04/01/2025

Lo sợ khi thấy “cục cộm cộm” ở ngực

Nhiều phụ nữ đã lo sợ đến “mất ăn mất ngủ” khi phát hiện có cục cộm cộm ở ngực. Hiện cứ 10 người đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám vú thì có tới 6 – 7 người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú.

 

Lo sợ khi thấy “cục cộm cộm” ở ngực

 

Nhiều phụ nữ đã lo sợ đến “mất ăn mất ngủ” khi phát hiện có cục cộm cộm ở ngực. Hiện cứ 10 người đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám vú thì có tới 6 – 7 người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú.



 

Siêu âm kiểm tra tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Siêu âm kiểm tra tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Ba năm trước chị V.T.H.T., 21 tuổi, ở Q.Bình Tân, TP.HCM, phát hiện có một cục cộm cộm ở bên vú phải. Khi nằm T. sờ thấy rõ cục cộm cộm hơn nhưng lúc đứng lại biến mất. T. lo sợ kể cho mẹ nghe.

Mẹ T. đưa T. đến khám tại một bệnh viện lớn trong TP.HCM. T. được bác sĩ cho sinh thiết xem bướu lành hay không. Kết quả sinh thiết: T. bị thay đổi sợi bọc tuyến vú. Bác sĩ tư vấn lúc nào có thời gian T. nên đến bệnh viện để mổ nang này ra.

Những người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, tránh tiêu thụ quá nhiều chất béo. Nên tránh thức ăn, thức uống có nhiều caffein trong cà phê, trà đậm, sôcôla… vì nếu ăn, uống nhiều sẽ làm tình trạng thay đổi sợi bọc khó chịu hơn, ngực căng, nhức hơn

TS.BS ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH

Nhiều năm lo sợ

Lần khám tiếp theo, T. chuẩn bị mổ nang nhưng thật bất ngờ lúc khám xong bác sĩ (khác với lần khám trước) lại nói T. chỉ bị thay đổi sợi bọc tuyến vú, không cần phải mổ. Bác sĩ này nói mổ sẽ gây biến dạng ngực mà cũng không giải quyết được chuyện gì và dặn T. chỉ cần theo dõi định kỳ.

Sáu tháng sau, T. đến bệnh viện này khám lại. Trong lúc siêu âm ngực, T. nghe bác sĩ siêu âm nói: “Sao còn nhỏ mà nhiều nang vậy? Bị thế này nguy cơ bị ung thư cao hơn bình thường” làm T. lo lắng. Từ đó về nhà ai chỉ thuốc nam, thuốc bắc nào tốt T. đều mua uống.

Gần đây, T. đến khám tại một bệnh viện phụ sản trong TP. Bác sĩ nói T. bị thay đổi sợi bọc tuyến vú, chỉ cần theo dõi định kỳ. Sau nhiều lần đi khám bệnh, T. thấy rất hoang mang vì không biết bệnh của mình có nguy hiểm không, có cần thiết phải mổ không?

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, khẳng định thay đổi sợi bọc tuyến vú (trước đây gọi là xơ nang tuyến vú) là những thay đổi bình thường của vú. Thay đổi sợi bọc thường gặp nhất trong độ tuổi từ 30-50, khoảng tuổi hoạt động nội tiết mạnh, chứ sau tuổi 50 sẽ bớt dần vì khi đó buồng trứng hết hoạt động.

Cho đến nay y khoa chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này nhưng nghĩ nhiều đến sự thay đổi của nội tiết tố tác động đến những sợi bọc của tuyến vú, đặc biệt ở những phụ nữ có nồng độ nội tiết tố biến động quá nhiều.

Thay đổi sợi bọc là trong mô vú có mô sợi nhiều, xen kẽ với mô sợi là những bọc, những nang chứa dịch bên trong. Có những công trình nghiên cứu cho thấy có đến 60% phụ nữ bị tình trạng này.

Phụ nữ bị thay đổi sợi bọc tuyến vú có khi không có triệu chứng gì. Họ được bác sĩ siêu âm phát hiện trong một lần đi khám sức khoẻ định kỳ. Cũng có những phụ nữ bất chợt vào ngày nào đó sờ thấy trên ngực có cái gì lợn cợn, sau đó đến bác sĩ khám. Thay đổi sợi bọc tuyến vú thường xảy ra ở cả hai bên ngực.

Tránh bỏ sót nguy cơ ung thư

Không ít chị em đã hoang mang lo sợ khi phát hiện ra sự “thay đổi trên ngực” này. Ngay cả khi kết quả siêu âm chỉ cho thấy một cái nang, thay đổi sợi bọc hay mô sợi nhiều họ vẫn lo lắng hỏi bác sĩ: “Có bị ung thư không?”, “Có nguy cơ bị ung thư không?”, “Bị như vậy có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?”…

Theo bác sĩ Quốc Thịnh, đến nay trong y văn chưa có nghiên cứu nào khẳng định thay đổi sợi bọc làm tăng nguy cơ bị ung thư vú. Tuy nhiên, ở những người bị thay đổi sợi bọc tuyến vú, việc chẩn đoán, tầm soát, phát hiện sớm ung thư nếu có lại khó khăn hơn. Bởi trong mô vú có nhiều mô sợi lẫn lộn nên khi khám bằng tay bác sĩ dễ lẫn lộn về cảm giác.

Ngay cả khi siêu âm cũng có thể làm hình ảnh bị lẫn lộn. Chính vì những lý do này, bác sĩ khám cho những phụ nữ có thay đổi sợi bọc càng phải tỉ mỉ, cẩn thận, tránh chủ quan, bỏ sót.

Một câu hỏi là tại sao chỉ bị thay đổi sợi bọc mà bác sĩ vẫn phải làm sinh thiết? Theo bác sĩ Quốc Thịnh, có chỉ định này hay không phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh của êkip chẩn đoán.

Dựa trên nhiều yếu tố, nhất là khi bác sĩ siêu âm thấy một vài vùng không an toàn, có những vùng bị vôi hoá… sẽ khuyến cáo bác sĩ lâm sàng làm thêm sinh thiết.

 

THUỲ DƯƠNG ([email protected])