06/01/2025

Đại biểu Quốc hội: Dân bức xúc, ai chịu?

** Không lấp sông Đồng Nai để làm đô thị Nhiều vấn đề kinh tế – xã hội yếu kém đang gây ra những bức xúc cho xã hội, nhưng việc xác định trách nhiệm vẫn chung chung, cuối cùng không ai có trách nhiệm gì.

 

Đại biểu Quốc hội: Dân bức xúc, ai chịu?

 

 

** Không lấp sông Đồng Nai để làm đô thị
Nhiều vấn đề kinh tế – xã hội yếu kém đang gây ra những bức xúc cho xã hội, nhưng việc xác định 
trách nhiệm vẫn chung chung, cuối cùng không ai có trách nhiệm gì.




Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) phát biểu tại nghị trường

Đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) phát biểu tại nghị trường – Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra và đề nghị làm rõ tại phiên thảo luận hôm qua (2.11) của QH về kinh tế – xã hội 2015 – 2016.
Đề nghị 4 bộ trưởng giải trình trách nhiệm
Câu chuyện trách nhiệm cá nhân lại một lần nữa được nêu ra tại nghị trường. Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng các hoạt động tái cơ cấu kinh tế đều chưa đạt nếu nhìn vào con số. Dẫn ví dụ chuyện cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong đó kế hoạch cổ phần hóa được đặt ra là trong hai năm 2014 – 2015 phải hoàn thành cổ phần hoá 432 DN nhưng đến nay còn khoảng 100 DN nữa chưa hoàn thành tiến độ.
“Trong các cuộc họp đầu năm, Thủ tướng yêu cầu, nếu đơn vị nào không thực hiện được đúng tiến độ sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Nhưng thời điểm này, chưa thấy thông tin là ai chịu trách nhiệm do chậm cổ phần hoá cả”, ông Kiên nêu.

 
 

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm trách nhiệm cá nhân vụ 8B Lê Trực

 
Ngày 2.11, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm ở công trình 8B Lê Trực tại P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội. Kết luận của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra sau cuộc họp ngày 26.10. “Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị”, kết luận của Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phải tổ chức thanh tra công vụ, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm kéo dài và nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị tại dự án 8B Lê Trực, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11.2015.

 
Lê Quân

 
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Xây dựng trả lời về vụ ngôi nhà số 8B Lê Trực (Hà Nội) xây trái phép, Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích rõ vụ Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đội vốn lên quá lớn, Bộ trưởng NN-PTNT và Bộ Y tế giải trình trách nhiệm về vụ 68 tấn chất tạo nạc, một loại chất cấm trong chăn nuôi vẫn được nhập vào VN.
Theo ĐB Đương, việc chống nhập khẩu, sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi phải được coi như đấu tranh với tội phạm ma tuý.
Tiếp ý kiến của ĐB Đương, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu việc VN xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp hoá nhưng lại chưa có chiến lược, chỉ tiêu nào cho từng ngành.
“Một nước công nghiệp hóa thì phải thể hiện được trình độ sản xuất ở một số ngành, sản phẩm nhất định nhưng đến nay còn chưa thấy mặt hàng của VN đáng là điển hình về công nghiệp. Tôi e là 5 năm nữa cũng rất khó đạt, thế thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?”, ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.
Ông nói thêm: “Theo tôi, QH cần giám sát và đánh giá công việc hằng năm dựa trên lá phiếu tín nhiệm. Hiện nay, có tình trạng khuynh đảo của các nhóm lợi ích, người làm chính sách, kết nối với các đại gia, thao túng ở một số lĩnh vực…”.
Khoảng trống trách nhiệm
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nói: “Một trong những yếu kém trong điều hành nhiệm kỳ này là chúng ta chưa thay thế kịp thời những cán bộ, công chức thiếu phẩm chất, năng lực… Chưa chỉ ra được người chịu trách nhiệm những yếu kém”.
ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) thể hiện băn khoăn trước hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo hệ số ICOR của VN còn cao. Bên cạnh các lý do được Bộ Kế hoạch – Đầu tư nêu ra như VN đang trong giai đoạn đầu tư mạnh hạ tầng, đầu tư cho xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ĐB Khoa cho rằng còn những nguyên nhân khác dẫn đến ICOR cao như thiệt hại do quy hoạch treo, không đồng bộ, quyết định đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát, lãng phí…
“Đề nghị Chính phủ có các biện pháp xử lý vấn đề này tránh tình trạng quy trách nhiệm chung chung không cụ thể, không rõ ai là người kiểm tra, xử lý, cuối cùng không ai có trách nhiệm gì”, ĐB Khoa nhấn mạnh.
ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) thẳng thắn cho rằng bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ thì nhiều vấn đề kinh tế – xã hội yếu kém đang gây ra những bức xúc cho xã hội. “Nền kinh tế với cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống của người nông dân vẫn luôn khốn khó, ngư dân mong có tàu lớn ra biển khơi một năm rưỡi rồi vẫn chưa xong tàu mẫu, môi trường sống ngày càng tồi tệ, chống tham nhũng cả chục năm vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự”, ông Nam nói.
Theo ĐB của tỉnh Thanh Hoá, những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan, nhưng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các bộ trưởng, những người đứng đầu các ngành, các địa phương, thậm chí là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. “Nhiệm kỳ này, chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử”, ông Lê Nam nói.
Loay hoay “tam nông”
Trong thảo luận, nhiều ĐBQH đã lên tiếng về những trì trệ trong cải cách, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu quan điểm: “Tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp rõ ràng quá chậm. Bộ trưởng Cao Đức Phát có nói hiện khoa học công nghệ đóng góp 30% trong GDP nông nghiệp nhưng hiện các nước, tỷ lệ này là 80% nên dễ hiểu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của VN 85% ở dạng thô, hiệu quả cạnh tranh yếu”.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải trình trách nhiệm chậm tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chậm đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón VN cho biết mỗi năm VN thiệt hại khoảng 2 tỉ USD do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. “Nhưng giải pháp đến nay vẫn không mấy hiệu quả, do cách xử lý chưa nghiêm minh”, ĐB Cương gay gắt.
Lấy ví dụ vụ sản xuất phân bón giả của Công ty TNHH Thuận Phong bị Ban Chỉ đạo 389/TW phát hiện mới đây, ông Cương cho rằng có nhiều vụ việc, địa phương “nương nhẹ”, chỉ đến khi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công an vào cuộc, địa phương mới chịu làm. “Chính những sự nương nhẹ, buông lỏng như vậy nên nạn phân bón giả vẫn còn hoành hành. Do đó, để chấm dứt tình trạng này, ngoài siết chặt quản lý, giảm số chủng loại phân bón, cần quyết liệt xử lý nạn làm phân bón giả”, ông Cương nhấn mạnh.
Ý kiến
TPP đang phả sức nóng vào gáy chúng ta
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang phả sức nóng vào gáy chúng ta. Đáng nói là việc hội nhập, đàm phán hàng loạt các hiệp định thương mại tự do vẫn chỉ như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của DN, người dân và phần lớn là bộ máy công chức. Một khảo sát gần đây cho biết có đến 76% DN không biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và 60% được hỏi cho rằng AEC không ảnh hưởng gì đến mình trong các DN được coi là đội quân tiên phong trong hội nhập.
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng)
Báo cáo rõ hành vi ngang ngược của Trung Quốc
Tình hình Biển Đông nguy hiểm khó lường và lòng dân chưa yên, nhưng báo cáo của Chính phủ khi đề cập đến tình hình quốc phòng an ninh chỉ nêu một câu rất ngắn gọn: “Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình ổn định và kết hợp tốt giữa bảo đảm an ninh với kết hợp phát triển kinh tế – xã hội”. Cử tri và nhân dân mong muốn, yêu cầu Chính phủ báo cáo xác thực hơn diễn biến phức tạp tình hình Biển Đông với những hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

 

Không lấp sông Đồng Nai để làm đô thị
Trả lời báo chí về dự án lấp sông Đồng Nai bên lề QH hôm qua (2.11), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết bộ này đã thành lập Hội đồng thẩm định lại và báo cáo đánh giá tác động của dự án sông Đồng Nai. Trước đó Uỷ ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường của QH đã có đoàn kiểm tra và yêu cầu Bộ TN-MT kiểm tra, đo đạc xác định mức độ ảnh hưởng của dự án đối với dòng chảy sông Đồng Nai. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết dự án được UBND tỉnh Đồng Nai duyệt trên cơ sở chỉ mới nghiên cứu đánh giá tác động sơ bộ. “Báo cáo sơ bộ cho thấy việc lấp, lấn sông không tác động nhiều đến môi trường, đến dòng sông và có thể triển khai dự án. Chưa đủ căn cứ nhưng vẫn cứ làm. Vì vậy, hiện Bộ TN-MT đang yêu cầu các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu đến cùng, nghiên cứu tiếp xem có tác động hay không tác động”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, tùy theo tác động nhiều hay ít sẽ quyết định xử lý như thế nào. Bộ trưởng cho biết có quan điểm cho rằng trường hợp có tác động lớn đến dòng chảy, nhưng do dự án đã tiến hoàn thành việc san lấp, kè bờ sông thì vẫn phải cho đào, múc lên. “Song nếu không có tác động lớn thì phải xem xét để xây dựng thành khu công cộng nhưng thống nhất chắc chắn không làm đô thị ở đây”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói. Trả lời câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm với Sở TN-MT Đồng Nai như thế nào khi lập báo cáo tác động môi trường chưa tuân thủ quy định, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết việc xử lý còn “chờ kết quả cuối cùng”. “Lúc đó sẽ bàn, cứ theo đúng luật mà làm, ai sai thì người đó phải chịu”, Bộ trưởng Quang cho biết.
Cẩm Nguyên (ghi)

Mạnh Quân – Trường Sơn – Anh Vũ