Vợ chồng yêu… rác
Ông xòe đôi lòng bàn tay to bẹ đặc trưng của mình ra ôm mớ rác rồi thả rơi xuống đất, nói: “Người ta bảo tôi điên. Rác rưởi là thứ hôi hám, người ta vứt đi thì tôi lại tìm nhặt. Nhưng tôi có lý lẽ của riêng mình”.
Vợ chồng yêu… rác
Ông xòe đôi lòng bàn tay to bẹ đặc trưng của mình ra ôm mớ rác rồi thả rơi xuống đất, nói: “Người ta bảo tôi điên. Rác rưởi là thứ hôi hám, người ta vứt đi thì tôi lại tìm nhặt. Nhưng tôi có lý lẽ của riêng mình”.
Ông Lê Thiện An gắn bó với xử lý rác nên đã lấy địa chỉ email của mình là [email protected] – Ảnh: B.D. |
Mà đúng là điên thật! Đường đường là một đại gia chân đất, rẫy nương mênh mông, người ta có tiền thì đổ xô kinh doanh gỗ, bất động sản nhưng ông lại làm ngược lại: bán gần cạn đất đai, tài sản, vợ chồng vào dựng chòi ở… bãi rác.
Tôi và vợ mê rác cháy bỏng. Tôi muốn sống với đam mê thì có gì điên? Người ta nói rằng rác là thứ tận cùng của hoạt động sống, nhưng với tôi nó là thứ bắt đầu. Thứ người ta vứt đi thì tôi có thể làm nó sống lại được, sinh lợi được. Tôi gom rác, xử lý, rồi dùng nguồn đó hỗ trợ người khó khăn, làm cho môi trường trong lành. Đó là cách tôi làm từ thiện |
Ông LÊ THIỆN AN |
Người và rác
Thật khó hình dung cặp vợ chồng Lê Thiện An và bà Kpă Thị Thu Phương đứng trước mặt tôi là một đại gia của xứ hồ tiêu Tây nguyên. Những năm 2004 – 2005, dân Tây nguyên trúng cà phê, tiêu rồi giàu lên một cách chóng vánh. Gia đình ông giàu từ đó.
Vợ ông An bịt kín mặt, đội nón trùm kín mít, đưa tay khơi từng đụn rác rồi kể với tôi: “Có tiền rồi muốn kinh doanh gì chẳng được, người ta trúng cà phê, trúng tiêu rồi đổ xô đi kinh doanh vật liệu xây dựng, mở khách sạn, có người ôm đất… có người giàu nhưng cũng có người trắng tay. Còn vợ chồng tôi thì một ý chí: quyết bỏ hết tất cả để theo rác”.
Buổi chiều cao nguyên cách đây chục năm về trước, ông An lấy chiếc xe máy nói vợ ngồi lên rồi thẳng tiến về hướng các xã. “Gớm, vợ chồng già rồi mà đèo nhau lãng mạn quá, đi đâu vậy? – người quen hỏi. Vợ ông níu hông chồng cười nghiêng ngả, bảo: “ôi dồi ôi, tụi tôi đi xem… rác”.
Ở đâu có rác là vợ chồng lại đèo nhau đi. Thấy đống rác là vợ chồng lại lật đật chống xe xuống rồi lấy cành cây khều lên “phân tích”: rác này rác hữu cơ, rác này vô cơ, cái này tái chế được, cái này phải đốt đi. Rồi cả hai cùng cám cảnh khi thấy rác vương vãi khắp nơi, bản làng bị rác vấy bẩn…”.
“Tôi yêu rác. Vợ tôi cũng yêu. Vợ chồng cứ về nhà mở mạng là truy cập tìm… rác trên Internet, có nhà máy xử lý rác nào hay, công nghệ nào mới là truy cập. Tôi ăn cũng nghĩ đến rác, ngủ cũng nghĩ đến rác, vì thế khi chuyển qua làm kinh doanh tôi lấy cái tên hộp thư điện tử của mình là [email protected], có người đọc mail xong rồi đùa là An rác hay… ăn rác đều đúng. Cứ nghe vậy là tôi khoái” – ông An nói rồi cười hề hề.
Giấc mơ… rác
“Sự nghiệp rác” của cặp vợ chồng nông dân Lê Thiện An và Kpă Thị Thu Phương bắt đầu từ năm 2008. Sau nhiều đêm bàn bạc với nhau, bà Phương khăn gói cho chồng vào Bình Dương, Đồng Xoài, rồi ra Bắc tìm… giấc mơ rác.
Ông bà muốn thành lập một công ty rác cho riêng mình, làm chủ một dây chuyền xử lý rác thải và tạo ra sinh kế cho đồng bào nơi mình sinh sống.
“Mỗi lần ông ấy đi tôi ở nhà cuốc rẫy, thuê người kinh doanh quán ăn để lấy tiền cho ông ấy đi. Lần nào đi cũng mang theo lộ phí 18 – 20 triệu đồng, đến các nhà máy để học, tìm hiểu xong quy trình chế biến rác thì mất khoảng 15, 16 lần đi như thế” – bà Phương kể.
Nhờ có bạn bè tư vấn, giúp sức, sau khi trở về ông An đã hình dung được trong đầu mình một nhà máy chế biến rác. Hai vợ chồng tất tưởi chở nhau đến huyện, tới Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Kế hoạch – đầu tư trình hồ sơ xin làm thủ tục.
Cuối năm 2009, nhà máy rác của ông An, bà Phương được bắt đầu xây ở cạnh bãi rác huyện Chư Sê – cách thị trấn 8km. Ông An bảo lúc đó toàn bộ nương rẫy, nhà mặt tiền ở thị trấn được bán sạch, được đâu hơn 6 tỉ đồng rồi trút hết vào nhà máy.
Xây được giữa chừng thì sạch vốn, vợ chồng ông An cầm sổ đỏ căn nhà gõ cửa ngân hàng, nhưng khi nghe đầu tư vào bãi rác, ngân hàng lắc đầu. Vợ chồng tìm đến nhà người quen, anh em, họ cũng ngao ngán lắc đầu: “Tụi bây điên rồi. Ở thị trấn kinh doanh sạch sẽ, ăn nên làm ra không làm tự nhiên chui vào bãi rác”.
Nhiều công nhân ở nhà máy chế biến rác của ông An kể lại làm chúng tôi quá bất ngờ. Từ những ngày bắt đầu xây nhà máy chế biến rác, họ thấy một túp lều được dựng lên bên bãi rác. Hai vợ chồng “đại gia” Lê Thiện An và Kpă Thị Thu Phương ôm chăn màn ra dựng lều nấu cơm rồi ở hẳn luôn tại đó. Hằng ngày đi canh rác, coi sóc nhà máy.
“Em ruột của tôi ở Đà Nẵng lên thăm, thấy vợ chồng tôi sống như thế thì quát bảo là không thể hiểu nổi. Rồi nó nói phải đưa thằng cháu – là con trai tôi – về Đà Nẵng học hành, nuôi nấng chứ không rồi… mê rác như cha mẹ nó thì hỏng” – ông An kể lại.
Sống với bãi rác, với nhà máy được năm năm thì đến cuối năm 2014 nhà máy chế biến rác của vợ chồng ông An sừng sững dựng lên giữa vùng đất lởm chởm đá tảng. Có nhà máy, vợ chồng lại đi vào làng tuyển người làm, cứ ai thuộc diện hộ nghèo, con cái nheo nhóc, làm ăn khó khăn là ông bà đưa vào. Những người dân Ja Rai vốn quen với cuốc xẻng, lúa bắp bỗng được vào làm “công nhân” ai cũng vui hẳn.
“Mình làm trong này sướng hơn, tháng được hơn 3 triệu đồng, con cái đi học ốm đau gì cũng đỡ lo tiền nong hơn” – Rơ Lan Yên, công nhân trong nhà máy rác của ông An, nói.
Lý lẽ của… rác
Vợ chồng ông An, bà Phương đặt tên cho xưởng rác của mình là Công ty đầu tư phát triển môi trường Phương Hướng. Nói là công ty cho oách chứ thật ra đó mới chỉ là mấy dãy nhà dựng lên giữa bãi rác, mấy phòng cho 23 công nhân người địa phương ở. Ông An bà Phương hằng ngày chẳng về ngôi nhà sạch sẽ của mình tại thị trấn mà ở luôn trong những dãy nhà đó, suốt ngày miệt mài với rác. Ông An nói: “Tôi nói anh không tin chứ một giờ không ở bãi rác tôi không chịu được. Vợ tôi cũng bảo thế”.
Vợ chồng ông dọn cơm mời chúng tôi ở lại. Bữa cơm đạm bạc bên bãi rác được lũ ruồi lao vào xâu xé. Ông An không buồn xua, lại bảo: “Tôi quen rồi, ruồi muỗi hay chuột bọ, hay hôi hám gì cũng chịu được hết, miễn là được sống ở đây”. Ông nói mình đã trải qua nhiều nghề, nhưng mỗi lần đứng nhìn nhà máy chạy băng chuyền, đưa những đụn rác nhơ nhớp vào máy nghiền rồi phân loại, ép thành các bịch nhựa, các đống phân hữu cơ… lòng ông vui đến lạ lùng. “Rác là thứ vô cùng kỳ diệu” – ông An xuýt xoa.
Nhà máy xử lý rác của vợ chồng ông An đến nay đã đầu tư số tiền gần 16 tỉ đồng. Nhà máy bài bản với hệ thống phân loại rác bán tự động, hệ thống lò đốt, lò ủ phân vi sinh.
Mỗi ngày nhà máy tiêu thụ khoảng 100 tấn rác nhưng ông An cho biết hiện nay do nguồn rác chưa đủ, ông mới chỉ xử lý rác ở quanh huyện, đang tính mở rộng thu gom qua các huyện khác. Doanh thu của nhà máy dựa trên ba nguồn: phí xử lý rác từ Nhà nước, phân vi sinh từ rác, phụ phẩm tái chế.
Ủng hộ hết mình Ông Phạm Duy Du, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Gia Lai, cho biết nhà máy xử lý rác thải của ông Lê Thiện An là mô hình xã hội hoá trong lĩnh vực xử lý rác thải đầu tiên ở Gia Lai. Rác thải là lĩnh vực “khó xơi”, vốn đầu tư lớn và lợi nhuận không cao nên nhiều đơn vị e dè. Việc ông An là một nông dân nhưng đã trút ra một số tiền lớn đầu tư nhà máy rác thải là việc rất được tỉnh khích lệ, ủng hộ, góp phần làm sạch môi trường vùng nông thôn. |