01/01/2025

ĐTC: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng

ROMA – “Con đường nên thánh là một con đường vui tươi, hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và ai theo Ngài sẽ được tiến vào sự sống trường sinh.” Chiều Chúa Nhật, ngày 01.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trọng thể mừng kính các thánh nam nữ tại Nghĩa trang Verano, Roma.

ĐTC: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng
 

ĐTC giảng trong Thánh lễ tại Nghĩa trang Verano, chiều ngày 01-11-2015 – ANSA

ROMA – “Con đường nên thánh là một con đường vui tươi, hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và ai theo Ngài sẽ được tiến vào sự sống trường sinh.” Chiều Chúa Nhật, ngày 01.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ trọng thể mừng kính các thánh nam nữ tại Nghĩa trang Verano, Roma. Giữa sự hiện diện đông đảo của các tín hữu, có Quận trưởng Francesco Paolo Tronca, tân Uỷ Viên Hội đồng Roma. Đức Thánh Cha đã đặt đoá bạch hồng trên mộ phần một gia đình như dấu chỉ cho lòng kính nhớ những người đã khuất trong Giáo phận.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ:

“Anh chị em thân mến,

Trong Bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và đám đông dân chúng đang tụ họp trên núi bên bờ hồ Galilê. Và ngày hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho mỗi người chúng ta con đường để đạt được hạnh phúc thật sự, con đường dẫn về Thiên Quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một hành trình lội ngược dòng. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng ai tiến bước trên con đường ấy sẽ hạnh phúc, hay sớm muộn gì cũng được hạnh phúc.

‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.’ Có lẽ, chúng ta tự hỏi rằng một người có tâm hồn nghèo khó, gia tài duy nhất là Nước Trời, mà lại có phúc là như thế nào. Câu trả lời có thể là: Khi một người có trái tim trong sạch và tự do khỏi những ràng buộc thế trần, người ấy không còn ‘xa’ Nước Trời nữa.

‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.’ Một người sầu khổ làm sao lại có phúc được? Quả thực, nếu một người chưa bao giờ cảm thấy buồn khổ, dằn vặt, đau đớn sẽ chẳng biết được sức mạnh của sự ủi an. Do đó, người hạnh phúc là người có khả năng cảm thương, có khả năng lắng nghe bằng cả con tim tiếng gào thét khổ đau trong cuộc sống của chính mình cũng như của nhân loại. Họ sẽ là những người hạnh phúc, vì đôi tay êm ái và hiền từ của Thiên Chúa sẽ vỗ về an ủi họ.

‘Phúc thay ai hiền lành.’ Các thánh không giống chúng ta, vì rất nhiều lần chúng ta đã mất kiên nhẫn, nóng nảy và luôn sẵn sàng mở miệng kêu than trách móc. Với người khác, chúng ta hay càm ràm, chỉ trích. Nhưng khi người ta hơi đụng chạm tới chúng ta một chút, ta liền xửng cổ lên chửi bới như thể chúng ta chúa tể trên đời này. Trong khi thực tế, mọi người ngang bằng nhau vì đều là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng nghĩ tới những bậc cha mẹ, những người rất mực kiên nhẫn với con cái mình mà đôi khi những người làm con lại khiến cha mẹ phải ‘điên tiết’. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối của sự hiền lành và nhẫn nại. Và Đức Giêsu đã chọn con đường ấy. Ngay khi còn thơ ấu, Ngài đã chịu cảnh bắt bớ và lưu lạc nơi đất khách quê người. Khi trưởng thành, Ngài lại bị vu khống, cáo gian, bị cài bẫy trước tòa án. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả với sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã chấp nhận và chịu đựng, ngay cả sẵn sàng vác lấy thánh giá chỉ vì yêu thương chúng ta quá đỗi.

‘Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.’ Đúng vậy, những ai đang khao khát sự công chính không chỉ cho người khác mà trước hết cho chính bản thân mình, sẽ được thỏa lòng; vì họ đã sẵn sàng để đón nhận một sự công chính lớn lao hơn, cao cả hơn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng được.

Tiếp đến, ‘phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.’ Phúc thay những người biết thứ tha, có lòng xót thương người khác và chẳng hề phán xét ai hay điều gì bao giờ, nhưng lại cố gắng để đặt mình vào trong hoàn cảnh của tha nhân. Tha thứ là điều mà tất cả chúng ta đều cần, chẳng trừ một ai. Chính vì điều đó nên khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó không phải là một công thức thú tội để đọc cho xong nhưng là một hành động ăn năn đích thực: ‘Xin Chúa, thương xót chúng con.’ Và nếu chúng ta biết tha thứ cho người khác như chúng ta đã được thứ tha, chúng ta sẽ là những người được chúc phúc: ‘Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’

‘Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta thử quan sát gương mặt của những người chỉ biết đi khắp nơi để gieo rắc cỏ lùng, là những điều xấu xa, tội lỗi; họ có hạnh phúc, có vui tươi hay không? Không, họ chẳng thể bình an hạnh phúc được. Trái lại, những người ngày ngày cố gắng chăm chỉ gieo trồng hoà bình, họ lại trở thành những người thợ kiến tạo bình an và hoà giải. Họ là những người được chúc phúc, vì họ thực sự là con của Cha trên trời, Đấng luôn gieo vãi bình an. Và quả thực, Ngài đã gieo vào trần gian chính Người Con Một như là hạt giống an bình cho nhân loại.

Anh chị em rất thân mến, Tám Mối Phúc là con đường nên thánh và cũng là con đường của niềm vui, hạnh phúc. Đức Giêsu đã chọn bước đi trên con đường ấy và chính Ngài cũng là Con Đường. Ai bước đi với Ngài và nhờ Ngài sẽ tiến vào sự sống, sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được đơn sơ, khiêm nhượng; ơn biết khóc thương, ơn được trở nên hiền lành, ơn biết lao tác xây dựng công lý và hoà bình, và trên hết, ơn được Thiên Chúa thứ tha ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những khí cụ để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Các thánh, những người đã đi trước chúng ta mà vào quê trời Thiên Quốc, đã sống và làm như thế. Nhưng các ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương thế trần và không ngừng khuyến khích chúng ta biết lao mình về phía trước. Nhờ lời bầu cử của các thánh, xin Chúa giúp chúng ta biết bước đi trên con đường của Đức Giêsu, và cũng nguyện cầu cho những anh chị em đã khuất của chúng ta nhận lãnh được niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời.”

 

Vũ Đức Anh Phương