01/01/2025

ĐTC: Giáo hội được mời gọi phục vụ chứ không phải được phục vụ

VATICAN – Giáo hội được mời gọi để phục vụ, chứ không phải là một tổ chức liên quan đến tài chính. Các giám mục và linh mục cần vượt thắng cám dỗ của ‘một đời sống hai mặt’, vì quá gắn bó với tiền của. Quả thật, có nhiều linh mục và giám mục thay vì phục vụ, họ lại biến mình trở thành những ‘doanh nhân’ và ‘ủ ấm’ đời mình với tiện nghi, vật chất trong sự lập lờ, thiếu trong sáng. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ sáng hôm nay, 06.10, tại Nhà nguyện Thánh Marta.

ĐTC: Giáo hội được mời gọi phục vụ chứ không phải được phục vụ
 
VATICAN – Giáo hội được mời gọi để phục vụ, chứ không phải là một tổ chức liên quan đến tài chính. Các giám mục và linh mục cần vượt thắng cám dỗ của ‘một đời sống hai mặt’, vì quá gắn bó với tiền của. Quả thật, có nhiều linh mục và giám mục thay vì phục vụ, họ lại biến mình trở thành những ‘doanh nhân’ và ‘ủ ấm’ đời mình với tiện nghi, vật chất trong sự lập lờ, thiếu trong sáng. Đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ sáng hôm nay, 06.10, tại Nhà nguyện Thánh Marta.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói: “Phụng vụ ngày hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về hai hình ảnh phục vụ. Trong bài trích thư Roma, ta thấy xuất hiện hình ảnh của thánh Phaolô, một người hăng say rao giảng Tin Mừng. Thánh Phaolô nói: ‘Như anh em biết, chính nhờ ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô và để chu toàn nhiệm vụ tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.’ Thánh Phaolô đã thực hiện ơn gọi này cách hết sức nghiêm túc. Ngài dành trọn cả con người mình cho việc phục vụ. Ngài không bao giờ biết bằng lòng dừng lại nhưng cứ tiếp tục cố gắng phục vụ hơn nữa, hơn nữa và hơn nữa. Để rồi cuối cùng, ngay tại Roma, ngài đã bị một trong số những người thân tín phản bội và bị kết án tù đày, thậm chí là phải chết.

Nhưng từ đâu thánh Phaolô có được sự hăng say, nhiệt huyết và lòng can trường như thế? Điều đó đến từ Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã tuyên bố: ‘Tôi có quyền hãnh diện về việc phục vụ Thiên Chúa. Và vì ai mà tôi hãnh diện? Đó chính là nhờ Đức Giêsu Kitô. Thật thế, tôi đâu dám nhắc đến chuyện nào khác, ngoài những gì Đức Kitô đã dùng tôi mà thực hiện để đưa muôn dân về phục vụ Thiên Chúa, thực hiện bằng lời nói việc làm, bằng sức mạnh của những dấu lạ điềm thiêng, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần.’

Với thái độ xác tín này, thánh Phaolô đã đi loan báo Tin Mừng khắp nơi. Ngài tự hào về việc phục vụ, tự hào về việc mình được chọn, tự hào vì nhận lãnh được sức mạnh của Thánh Thần, tự hào vì được đi khắp cùng trái đất. Và điều khiến ngài vui sương hạnh phúc hơn, đó là: ngài chỉ có tham vọng loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Giêsu. Ngài không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Điều ấy có nghĩa là thánh Phaolô muốn đi đến nhưng nơi chưa được loan báo về Đức Kitô, muốn được phục vụ những người phục vụ, muốn trở thành người tiên phong xây dựng những nền móng. Bởi thế, ngài luôn luôn lên đường, đi mãi và đi mãi. Ngài không hề dựng lại để tận hượng hoa trái ở nhưng nơi ngài đã đi qua. Ngài cũng không ở lại đó để nắm quyền lực, để được phục vụ. Nhưng ngài là một thừa tác viên, một tôi tớ ra đi để phục vụ chứ không phải để được phục vụ.”

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và đánh động, vì trong thánh lễ hôm nay đã có những linh mục đến chào tôi và nói: ‘Đức Thánh Cha ơi, hôm nay con đến đây để tìm người của con, vì con đã đi truyền giáo ở Amazzon 40 năm trời nay rồi’. Niềm vui và xúc động cũng trào dâng trong tôi khi nghe một nữ tu nói: ‘Con đã làm việc suốt 30 năm trong một bệnh viện ở Châu Phi’; hay một nữ tu khác đã trải qua 40 năm làm việc trong một bệnh viện dành cho người khuyết tật, và vị nữ tu ấy luôn tươi nở nụ cười trên môi. Đây là lời mời gọi phục vụ và đây cũng là niềm vui trong Giáo Hội: hãy bước ra ngoài và lên đường phục vụ tha nhân, hãy đến với người khác và trao hiến thân mình cho họ. Điều mà thánh Phaolô đã làm là phục vụ và phục vụ.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha triển khai bài Tin Mừng: “Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói về người quản gia bất lương. Như thế, Đức Giêsu cho chúng ta thấy một hình ảnh khác: thay vì phục vụ lại bắt người khác phải phục vụ mình. Trong Tin Mừng, ta đọc thấy điều mà người quản gia bất lương đã làm. Với những mánh khóe và mưu mẹo, người quản gia ấy cố gắng làm mọi cách để giữ được vị trí chức vụ của mình, hay ít là khi bị thôi việc cũng có một đời sống được bảo đảm. Và trong Giáo hội cũng có những người như thế. Thay vì phục vụ, suy nghĩ đến tha nhân và đi tiên phong xây dựng nền móng; họ lại khiến Giáo hội phải phục vụ họ. Họ trở thành những người bám víu và gắn bó vào tiền của. Chúng ta đã thấy bao nhiêu linh lục hay Giám mục như thế. Và thật là buồn khi nhắc đến điều này đúng không anh chị em?

Đặc tính căn cốt của Tin Mừng và lời kêu gọi của Đức Giêsu Kitô là phục vụ: hãy phục vụ chứ đừng dừng lại; hãy biết quên mình đi để phục vụ tha nhân. Nhưng trái lại, phía bên kia là một tình trạng tiện nghi, yên ổn: tôi cố gắng để đạt tới một sự ổn định, rồi sống thoải mái trong tình trạng đó mà đôi khi thiếu đi sự liêm chính, trong sáng. Điều này giống như tình trạng của một số người Pharisêu mà Chúa Giêsu đã nói tới: Họ đeo những thẻ kinh thật dài và đi lại trên đường phố cốt để người khác trông thấy. Như vậy, có hai hình ảnh: hai hình ảnh Kitô hữu, hai hình ảnh linh mục, hai hình ảnh của người nữ tu. Ta sẽ chọn hình ảnh nào: phục vụ hay được phục vụ?

Nơi thánh Phaolô, chúng ta thấy hình bóng của Giáo Hội, một Giáo hội không bao giờ dừng lại nhưng luôn đi tiên phong để đặt nền móng. Nhưng nếu trong Giáo hội có những người chỉ biết chọn một đời sống yên ổn, tiện nghi; Giáo hội đang tự đóng mình lại, đang trở thành một tổ chức kiếm tiền kinh doanh. Khi ấy, Giáo hội sẽ không còn là thừa tác viên của Đức Kitô để phục vụ người khác nữa nhưng lại khiến người khác phải phục vụ mình.”

Bởi thế, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện: “Chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng như đã ban cho thánh Phao-lô. Đó là ơn biết hãnh diện về công việc phục vụ Thiên Chúa, biết lao mình về phía trước, biết nói không với những bến đỗ tiện nghi, thoải mái. Đồng thời, cũng xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ của một đời sống hai mặt: tôi có thể nhận thấy mình là một thừa tác viên của Chúa, một người phục vụ, nhưng thực ra người khác đang phải phục vụ tôi.” (SD 06-11-2015).


 

Vũ Đức Anh Phương