01/01/2025

Ai giao việc gì cũng làm 
thì giới hạn ở đâu?

Rất đông ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ, sau các bài viết liên quan câu nói “Tôi không bao giờ nói: Không phải việc của tôi” của Nguyễn Tiến Huy. Nhiều ý kiến đồng tình, và có ý kiến phản biện.

 VIỆC CỦA TÔI HAY VIỆC CỦA AI?

Ai giao việc gì cũng làm 
thì giới hạn ở đâu?

 

 

Rất đông ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ, sau các bài viết liên quan câu nói “Tôi không bao giờ nói: Không phải việc của tôi” của Nguyễn Tiến Huy. Nhiều ý kiến đồng tình, và có ý kiến phản biện.




TS Trần Hữu Đức - Ảnh: Lê Tiên
TS Trần Hữu Đức – Ảnh: Lê Tiên

Theo ý kiến cá nhân tôi, quan điểm của anh Nguyễn Tiến Huy không bao giờ nói “không phải việc của tôi” là không sai nhưng cũng chưa đúng.

Bạn không có khả năng từ bỏ bất cứ việc gì sao?

Các bạn trẻ thế kỷ 21 ngày nay ít trách nhiệm hơn thế hệ trước rất nhiều. Khi giao một việc gì, ví dụ như đi tình nguyện Mùa hè xanh ở vùng cao một tháng chẳng hạn, các bạn không từ chối ngay mà điều đầu tiên các bạn ấy nghĩ đến là việc đó có ích gì, tại sao mình phải làm việc đó.

Ưu tiên hàng đầu là các bạn phải thấy được bản thân mình trong công việc, phải thỏa nhu cầu bản thân trước rồi mới cống hiến cho cái chung. Điều này khiến tính trách nhiệm của các bạn ít hơn thế hệ trước. Ở đây, tôi nghĩ các bạn cần học hỏi tinh thần và thái độ của anh Nguyễn Tiến Huy là xông xáo, không tính toán so đo thiệt hơn, luôn ưu tiên công việc chung.

Tuy nhiên, quan điểm của Huy cũng không đúng hoàn toàn vì khi ai giao việc gì bạn cũng nhận thì giới hạn của bạn là ở đâu? Bạn không có khả năng từ bỏ bất cứ việc gì sao? Theo tôi, từ bỏ đúng việc, đúng người, đúng lúc mới là đỉnh cao của tinh thần trách nhiệm.

Trên con đường lập nghiệp để trở thành một giám đốc nhân sự như ngày nay, tôi cũng phải từ chối rất nhiều thứ. Đơn giản là trong hàng vạn quyển sách, tôi chọn quyển Goals của tác giả Brian Tracy và từ đó xác định được ước mơ, con đường lập nghiệp của mình.

Khi đậu vòng phỏng vấn tuyển dụng của Tập đoàn khai thác dầu khí BHP, họ đưa tôi danh sách 103 vị trí tôi có khả năng làm và tôi chỉ chọn hai vị trí thật sự phù hợp với mình. Tôi luôn phải nhận thức mình thật sự là ai, có khả năng làm gì để không bao giờ đi chệch con đường. Câu nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” vẫn đúng đến ngày nay, chúng ta không thể nào ôm đồm tất cả mọi thứ được.

3 bước xác định khi nào cần từ chối

Như tôi đã nói, biết từ chối đúng việc, đúng người, đúng lúc là đỉnh cao của tinh thần trách nhiệm. Trước yêu cầu của sếp và công việc, theo tôi trước khi nhận, chúng ta cần hỏi bản thân ba điều: “Bạn là ai?”, “Vai trò của bạn là gì?”, “Năng lực của bạn tới đâu?”.

Xác định được đúng quyền hạn của mình sẽ cho bạn biết là mình có thật sự cần phải nhận công việc đó hay không. Nếu muốn nhận để gây ấn tượng và tạo mối quan hệ tốt với sếp thì bạn hãy tự hỏi mình câu tiếp theo. Nếu công việc đề xuất hoàn toàn nằm ngoài chuyên môn và khả năng thích ứng của bạn thì việc cố nhận chỉ dẫn đến thất bại.

Còn nếu bạn có khả năng học hỏi điều mới nhanh và tốt như câu chuyện bạn Nguyễn Tiến Huy chia sẻ thì hãy đến với câu hỏi cuối cùng: “Bạn có đủ thời gian để hoàn thành hay không?”. Bạn phải hoàn toàn có khả năng kiểm soát, dành thời gian cho công việc mới và đảm bảo hiệu quả việc mình đang làm thì mới có thể nhận được. Việc ôm đồm nhiều thứ và không thể hoàn thành chỉ gây ra ấn tượng xấu trong mắt sếp.

Còn bạn, ý kiến của bạn như thế nào? Mời bạn chia sẻ về [email protected] hoặc phản hồi trên TTO (tuoitre.vn).

TS TRẦN HỮU ĐỨC 
(Giám đốc Tổ chức giải pháp phát triển của BBC GROUP), LÊ TIÊN ghi