể giám sát “còn nếu cứ giao khoán cho Chính phủ không kiểm tra chặt chẽ sẽ dễ lặp lại tình trạng phí chồng phí, đẻ thêm phí như thời gian qua”.
Liên quan đến bức xúc trong thu phí BOT, BT thời gian qua, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, rất nhiều tuyến đường trước đây được nhà nước xây dựng bằng tiền ngân sách, tiền thuế của người dân. Tuy nhiên, sau khi các nhà đầu tư vào theo hình thức BOT, BT cải tạo, nâng cấp “chỉ rải có một lớp nhựa” trên nền đường cũ nhưng thu phí quá cao. “Đó là lý do nhiều người dân phàn nàn, bức xúc. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ĐB Sơn đề nghị.
Mở cửa thông tin cho người dân
Chiều 11.11, QH nghe báo cáo về dự thảo luật Tiếp cận thông tin. Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, dự luật lần này đã cơ bản xây dựng được những quy định nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Từ quy trình, thủ tục, cách thức cung cấp cũng như việc xử lý trách nhiệm…
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy, đa số các ý kiến đều tán thành ban hành để cụ thể hoá quy định Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nâng cao tính minh bạch của chính sách, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như giám sát hoạt động của công chức.
Về chủ thể có quyền tiếp cận thông tin dự thảo quy định là công dân, người nước ngoài cư trú hợp pháp, Uỷ ban Pháp luật nhất trí vì quy định này phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013. Đối với chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là các cơ quan nhà nước, theo Uỷ ban Pháp luật đây là cơ quan chủ yếu tạo ra thông tin liên quan tới đời sống, kinh tế – xã hội là phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mở rộng chủ thể như tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, các doanh nghiệp nhà nước. Bởi trên thực tế nhiều tổ chức được giao thực hiện chính sách, chương trình dự án lớn… liên quan đến ngân sách, tài sản nhà nước và tài sản công dân, thông tin này cũng cần được công khai, minh bạch.
|