04/01/2025

Tranh luận về cung điện Đan Dương của vua Quang Trung

Chiều 30.10 tại TP.Huế đã diễn ra hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế. Cuộc hội thảo lại một lần nữa xảy ra tranh cãi giữa công trình nghiên cứu về cung điện Đan Dương của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với các nhà nghiên cứu khác ở Huế.

 

Tranh luận về cung điện Đan Dương của vua Quang Trung

 

 

Chiều 30.10 tại TP.Huế đã diễn ra hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế. Cuộc hội thảo lại một lần nữa xảy ra tranh cãi giữa công trình nghiên cứu về cung điện Đan Dương của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với các nhà nghiên cứu khác ở Huế.



 

Các nhà nghiên cứu khảo sát khu vực chùa Thiền Lâm và vùng phụ cận mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng là nơi từng tồn tại Cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn - Ảnh: B.N.LCác nhà nghiên cứu khảo sát khu vực chùa Thiền Lâm và vùng phụ cận mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng là nơi từng tồn tại Cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn – Ảnh: B.N.L
Hội thảo do Sở VH-TT-DL tỉnh cùng Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức với sự tham dự chủ trì của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN.
Hội thảo tập trung thảo luận về công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đã được in thành sách và tái bản lần thứ hai) có tên Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hoá, năm 2007).
Dựa vào tư liệu lịch sử
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đưa ra nhiều nguồn tư liệu gồm cả tư liệu sử trong nước, chính sử triều Nguyễn và cả những ghi chép của các nhà nghiên cứu, nhà du hành nước ngoài (chủ yếu là Pháp) để chứng minh luận điểm của mình rằng cung điện Đan Dương, cũng là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, vốn được hình thành từ cung điện mùa đông của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (phủ Dương Xuân) sau này đã bị Gia Long phá hủy vào năm 1801.
Mấu chốt công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân đã dựa vào câu: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả, câu nguyên chú trong tác phẩm Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm, một trọng thần của vua Quang Trung, trong tập thơ đi sứ sang Trung Quốc (năm 1793) cùng các bài thơ của Phan Huy Ích .
Theo ông Xuân, ngày 29.7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài và ghi một lời chú ở dưới bài thơ. Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả chú: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”, như đã dẫn ở trên. Đây là một nguyên chú ở dưới bài thơ chứ không phải là một câu thơ trong một bài thơ. Ngoài ra, ông Xuân còn dẫn nhiều tư liệu của Ngô Thì Nhậm có nhắc đến Đan Lăng: bài Khâm vãn Đan Dương Lăng (Kính viếng lăng Đan Dương); bài Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ miếu, cung ký (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ, kính ghi); bài Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tải Đan Lăng, kính ghi), trong bài thơ này lại có câu: “Sơn Lăng vạn cổ điện Thần kinh” (Sơn Lăng muôn thuở là nơi yên nghỉ tinh thần).
Nhiều phản biện
Tại hội thảo, bên cạnh những tham luận đồng tình với luận điểm của Nguyễn Đắc Xuân đã có rất nhiều ý kiến phản biện công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân. Nhà nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Anh Huy (TP.Huế) cho rằng, những văn bản chữ Hán mà ông Nguyễn Đắc Xuân dùng không phải là văn bản gốc mà đã qua sao chép và có sai sót. Cụ thể trong câu: “Đan Dương cung điện phụng ngã ?.?. tiên hoàng tàng bảo y chi sơn”, nghĩa là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Sau chữ ngã còn có hai khoảng trống, như vậy ở đây văn bản đã bị mất hai chữ quan trọng. Tương tự ở văn bản nguyên chú của Phan Huy Ích viết về thái sư Bùi Đắc Tuyên, có chữ Tuyên bị viết sai thành chữ Nghi rồi được sửa lại thành chữ Tuyên. Thêm nữa, theo ông Huy, phủ Dương Xuân đã bị quân Trịnh đập phá vào năm Ất Mùi (1775) để lấy gỗ làm củi đúc tiền, nên không thể có phủ Dương Xuân tồn tại cho đến khi Tây Sơn chiếm Phú Xuân để trưng dụng làm cung điện Đan Dương.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (TP.Huế) trong tham luận của mình cũng cho rằng không có cung điện Đan Dương tại Huế mà chỉ có Đan Lăng, nơi an táng vua Quang Trung. Tuy vậy dẫn địa bạ sơ đồ điền thổ của làng Bình An (vào thời Duy Tân) có một thửa đất khá gần chùa Thiền Lâm, ở vị trí phía đông của chùa Từ Đàm có ghi rằng “cựu hoàng lăng”. Phải chăng nên tìm hiểu địa điểm này để truy tìm lăng mộ vua Quang Trung.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cũng không thừa nhận những kiến giải của ông Xuân về cung điện Đan Dương, với lý do ông Xuân chỉ dùng tư liệu sử kết hợp với điền dã rồi suy diễn mà không chỉ ra được tư liệu nào khẳng định chắc chắn đó là cung điện Đan Dương.
Cần khai quật khảo cổ học
Kết luận buổi hội thảo, GS Phan Huy Lê cho rằng có thể kết luận được mấy mấu chốt quan trọng. Thứ nhất, đã xác định chùa Thiền Lâm chính là nơi mà Thái sư Bùi Đắc Tuyên từng chiếm dụng làm nơi làm việc. Thứ hai, các tư liệu của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích hiện là những tài liệu quý giá bậc nhất trong việc nghiên cứu về cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung mà hiện chúng ta có được. GS.Phan Huy Lê cũng đề xuất để có thêm cứu liệu cần thiết phải có cuộc khai quật khảo cổ học khu vực chùa Thiền Lâm mở rộng.

 

Bùi Ngọc Long