16/01/2025

Chứng tỏ niềm tin qua hành động bác ái

Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh của hai goá phụ được xem như mẫu mực đức tin. Phụng vụ trình bày hai goá phụ song song với nhau: một người trong sách Các Vua I (17,10-16) và người kia trong Phúc Âm theo Thánh Maccô (12,41-44). Hai người đàn bà này rất nghèo khổ, và chính trong điều kiện này họ đã chứng tỏ một niềm tin vĩ đại vào Thiên Chúa.

 Chứng tỏ niềm tin qua hành động bác ái

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật XXXII TN, 11/10/2012

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta hình ảnh của hai goá phụ được xem như mẫu mực đức tin. Phụng vụ trình bày hai goá phụ song song với nhau: một người trong sách Các Vua I (17,10-16) và người kia trong Phúc Âm theo Thánh Maccô (12,41-44). Hai người đàn bà này rất nghèo khổ, và chính trong điều kiện này họ đã chứng tỏ một niềm tin vĩ đại vào Thiên Chúa. Người đàn bà đầu tiên xuất hiện trong một loạt các truyện kể về Tiên tri Êlia. Trong thời gian xảy ra trận đói, Tiên tri Êlia nhận lệnh Chúa truyền đi đến một vùng đất dân ngoại, gần Siđon, ngoài lãnh thổ Israel. Tại đây, vị Tiên tri gặp một bà goá, và xin bà nước uống và một cái bánh nhỏ. Người đàn bà trả lời bà chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu ôliu, nhưng bởi vì Tiên tri nài nỉ và hứa với bà rằng, nếu bà nghe lời Tiên tri, thì bột và dầu sẽ không thiếu; bà đã nghe lời và đã được thưởng công.

Bà goá thứ hai trong Phúc Âm được Đức Giêsu nhận xét trong Đền thờ, gần hòm tiền nơi mọi người bỏ tiền cúng quả. Đức Giêsu thấy người đàn bà này bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ; Người gọi các môn đệ lại và cắt nghĩa cho họ biết tiền dâng cúng của bà lớn hơn tiền dâng cúng của những người giàu có, bởi vì bà đã bỏ vào đó “tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,44), trong khi đó, những người giàu có chỉ cho tiền dư bạc thừa của mình.

Từ hai giai thoại Kinh Thánh này, được đặt sát nhau một cách hết sức tài tình, người ta có thể rút ra một bài học quý giá về đức tin. Đức tin được xem như thái độ nội tâm của người đặt đời mình vào Thiên Chúa, vào Lời của Ngài, và hoàn toàn tín thác vào Ngài. Trong thời Thượng Cổ, tình trạng goá bụa tự bản tính được xem là một tình trạng quẫn bách. Chính vì thế, trong Kinh Thánh, các goá phụ và côi nhi là những người được Thiên Chúa chăm sóc cách đặc biệt: họ đã mất đi mọi hỗ trợ trần thế, nhưng Thiên Chúa lại là vị Hôn Phu, là Cha Mẹ của họ.

Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng tình trạng cấp thiết khách quan, và trong trường hợp này là tình trạng goá bụa thì chưa đủ: Thiên Chúa luôn yêu cầu chúng ta tự do chấp nhận đức tin được biểu lộ trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Không ai quá nghèo đến độ không có gì để cho. Và quả thật, hai goá phụ mà chúng ta nói đến hôm nay đã chứng tỏ đức tin của mình khi thực hiện một cử chỉ bác ái: một người đối với vị Tiên tri, còn người kia dâng tiền cúng. Như thế, họ chứng thực sự kết hợp bất khả phân ly giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân, như Tin Mừng Chúa Nhật vừa qua đã nhắc lại cho chúng ta. Đức Giáo hoàng Lêon Cả mà chúng ta đã mừng nhớ ngày hôm qua, đã từng khẳng định điều này: “Trên bàn cân công lý của Chúa, người ta không cân số lượng của lễ dâng mà cân trọng lượng của các tâm hồn. Bà goá trong Tin Mừng bỏ vào hòm tiền của Đền thờ hai đồng xu nhỏ, và khi làm thế, đã vượt xa của dâng cúng của mọi người giàu. Không một cử chỉ tốt lành nào mà lại không có ý nghĩa trước mặt Thiên Chúa, không một hành động nhân thứ nào mà lại không sinh hoa kết trái” (Sermo de jejunio dec. mens.,90,3).

Đức Trinh Nữ Maria là tấm gương tuyệt hảo của con người dâng hiến hoàn toàn bản thân mình và tín thác vào Thiên Chúa; với niềm tin này, Mẹ đã nói với Sứ thần tiếng “Này tôi đây”, và Mẹ đã đón nhận Thánh ý Thiên Chúa. Ước gì Đức Maria giúp mỗi người trong chúng ta, trong Năm Đức Tin này, củng cổ niềm tin của mình vào Thiên Chúa và vào Lời của Ngài.