30/11/2024

Cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam: Trình độ cao đẳng là gì?

Luật giáo dục nghề nghiệp đã có sự thống nhất các trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề và CĐ theo tinh thần của nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

 

Cải cách toàn diện giáo dục Việt Nam: Trình độ cao đẳng là gì?

 

Luật giáo dục nghề nghiệp đã có sự thống nhất các trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề và CĐ theo tinh thần của nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.




Tuyển sinh đầu vào luôn là nỗi lo của các trường CĐ nghề. Trong ảnh: một tiết thực hành của SV ngành điều dưỡng Trường CĐ Bách Việt TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Tuyển sinh đầu vào luôn là nỗi lo của các trường CĐ nghề. Trong ảnh: một tiết thực hành của SV ngành điều dưỡng Trường CĐ Bách Việt TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

Trình độ CĐ chính thức được quy định tại Luật giáo dục 1998. Tuy nhiên, trình độ CĐ là gì thì chủ yếu được quy định qua mục tiêu đào tạo, vừa khó tường minh lại rất khó phân biệt được các trình độ.

Lãng phí về thời gian

Ở ta, chương trình đào tạo CĐ kéo dài đến ba năm sau khi tốt nghiệp THPT đã gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội. Ra trường muộn hơn so với các quốc gia khác (ở nhiều nước, sau ba năm từ khi tốt nghiệp THPT người học đã có bằng cử nhân!), chi phí nhân lực – đội ngũ thầy cô giáo, chi phí cơ sở vật chất, rồi cả việc chiếm chỗ học của hàng trăm nghìn người học mỗi năm…

Do điều kiện nguồn lực không đủ, đào tạo lâu, nên hầu hết các trường CĐ dạy nặng về lý thuyết và ít thực hành. Có thể xem chương trình CĐ là chương trình em của chương trình ĐH.

Điều đáng tiếc là khi thiết kế trình độ CĐ, người ta đã không tiếp cận từ phía thị trường lao động để xây dựng chương trình hợp lý.

Sự rối loạn hệ thống đào tạo CĐ càng tăng lên khi Luật dạy nghề 2006 đưa ra ba trình độ với dạy nghề, CĐ nghề là một trình độ trong đó. Hệ thống giáo dục nhiễu loạn khi xuất hiện một bên là CĐ nghề, một bên là CĐ “không nghề”, trong khi thị trường nhân lực thực chất chỉ cần một loại trình độ. Điều đó gây ra những vấn đề về tính thống nhất, tính hệ thống, liên thông và phân luồng!

Xu hướng đào tạo của thế giới chuyển từ hình chóp sang hình trống

Đồ họa: Quang Minh
Đồ hoạ: Quang Minh

Bỏ qua nhu cầu thị trường lao động

Hiện tại, có thể kể ra hàng trăm ngành nghề mà người lao động tốt nghiệp trình độ CĐ hay TCCN được sử dụng gần như nhau, không phân biệt thật rõ ràng tại doanh nghiệp hay cơ sở sử dụng lao động. Sở dĩ có chuyện này là vì khi thiết kế trình độ CĐ, các nhà thiết kế đã áp đặt ý chí chủ quan, bỏ qua nhu cầu thị trường lao động.

Nói cách khác, chúng ta thiết kế trình độ theo quy trình ngược, giáo dục đẻ ra các trình độ và “ép buộc” nhà sử dụng lao động phải thừa nhận và dùng nó. Lẽ ra phải đi từ nhu cầu của thị trường lao động, để phân loại các nghề nghiệp, từ đó ứng với mỗi nghề nghiệp mà có sự đòi hỏi năng lực khác nhau; và tùy theo tính phức tạp của năng lực đòi hỏi mà chia ra các trình độ khác nhau.

Tóm lại, trong khi nhu cầu trình độ nhân lực ở thị trường lao động chỉ có một loại trình độ (như khung các trình độ quốc gia ở nhiều nước quy định), thì chúng ta có tới hai loại trình độ trong một cấp trình độ!

Để có bằng CĐ, hầu hết các quốc gia khác chỉ đào tạo hai năm, và nhấn mạnh tính thực hành ứng dụng của chương trình, gắn chặt với các chuẩn năng lực nghề. Cơ cấu nhân lực ở nhiều quốc gia phát triển là cơ cấu hình trống, tức tỉ lệ lao động trong độ tuổi có trình độ trung cấp (trung học và sau trung học) sẽ chiếm tỉ lệ khá lớn – từ 45% đến trên 50%, như của Hoa Kỳ chẳng hạn.

Để khắc phục việc mô tả các trình độ không rõ ràng, rất cần xây dựng và thực hiện khung trình độ quốc gia; ở đó mỗi trình độ được thể hiện yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng đó để có thể tự chủ với công việc của mình theo ngành nghề đào tạo.

5 lợi ích của việc hợp nhất CĐ nghề và CĐ

1. Khắc phục được yếu kém của mỗi trình độ CĐ. Một bên thì đào tạo quá hẹp, tập trung vào tay nghề (CĐ nghề), một bên quá tập trung vào lý luận do thiếu tiền đầu tư trang thiết bị dạy thực hành.

2. Đảm bảo được tính chuẩn hoá của trình độ. Để dễ hiểu đối với người sử dụng lao động, dễ hội nhập quốc tế về giáo dục và trao đổi lao động theo hướng đổi mới giáo dục (chuẩn hoá, hiện đại hoá…).

3. Xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực, và tập trung được nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường CĐ hiệu quả (tiết kiệm được nguồn lực đất đai vốn đang thiếu thốn, nguồn lực tài chính, và sức người không dàn trải ở cùng một địa bàn).

4. Điều chỉnh xu hướng của đa số thanh niên chỉ muốn theo học hệ CĐ. Thực tế cho thấy CĐ nghề không cần thi tuyển nhưng rất khó tuyển sinh, trong khi CĐ thi tuyển khá cạnh tranh. Điều này cho thấy xu hướng lựa chọn lệch của thanh niên hiện nay.

5. Thực hiện liên thông và phân luồng học sinh dễ dàng hơn, do tính chuẩn hoá của trình độ và chương trình 
đào tạo.

TS HOÀNG MINH TUẤN (HÀ NỘI)