10/01/2025

Những nghiên cứu “trời ơi”

Cuối tuần qua, cuộc họp của hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội đã kết luận nghiên cứu thực hiện trên 20 bệnh nhân về tác dụng giảm mỡ máu của máy lọc nước hiệu K. là không có giá trị về khoa học.

 

Những nghiên cứu “trời ơi”

 

Cuối tuần qua, cuộc họp của hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội đã kết luận nghiên cứu thực hiện trên 20 bệnh nhân về tác dụng giảm mỡ máu của máy lọc nước hiệu K. là không có giá trị về khoa học.




Minh họa LapThực tế còn không ít nghiên cứu tương tự như vậy đã và đang được thực hiện tại các cơ sở y tế, viện nghiên cứu cho mục tiêu quảng bá sản phẩm, dù rất là “trời ơi” với cỡ mẫu rất nhỏ, thời gian nghiên cứu ngắn ngủi, không hoặc ít có giá trị khoa học, chủ yếu để “hớp hồn” người tiêu dùng.

 

Những nghiên cứu trên 20 – 30 bệnh nhân thì không có ý nghĩa về khoa học

Bà TRẦN THỊ THANH HOÁ (phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư)

Truyền hình tiếp sức cho nghiên cứu “trời ơi”

Trước nghiên cứu trên 20 bệnh nhân (đang dùng thuốc và được điều trị) về tác dụng giảm mỡ máu của máy lọc nước, thị trường thuốc điều trị ung thư từng có phen xôn xao khi chỉ sau một bản tin trên truyền hình vào giờ đẹp, một loại thuốc đã tăng giá 30% và ngay lập tức khan hàng.

Ban đầu, sản phẩm này được các nhà nghiên cứu của ĐH Dược Hà Nội phát triển, được nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân tại Bệnh viện K và Bệnh viện V. (Hà Nội), trong đó nghiên cứu tại Bệnh viện K trên 74 bệnh nhân, tại Bệnh viện V. 24 bệnh nhân.

Một thành viên nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện K đánh giá không có khác biệt giữa nhóm không và có sử dụng sản phẩm hỗ trợ ung thư này, tác dụng tăng cường miễn dịch của sản phẩm cũng còn gây tranh cãi và cần đánh giá thêm.

Tuy nhiên, hầu như bệnh nhân ung thư nào cũng mong muốn kéo dài cuộc sống, nên những thông tin rò rỉ về các nghiên cứu này một cách có chủ ý, khiến giá thuốc tăng gấp 4 lần chỉ trong vài tháng, và sau bản tin trên truyền hình thì tăng tiếp 30% chỉ trong vài ngày và cháy hàng.

Khi đánh giá lại các nghiên cứu liên quan đến sản phẩm này, một chuyên gia y khoa thừa nhận: “Một trong ba nghiên cứu lâm sàng sản phẩm này không có nhóm chứng (để đánh giá sự khác biệt giữa nhóm có và không dùng sản phẩm), các kết quả nghiên cứu trình bày khác nhau và không theo đúng quy trình khoa học…”.

Tuy nhiên, nghiên cứu bị sử dụng để quảng cáo thái quá đến những người bệnh ung thư luôn mang tâm lý có bệnh thì vái tứ phương.

Nhưng những nghiên cứu tương tự như vậy đã và đang được tiến hành. Một bệnh viện ở Hà Nội đã triển khai nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường cho 60 bệnh nhân, trong đó có 30 bệnh nhân sử dụng sản phẩm và 30 bệnh nhân là nhóm chứng, sau một năm kết luận sản phẩm có hiệu quả, người dùng sản phẩm có thể giảm liều tân dược mức độ vừa và nhẹ.

Bệnh viện P. đầu ngành về sản phụ khoa đã chủ trì tới mấy “nghiên cứu” về tác dụng hỗ trợ suy giảm nội tiết tố, khô âm đạo ở phụ nữ của mấy loại thực phẩm chức năng.

Điểm chung của các nghiên cứu này là số lượng bệnh nhân tham gia nghiên cứu rất nhỏ, chủ yếu từ 60 bệnh nhân trở xuống, sau 3 – 6 tháng sử dụng tới trên 90% bệnh nhân hài lòng về sản phẩm…

Các kết quả này đều được quảng bá bằng nhiều kênh đến người tiêu dùng, như một bảo chứng về khoa học cho sản phẩm.

Không tùy tiện quảng bá

Theo bà Trần Thị Thanh Hoá, phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư, thông thường cỡ mẫu nghiên cứu càng lớn thì tính chính xác càng cao, những bệnh hiếm gặp có thể chấp nhận 50 – 60 bệnh nhân tham gia, nhưng bệnh thông thường thì phải hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham gia thì kết quả mới giá trị.

Cũng theo bà Hoá, bà cũng nhận được nhiều đề nghị tham gia nghiên cứu lâm sàng, nhưng bà không nhận những nghiên cứu dự định chỉ thực hiện trên 20 – 30 bệnh nhân.

“Những nghiên cứu trên 20 – 30 bệnh nhân thì không có ý nghĩa về khoa học”- bà Hóa đánh giá.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học – công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, quy định hiện hành là thông tư 36 và thông tư 03 thì những nghiên cứu muốn quảng bá sau khi hoàn thành phải xin phép Bộ Y tế, Bộ Y tế chưa phân cấp hoạt động này.

Còn lại nếu không xin phép thì nghiên cứu chỉ được sử dụng trong phạm vi bệnh viện, viện.

“Quy định này được áp dụng từ năm 2011 đến nay, đa số cơ sở y tế cũng nắm được quy chế, nhưng cũng có những nghiên cứu tự phát. Những nghiên cứu chỉ thực hiện trên 20 bệnh nhân là quá ít ỏi, chưa đủ cỡ mẫu để thống kê”- ông Quang nhận xét.

Cũng theo ông Quang, “đến nay chưa có “nghiên cứu” nào bị xử phạt vì vi phạm nghiên cứu, quảng cáo không xin phép”.

Dù đòi hỏi các bệnh viện phải nghiêm túc hơn trong các nghiên cứu khoa học, nhưng thanh tra Bộ Y tế cũng cần mạnh tay hơn trong xử lý các nghiên cứu trời ơi như thế này, để tránh sai lầm làm mất uy tín của giới thầy thuốc, người bệnh thì mất thêm tiền mà chưa chắc đã khoẻ hơn.