09/01/2025

Những đứa trẻ ‘thượng đẳng’ của Hitler

Câu chuyện của người phụ nữ tên Hildegard Trutz cung cấp thêm một góc nhìn về nỗ lực tạo dòng giống Aryan “thượng đẳng” của Đức Quốc xã.

 

Những đứa trẻ ‘thượng đẳng’ của Hitler

 

 

Câu chuyện của người phụ nữ tên Hildegard Trutz cung cấp thêm một góc nhìn về nỗ lực tạo dòng giống Aryan “thượng đẳng” của Đức Quốc xã.


 


Những đứa bé của chương trình Lebensborn - Ảnh: Historyextra.comNhững đứa bé của chương trình Lebensborn – Ảnh: Historyextra.com
Cuộc đời của Trutz là một trong hàng chục câu chuyện lịch sử được đề cập trong cuốn sách mới nhất của sử gia kiêm văn sĩ Anh Giles Milton có tựa đề Fascinating Footnotes From History (tạm dịch Những chú dẫn mê hoặc từ lịch sử). Đây cũng là câu chuyện mà tác giả xếp vào loại lạ lẫm nhất trong lịch sử thế giới, theo BBC History Magazine.
Chương trình Lebensborn
Theo mô tả của tác giả, Hildegard Trutz là người ủng hộ trung thành của Đức Quốc xã kể từ khi nhà độc tài Adolf Hitler lên cầm quyền. Cô gia nhập Bund Deutscher Mädel (BDM – Liên đoàn Thanh nữ Đức, thuộc Đoàn Thanh niên Hitler) vào năm 1933 và rất thích tham gia các cuộc họp hằng tuần của tổ chức này. “Tôi phát cuồng với Hitler và nước Đức mới của chúng tôi. Tôi hiểu những người trẻ như chúng tôi có giá trị lớn lao như thế nào đối với nước Đức”, Trutz sau này thừa nhận.
Trutz nhanh chóng trở thành nhân vật chủ chốt trong tổ chức địa phương của mình, một phần nhờ mái tóc hoe và đôi mắt xanh kiểu Đức. “Tôi được giới thiệu như một ví dụ hoàn hảo về người phụ nữ Bắc Âu, vì ngoài chân và thân dài, tôi có hông rộng và xương chậu được tạo ra để sinh con”, Trutz nói.
Năm 1936, 18 tuổi, Trutz hoàn tất chuyện học hành và bối rối với việc phải làm gì tiếp theo. Cô trò chuyện với một thủ lĩnh BDM, và người này đã đưa ra đề nghị làm thay đổi cuộc đời Trutz vĩnh viễn. “Nếu bạn không biết phải làm gì, tại sao không sinh cho Quốc trưởng một đứa con? Điều nước Đức cần hơn bất cứ thứ gì khác là dòng giống có giá trị về chủng tộc”, người đó nói.
Trutz không hề biết về một chương trình do nhà nước bảo trợ có tên gọi Lebensborn (Mùa xuân của cuộc sống). Mục đích của chương trình này là thúc đẩy tỷ lệ sinh những đứa trẻ thuộc chủng tộc Aryan tóc hoe, mắt xanh bằng cách lai giống. Những phụ nữ “thanh khiết” về chủng tộc được chọn ngủ với các sĩ quan SS với hy vọng họ sẽ đậu thai.
Thủ lĩnh BDM đã giải thích chính xác cho Trutz về cách chương trình Lebensborn vận hành. Cô sẽ phải kinh qua một loạt xét nghiệm y khoa, cùng một cuộc điều tra thấu đáo về lịch sử bản thân. Điều quan trọng là cô không có dòng máu Do Thái. Khi đã vượt qua khâu này, cô sẽ được chọn “đối tác lai giống” từ một nhóm sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang SS.
Trutz lắng nghe với sự hăng hái tăng dần. “Điều đó nghe thật tuyệt vời”, Trutz sau này thừa nhận, và cô đã đăng ký ngay lập tức. Lo ngại cha mẹ không đồng tình, cô nói với họ rằng cô theo một khóa học về cư trú trong chủ nghĩa quốc xã.
Lâu đài tình ái
Trutz sau đó được đưa đến một lâu đài cổ ở Bavaria, gần Tegernsee, thuộc bang Bayern hiện tại. Ở đó có 40 cô gái, tất cả đều sống với những cái tên giả. “Tất cả những thứ bạn cần để được chấp nhận tại đó là sự chứng nhận tổ tiên thuộc chủng tộc Aryan ít nhất đến đời ông cố”.
Bản thân lâu đài là đỉnh cao của sự sang trọng. Có những phòng chung dành cho hoạt động thể thao và chơi trò chơi, một thư viện, một phòng nghe nhạc và thậm chí là một rạp hát. Theo Trutz: “Thực phẩm ở đó thuộc loại ngon nhất mà tôi từng ăn, chúng tôi không phải làm việc và có rất nhiều người hầu”. Trutz thừa nhận mình là người đam mê lạc thú, lười biếng và nhanh chóng hưởng thụ cuộc sống trong lâu đài.
Toàn bộ nơi này thuộc quyền cai quản của một giáo sư, một bác sĩ SS cấp cao, người đã kiểm tra từng cô gái ngay khi được đưa đến đó. “Chúng tôi phải làm một bản khai theo quy định rằng không có bất kỳ trường hợp mắc bệnh di truyền, chứng nghiện rượu hay đần độn trong gia đình mình”, Trutz nói. Giáo sư SS còn khuyến cáo các cô gái rằng họ sẽ phải ký vào một văn bản từ bỏ mọi quyền đối với những đứa con mà họ sinh ra, do chúng sẽ là tài sản nhà nước. Chúng được dạy dỗ trong những học viện đặc biệt vốn sẽ làm cho chúng thấm nhuần một sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng phát xít.
Sau khi được tiếp nhận, Trutz và các cô gái khác được giới thiệu cho những đàn ông SS vốn sẽ là “đối tác lai giống”. Họ làm quen với nhau, cùng nhau tham gia các trò chơi, xem phim và giao lưu với nhau vào những buổi chiều tối trong lâu đài. “Chúng tôi được cho thời gian 1 tuần để chọn người đàn ông mình thích và phải đảm bảo tóc và mắt của các đối tác phải phù hợp với chúng tôi”, Trutz nói. Các cô gái không được biết tên của những người đàn ông, do nặc danh là nguyên tắc chính yếu của chương trình Lebensborn. Trutz đặc biệt ấn tượng với “dáng vẻ tuyệt vời” của đối tác mà cô chọn, dù cô nghĩ rằng anh ta có chút ngớ ngẩn. Tay sĩ quan này ngủ với Trutz 3 đêm trong tuần đầu tiên đó. Những đêm khác, anh ta ngủ với các cô gái khác trong lâu đài.
Trutz đậu thai gần như ngay lập tức và được chuyển đến một nhà hộ sinh trong 9 tháng kế tiếp. Bà mẹ này cai sữa cho con trai của mình trong 2 tuần và rồi cậu bé bị tách khỏi mẹ, được đưa đến một ngôi nhà đặc biệt của SS, tại đó cậu bé được nuôi nấng và dạy dỗ để trở thành người phục vụ trung thành cho Đức Quốc xã. Trutz không bao giờ được nhìn thấy lại con mình cũng như cha của nó.
Trong những năm sau đó Trutz bị thúc giục sinh thêm con, nhưng cô cuối cùng phải lòng một sĩ quan trẻ và họ kết hôn với nhau. Khi nói về sự tham gia của mình vào chương trình Lebensborn, Trutz “khá ngạc nhiên khi thấy anh ta không vui về điều đó”. Nhưng anh ta không chỉ trích vợ mình “vì biết rằng tôi đang làm nhiệm vụ cho Quốc trưởng”. Sử gia Milton không tiết lộ tiếp phần đời sau này của Trutz mà chỉ nói rằng bà không bao giờ biết điều xảy đến với con mình và số phận sau cùng của nó vẫn là một bí ẩn.
Theo báo Der Spiegel, chương trình Lebensborn do thủ lĩnh SS Heinrich Himmler đề ra vào năm 1935. Hàng chục cơ sở phục vụ chương trình này đã được lập ra tại Đức, Áo, Na Uy, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg. Sử gia Milton ước tính khoảng 20.000 đứa trẻ đã được sinh ra trong 12 năm của Đệ tam đế chế, chủ yếu tại Đức và Na Uy. Nhiều người được nhận nuôi sau chiến tranh, và hồ sơ khai sinh của họ đã bị huỷ bỏ khi đó. Đến tận ngày nay, đa số những người này không hề biết được sự thật khủng khiếp về quá trình mang thai và sinh ra họ.

 

Trùng Quang