Thời của… gốc rễ
Khi những cánh rừng ở miền đại ngàn đã dần vơi cạn thì từ các buôn làng đến trung tâm thành phố ở các tỉnh Tây nguyên đang điên đảo một mốt chơi mới: chơi gốc rễ.
Thời của… gốc rễ
Khi những cánh rừng ở miền đại ngàn đã dần vơi cạn thì từ các buôn làng đến trung tâm thành phố ở các tỉnh Tây nguyên đang điên đảo một mốt chơi mới: chơi gốc rễ.
Gốc rễ cây được gom từng cái mang về xưởng chế tác – Ảnh: Bá Dũng |
Câu chuyện “hết nạc vạc xương” đang đẩy những người dân ào ạt vào bìa rừng, xới tung nương rẫy để đưa gốc cành gỗ quý về các tiệm đục đẽo.
Ở tuyến đường dẫn vào Nhà máy thuỷ điện Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy một người đàn ông bê bết bùn đất từ bộ quần áo cho tới mặt.
Trên chiếc xe máy cũ mèm của người này buộc hai gốc cây nham nhở, chỉ lớn không hơn chiếc balô còn thum thủm vì dầm trong bùn.
“Gỗ gì đấy?” – tôi hỏi. Người đàn ông khựng chân rà chiếc phanh cho xe tấp bên đường rồi bảo: “Hương”. “Bao nhiêu?”.
“Hai trăm ngàn thôi” – người này đáp. Người này là anh Đinh Yeng, xã Ia Mơ Nông. Anh Yeng cho biết thấy nhiều người lùng mua gốc cây quá nên anh cũng rủ người làng vào núi đi đào gốc cây về bán đong gạo cho con.
“Đừng thấy gốc cây bán ở phố có giá mà nghĩ người dân đi đào về người ta sướng. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người ta chìa vai nhau nhích từng mét để đưa gốc cây từ suối ra đến đường đi. Không thể tưởng tượng được. Cơ cực là vậy nhưng phần lớn người dân khi bán gốc rễ đều chẳng được bao nhiêu, giá tại chỗ thì một nhưng ra đến tiệm được thổi lên hàng chục lần. Cơ cực vẫn thuộc về người dân đi đào |
Bà Trương Thị Hai |
Moi từng gốc
Những năm trước đi vào các ngôi làng ở Tây nguyên có thể dễ dàng chứng kiến cảnh người dân xẻ gốc cây làm củi đốt lửa. Gốc rễ vứt la liệt ở bìa rừng, nằm trơ trọi giữa nương rẫy nhưng chẳng ai ngó ngàng tới.
Ở nhiều nơi, khi thi công lòng hồ hoặc máy ủi đến san ủi làm đường, gốc rễ bị máy ủi trơ gốc, được gom lại chất thành đống rồi đơn vị thi công phải tẩm xăng châm lửa đốt để khỏi vướng víu.
Thời điểm ấy, rất nhiều tường rào bao quanh các gia đình được chất bằng… gốc cây. Mà toàn là gỗ hiếm như hương, cà te, cẩm lai vì các loại gỗ này cực kỳ bền, chịu mưa nắng.
Nhưng đó là câu chuyện của vài ba năm trước. Kể lại chuyện ấy nhiều người dân lẫn cán bộ đi cơ sở ở Krông Pa giọng tiếc rẻ: “Không ai biết bây giờ nó thế, nếu biết mà có giá như vậy thì hồi đó đào hầm rồi mang về chất cả kho, giờ moi lên bán gốc thô thôi cũng đủ mua nhà lầu, sắm xe hơi rồi”.
Nhiều người chơi gỗ ở huyện Krông Pa, Kon Chro… (tỉnh Gia Lai) cho biết thú chơi gốc rễ bắt đầu từ dăm năm trở lại đây. Khi đi vào các ngôi làng buôn bán, nhiều thương lái chứng kiến gốc rễ từ các loại gỗ như cẩm lai, hương, cà te… được vứt la liệt nên nhiều người xin về “chưng cho vui”.
Không ngờ các loại gỗ này khi được đánh sạch bùn, lột lớp vỏ bên ngoài bỗng nổi vân sáng bóng và đầy nghệ thuật. Nhiều người hỏi mua và câu chuyện săn lùng gốc rễ được bắt đầu.
Tại huyện Kon Chro, chúng tôi tìm đến các xưởng mỹ nghệ và nói cần mua một lượng lớn gốc rễ để về phục vụ xưởng tại TP Pleiku. Chủ các xưởng gỗ đều trả lời: muốn mua gốc gì, kích thước bao nhiêu, số lượng bao nhiêu cũng có thể cung cấp được.
Theo những người này, Kon Chro là xứ của các loài gỗ quý. Vài ba năm trước đây khắp các vùng rừng bị người dân đào xới để lùng tìm gỗ trắc, có thời điểm trắc được mua với giá hàng trăm ngàn mỗi ký nên tất cả gốc cành, râu ria miễn là bằng gỗ trắc đều có thể bán kiếm tiền.
Giờ đây trắc đã cạn nên người dân lại vào rừng, men suối đi tìm gốc hương, cẩm lai, cà te về nhập cho các xưởng mỹ nghệ.
Ở các huyện khác như Krông Pa, Chư Păh, thị xã An Khê… từ các ngôi làng vùng nông thôn tới thị trấn đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp các xưởng chế tác mỹ nghệ từ gốc rễ, thân cây.
Hầu hết chủ xưởng lẫn thợ đều là người từ các tỉnh vốn nổi tiếng về chế tác mỹ nghệ như Hải Dương, Hà Nam, Nam Định…
“Chợ” gốc rễ
Trước cơn sốt gốc rễ, nhiều người dân ở các ngôi làng đã dồn nhau vào rừng, lật tung nương rẫy, lần dò bờ sông, mò mẫm ở các khe suối để tìm gốc rễ về bán kiếm tiền.
Tại một quán tạp hóa ở xã Hà Tam (huyện Đắk Pơ), nhiều người dân chở gốc cây chất lặc lè trên xe máy về quán bán.
Chủ quán là người Kinh trước đây vốn chỉ buôn bán bánh kẹo, cá khô, thức ăn cho người dân trong các làng thì vài ba năm nay kiêm luôn cả việc mua gốc rễ rồi nhập sỉ cho các đầu nậu thu gom lớn ở thành phố.
“Cứ một tuần tôi lại nhập một lần gốc rễ, xe tải của người trên phố xuống tận nơi mua giá cào bằng, từ gốc lớn đến cành nhỏ đều gom hết. Làm cái này rất dễ kiếm tiền mà lại khỏe, khỏi phải suy nghĩ nhiều” – chủ quán này nói.
Không riêng gì ở các huyện mà tại trung tâm TP Pleiku, số xưởng chế tác mỹ nghệ từ gốc rễ cũng không thể đếm xuể. Cơn sốt gốc rễ cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho người dân.
Từ sáng sớm đến sẩm tối mỗi ngày có hàng chục chuyến xe công nông của người dân các ngôi làng chất đầy gốc rễ mới được đào lên ra các tuyến đường của thành phố để bán kiếm tiền.
Gỗ được bỏ nguyên trên xe đủ kích thước, hình dáng. Cả người mua và người bán thỏa sức mặc cả. Gốc cây có giá và được ưa chuộng nhất là cẩm lai, nhưng loại gỗ này giá cũng rất “chát”: gốc thô tuỳ hình dáng nặng khoảng 50kg giá không dưới 2 triệu đồng.
Gốc hương, tuỳ theo kích thước cũng được hét với giá tiền triệu. Người bán – đa số là người dân nghèo khổ Ja Rai, Ba Na ở các ngôi làng ven thành phố – cho biết để lấy được gốc rễ người dân phải tập trung từng nhóm, moi đất đào gốc hết sức cực nhọc.
“Để đưa được một gốc cây lên khỏi mặt đất nhóm chúng tôi phải tập trung đào cả buổi, gốc lớn và rễ ăn sâu thì phải đào hai ba ngày để hình dáng gốc giữ nguyên, khi bán mới có giá” – ông Ksor Hưng, người đi đào gốc rễ ở xã Gào (TP Pleiku), nói.
Theo ông Hưng, đào được gốc lên rồi nhưng để đưa ra được thành phố hoặc xưởng chế tác cũng không hề đơn giản. Nhiều nơi sông suối dốc thẳng đứng, người dân phải chìa vai nhau khiêng gốc từng bước một, cơ cực hết sức.
Bà Trương Thị Hai, người thu gom gốc cây ở huyện Chư Păh, nói với chúng tôi: “Đừng thấy gốc cây bán ở phố có giá mà nghĩ người dân đi đào về người ta sướng. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh người ta chìa vai nhau nhích từng mét để đưa gốc cây từ suối ra đến đường đi. Không thể tưởng tượng được.
Cơ cực là vậy nhưng phần lớn người dân khi bán gốc rễ đều chẳng được bao nhiêu, giá tại chỗ thì một nhưng ra đến tiệm được thổi lên hàng chục lần. Cơ cực vẫn thuộc về người dân đi đào”.
Gốc rễ… biến hình
Ở các xưởng mỹ nghệ, các cửa hàng chuyên bán đồ mỹ nghệ nhìn những gốc cây, tượng gỗ được chế tác và trưng bày không ai có thể hình dung từ những gốc cây sần sùi, chẳng ra hình dạng nào qua bàn tay đục đẽo từ các xưởng lại trở thành những món đồ đầy tính nghệ thuật. Anh Nguyễn Quang Hưng – chủ tiệm mỹ nghệ ở đường Lý Thái Tổ (TP Pleiku), vốn là một thợ đục mỹ nghệ ở tỉnh Hải Dương – cho biết khi nghe nhiều người ở quê gọi vào Tây nguyên làm ăn, anh cũng kéo theo hai người em trai vào. Đục đẽo là nghề cổ truyền của làng nên khi vào đến nơi, anh xuống làng gom gốc cây về soạn đục rồi bán cho khách. Đến nay khách đến cơ sở của anh đặt hàng liên tục, gốc rễ được đưa về tận nơi đục theo ý của khách. Anh Hưng đang tỉ mẩn đục đẽo một bức tranh trên tấm gỗ cho khách thì một người đàn ông đánh xe tải chở tới và yêu cầu đục một chiếc ghế gia chủ. Anh Hưng kêu thợ nhảy lên xe săm soi gốc cây, nhìn “thế” (hình dáng) gốc rồi nói: “Ghế gia chủ phía trên vai chạm đào hay tứ linh?”. Vị khách nói rằng muốn chạm tứ linh, để khi ngồi xuống bộ ghế sao cho thật… hoành tráng, bệ vệ thì anh Hưng búng ngón tay: “Ok. Chạm tứ linh thì số 1 rồi. Nhưng giá hơi chát. Ghế này em lấy giá 15 triệu”. Hai tuần sau, chúng tôi tới tiệm để ghé chơi thì không thể tưởng tượng được gốc cây lua tua ngày nào đã biến thành một chiếc ghế bệ vệ, phía trên chạm đủ thứ hình dạng của bộ tranh tứ linh long – lân – quy – phụng. Từ gốc hương vứt chỏng chơ ở bìa rẫy, ít giá trị bỗng biến thành món đồ hàng chục triệu đồng. |
Đã cấm từ lâu Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo cấm việc khai thác, đào bới, vận chuyển, tiêu thụ gốc rễ và các sản phẩm lâm sản phụ có nguồn gốc từ rừng nhằm hạn chế nạn phá rừng, thất thoát tài nguyên. “Thực tế là đã cấm từ lâu rồi nhưng hiện nay thú chơi đồ mỹ nghệ đang khá thịnh hành, nhiều cơ sở chế tác mọc lên trong khi ở nhiều nơi người dân vẫn vào rừng khai thác, đào bới gốc rễ về bán. Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều nhưng nói thật là không kiểm soát hết” – vị lãnh đạo này nói. |