10/01/2025

1.757 tỉ đồng tổ chức SEA Games 2021

Đây là tổng kinh phí dự kiến việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 ở Hà Nội, vừa được Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ.

 

1.757 tỉ đồng tổ chức SEA Games 2021

 

 

Đây là tổng kinh phí dự kiến việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 ở Hà Nội, vừa được Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ.




Dự kiến chi phí cải tạo SVĐ Mỹ Đình và Trung tâm HL& thi đấu TDTT Hà Nội là 108 tỉ đồng - Ảnh: Nam Khánh
Dự kiến chi phí cải tạo SVĐ Mỹ Đình và Trung tâm HL& thi đấu TDTT Hà Nội là 108 tỉ đồng – Ảnh: Nam Khánh

Trong số này, 803 tỉ đồng được dùng để sửa chữa và nâng cấp các công trình thể thao, 954 tỉ đồng được dùng cho công tác tổ chức đại hội. Tổng kinh phí thu được từ SEA Games 31 dự kiến là 190 tỉ đồng.

Chỉ sửa chữa, không xây mới bằng ngân sách

Chính phủ đã chỉ đạo không dùng tiền ngân sách để xây mới công trình thể thao cho SEA Games 2021. Vì thế thay vì chọn TP.HCM là nơi đăng cai SEA Games, Bộ VH-TT&DL đã chọn Hà Nội và xây dựng đề án tổ chức. Lý do bởi hiện nay cả nước chỉ có Hà Nội đáp ứng tương đối đầy đủ cơ sở vật chất để tổ chức SEA Games.

Theo đề án, tổng kinh phí cho việc chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 là khoảng 1.757 tỉ đồng (tương đương 78 triệu USD, tại thời điểm tỉ giá USD là 22.500 VNĐ/USD). Trong số đó chi phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 803 tỉ đồng, kinh phí tổ chức SEA Games là 954 tỉ đồng. Dự toán này được xây dựng trên điều kiện không có công trình thể thao nào được xây mới, trong trường hợp phải xây mới thì lấy từ nguồn vốn xã hội hoá.

Kinh phí cải tạo, sửa chữa các công trình thể thao tiêu tốn 803 tỉ đồng được chi cụ thể như sau: cải tạo SVĐ Mỹ Đình và Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội 108 tỉ đồng; Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình 48 tỉ đồng; cải tạo trường bắn súng, bắn cung, bắn đĩa bay Trung tâm HLTTQG Hà Nội 213 tỉ đồng; Cung thể thao Quần Ngựa (thi môn thể dục) 40 tỉ đồng; cải tạo sân bóng đá tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng 70 tỉ đồng…

Riêng môn quần vợt, để đáp ứng yêu cầu tổ chức SEA Games phải có một cụm 8 – 10 sân thi đấu theo tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên ở Hà Nội không có. Theo đề án, cần phải xây mới cụm sân quần vợt này, lắp khán đài di động để tiết kiệm chi phí, khoản xây sân quần vợt sẽ được đầu tư theo phương thức xã hội hoá không tính vào chi phí của đề án. Tiền sửa chữa, nâng cấp được lấy từ nguồn kinh phí phân bổ hằng năm trong giai đoạn 2016 – 2021 cho các đơn vị trực tiếp quản lý công trình thể thao.

Về kinh phí tổ chức SEA Games 2021, khoảng 954 tỉ đồng được chi cho những công việc cụ thể sau: trung tâm điều hành SEA Games 20,2 tỉ đồng; lễ tân khánh tiết 19,8 tỉ đồng; khai mạc, bế mạc đại hội 50 tỉ đồng; công tác chuyên môn kỹ thuật (tổ chức thi đấu, mua sắm trang thiết bị thi đấu) 383 tỉ đồng; công tác giao thông, hậu cần và dịch vụ công cộng 261 tỉ đồng; công tác thông tin và truyền thông 110 tỉ đồng; kiểm tra doping 31 tỉ đồng; công tác an ninh 44 tỉ đồng… Nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn ngân sách Chính phủ cấp cho Bộ VH-TT&DL vào năm 2021.

Đồ họa: Mạnh Tánh
Đồ hoạ: Mạnh Tánh

750 tỉ đồng để đào tạo VĐV và HLV

Theo đề án, SEA Games 31 sẽ diễn ra cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định và Hoà Bình. Đại hội sẽ diễn ra 17 ngày, trong đó môn bóng đá sẽ thi đấu trước ngày khai mạc bảy ngày, một ngày khai mạc, chín ngày thi đấu chính thức. SEA Games 31 dự kiến có sự góp mặt của 11 đoàn đến từ 11 quốc gia Đông Nam Á. Tổng số người tham gia đại hội gần 20.000 người, trong đó có 7.000 VĐV.

Một điểm rất tích cực là SEA Games 31 sẽ được tổ chức hầu hết các môn thi trong chương trình Asiad và Olympic. Theo đó, đại hội sẽ tổ chức 30 – 36 môn thi, được chia làm ba nhóm: nhóm 1: điền kinh, thể thao dưới nước; nhóm 2: 23 môn thể thao trong chương trình thi đấu Asiad và Olympic; nhóm 3: năm môn thể thao khác mà VN có thế mạnh là: cờ vua, silat, vovinam, đá cầu,
 bi sắt.

Để chuẩn bị mục tiêu giành thành tích tốt tại SEA Games 2021, đề án đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng VĐV và HLV thể thao. Theo đó, ngành thể thao sẽ hỗ trợ các địa phương đào tạo khoảng 1.000 VĐV của 18 môn thể thao trọng điểm. Chương trình đào tạo này sẽ có ba dự án với tổng kinh phí 750 tỉ đồng, lấy từ ngân sách cấp hằng năm cho sự nghiệp thể thao của Bộ VH-TT&DL và các địa phương trên cả nước.

Theo đề án này, kinh phí thu về chỉ là 190 tỉ đồng. Trong số này, nguồn thu từ khai thác bản quyền truyền hình 65 tỉ đồng; thu tiền ăn ở của các đoàn 100 tỉ đồng; thu từ tiền tài trợ chỉ vỏn vẹn 25 tỉ đồng.

Theo số liệu của Bộ VH-TT&DL báo cáo Chính phủ, chi phí tổ chức SEA Games 28 mà Chính phủ Singapore bỏ ra là 324,5 triệu đôla Singapore (tương đương 5.200 tỉ đồng). Tổng số tiền tài trợ thu được của đại hội là 50 triệu đôla Singapore (tương đương 800 tỉ đồng).

Tổ chức SEA Games là nghĩa vụ của Việt Nam

Theo thống kê, đến thời điểm năm 2015 Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia đã 6 lần tổ chức SEA Games. Singapore và Indonesia mỗi nước tổ chức SEA Games 4 lần, Myanmar và Philippines mỗi nước tổ chức 3 lần. Brunei, Lào, VN mỗi nước tổ chức 1 lần. Campuchia, Đông Timor chưa tổ chức lần nào. Theo điều lệ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), năm 2023 mới đến lượt VN phải đăng cai đại hội. Tuy nhiên do điều kiện đặc thù, Campuchia đã xin được đăng cai SEA Games 2023 nên SEAGF đề nghị VN đăng cai vào năm 2021.

Ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết đề án được trình xin ý kiến Chính phủ, sau đó sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị. Uỷ ban Olympic VN sẽ chính thức có câu trả lời với SEAGF về việc VN đăng cai SEA Games 2021 vào tháng 4-2016. Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Động – giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội – cho biết Sở VH-TT&DL Hà Nội đồng ý về mặt chuyên môn nghiệp vụ phương án tổ chức SEA Games 2021 của Bộ VH-TT&DL. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo UBND TP Hà Nội, đến thời điểm này Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có cuộc làm việc nào với UBND TP Hà Nội để nói về việc Hà Nội đăng cai SEA Games 2021.

Ba dự án đào tạo VĐV và HLV

Dự án 1: đầu tư trọng điểm cho các VĐV xuất sắc giành chuẩn tham dự Asiad và Olympic, kinh phí 210 tỉ đồng. Ngành thể thao sẽ tập trung đầu tư cho 20 VĐV xuất sắc ở 7 môn thể thao trọng điểm là: điền kinh (5 VĐV tập huấn tại Mỹ), bơi lội (3 VĐV tập huấn tại Mỹ), thể dục (2 VĐV tập huấn tại Nhật Bản), cử tạ (2 VĐV tập huấn tại Hungary), bắn súng (6 VĐV tập huấn tại Hàn Quốc), đấu kiếm (1 VĐV tập huấn tại Hungary), xe đạp (1 VĐV tập huấn tại Hàn Quốc) hướng tới mục tiêu giành HCV Asiad 2018, huy chương Olympic 2020, đạt thành tích cao tại SEA Games 2021.

Dự án 2: hỗ trợ đào tạo tài năng thể thao các môn trọng điểm tại các địa phương và ngành, kinh phí thực hiện 520 tỉ đồng. Dự án này sẽ có 980 VĐV của 18 môn thể thao trọng điểm được đầu tư.

Dự án 3: đào tạo và bồi dưỡng HLV thể thao với kinh phí 20 tỉ đồng.

 

KHƯƠNG XUÂN ([email protected])