07/01/2025

Tấn công tham nhũng quyết liệt hơn nữa

Dành cả ngày để nghe báo cáo và thảo luận cho ý kiến về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các cơ quan tư pháp, nhiều ĐBQH hôm qua cho rằng cần nhiều biện pháp mạnh để chuyển sang thế tấn công tham nhũng.

 

Tấn công tham nhũng quyết liệt hơn nữa

 

Dành cả ngày để nghe báo cáo và thảo luận cho ý kiến về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các cơ quan tư pháp, nhiều ĐBQH hôm qua cho rằng cần nhiều biện pháp mạnh để chuyển sang thế tấn công tham nhũng.


 


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến             - Ảnh: TTXVNĐại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến – Ảnh: TTXVN
Theo Báo cáo Chính phủ năm 2015, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ tham nhũng; Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố 178 vụ, 317 bị can, giảm 61 vụ so với cùng kỳ; Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, giảm 19 vụ so với cùng kỳ; TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ; giảm 27 vụ so với cùng kỳ…
“Nghe giảm dân lại lo”
 
 
Tấn công tham nhũng quyết liệt hơn nữa - ảnh 2
Dạng tham nhũng tinh vi nhất ít được đề cập là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng để hưởng lợi cá nhân
Tấn công tham nhũng quyết liệt hơn nữa - ảnh 3
 
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
 

Đề cập đến số liệu các vụ án tham nhũng được phát hiện, truy tố, xét xử trong năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ, Viện KSND tối cao và TAND tối cao đều giảm sâu so với năm ngoái, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng “có những loại tội phạm giảm là thành tích cần phải biểu dương nhưng tội phạm tham nhũng giảm trong bối cảnh hiện nay khiến người dân bất bình, mất niềm tin và đó là khuyết điểm của các cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN)”.

“Báo cáo của Chính phủ đưa ra các đánh giá của các tổ chức quốc tế cho rằng tính minh bạch và PCTN của VN tăng nhiều bậc so với năm trước là không thuyết phục”, ĐB Học nói.
Theo ĐB Trần Đình Nhã, trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Uỷ ban T.Ư MTTQ thể hiện người dân tâm tư, lo lắng về tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi và tất cả ĐBQH cùng phải có trách nhiệm trả lời câu hỏi này.
“Nếu trả lời cử tri như báo cáo của Chính phủ với những nhận định tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị xã hội, thì tôi cho rằng nhân dân càng lo lắng hơn. Còn tôi thì trả lời thế này: Thưa cử tri, ngạn ngữ Mông Cổ có câu trong bão táp sa mạc trụ vững được cũng có nghĩa là bạn đã tiến lên. Trong cuộc chiến chống tham nhũng 10 năm qua thì chúng ta vẫn trụ vững, chúng ta có những giai đoạn cầm cự và phòng ngự được như thế là tốt lắm rồi. Thế nhưng cử tri sẽ hỏi thế bao giờ chúng ta sẽ phản công mà cứ trong thế giằng co phòng ngự mãi thế này”, ông Nhã nói và… tự trả lời: “Báo cáo của Chính phủ cho biết đang tổng kết toàn diện về khía cạnh pháp lý liên quan đến phòng chống tham nhũng, trong đó có sửa đổi luật. Nếu chờ sửa luật thì chắc phải đến năm 2018 chúng ta mới bắt đầu phản công.
“Mình cứ sợ cái gì đó nên không dám làm”
Theo ông Nhã, chống tham nhũng kém hiệu quả có nguyên nhân do tổ chức bộ máy, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi đã được đầu tư nhiều nguồn lực, có cơ quan chuyên trách và cơ quan chỉ đạo.
“Nếu QH có thời gian thì nên bàn về hoạt động của các ban chỉ đạo, không chỉ riêng Ban chỉ đạo về PCTN, tiêu tốn thời gian, tiền của nhà nước mà đã làm tốt hay chưa”, ông Nhã đề xuất và nói thêm: “Chống tham nhũng có nhiều giải pháp nhưng chúng ta không dám làm. Khi bị tham nhũng tấn công như thế ta phải dùng những biện pháp đặc biệt, như hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Thấy giàu lên phải chứng minh tài sản do đâu mà có, không chứng minh được là tham nhũng. Giải pháp hơi cực đoan nhưng sẽ có tác dụng”.
Phân tích thêm nguyên nhân việc phòng chống tội phạm, kể cả PCTN kém hiệu quả, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng đang có nhiều tồn tại, có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi”, trong đó việc giải quyết vướng mắc trong công tác giám định dẫn đến phải trả hồ sơ điều tra lại, xét xử lại các ngành nêu rất nhiều năm nhưng đến nay chưa giải quyết và mỗi kỳ báo cáo thì tồn tại lại tiếp tục nêu ra.
Đáng chú ý, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, để việc PCTN có hiệu quả hơn cần thành lập Uỷ ban Điều tra chống tham nhũng thay cho Ban Chỉ đạo PCTN hiện nay. “Uỷ ban này ở cấp T.Ư để bắt những cán bộ “to” tham nhũng còn mấy quan nhỏ thì công an làm được rồi. Phải giao cho họ đầy đủ quyền lực để làm nhưng mình cứ sợ cái gì đó nên không dám làm”, ĐB Thuyền nói.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: “Tham nhũng lớn thường xảy ra trong giải quyết những hợp đồng, cổ phần hoá hay phân phối ngân sách, xuất nhập khẩu, nhân sự, đấu thầu… Dạng tham nhũng tinh vi nhất ít được đề cập là tham nhũng chính sách, thông qua việc mua chuộc, chạy chọt để sửa đổi, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng để hưởng lợi cá nhân”.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lưu ý không nên coi thường nạn tham nhũng vặt, vì nó tác động không nhỏ vào niềm tin nhân dân, đạo đức xã hội, như hãy nghe tài xế taxi, lái xe đường dài kể về vi phạm của CSGT hay từ cán bộ cấp phường, xã.
“Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng âm vào tiền gửi của dân hàng chục ngàn tỉ, Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua 0 đồng, gánh toàn bộ những khoản nợ đó, nếu vài năm tới không thể xoá lỗ được thì nhà nước phải trả toàn bộ số tiền này. Cử tri cho rằng việc gánh nợ cho mấy ông tham nhũng, dù cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường”, ĐB Nghĩa lưu ý.
Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 55%
Báo cáo Chính phủ năm 2015 cho biết các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỉ đồng (đã thu hồi được trên 505 tỉ đồng, đạt 55,8%) và 9.887 m2 đất.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do quá trình điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm.
Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hoá tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả. Một số vụ án có yếu tố nước ngoài gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài, nhất là bất động sản…
Xu hướng tội phạm hiện nay rất khác
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cho biết các biện pháp được triển khai đã tạo bước chuyển biến tích cực, kiềm chế sự gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm trên nhiều lĩnh vực như: giảm vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở cả ba tiêu chí (số vụ giảm 8,6%, số người chết giảm 3,1%, số người bị thương giảm 12,6%), các tội phạm về cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, tội phạm vị thành niên đều giảm…
Tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở lĩnh vực an ninh chính trị với các hành vi chống phá, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự gây chia rẽ nội bộ, phát tán tài liệu qua mạng xã hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước; đã xảy ra một số vụ trọng án giết nhiều người gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, buôn lậu; khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng “xe vua” quá khổ, quá tải vi phạm gây ra tai nạn, ách tắc giao thông…
Đề cập trong hôm qua là dù các vụ án hình sự khởi tố mới năm 2015 giảm 7,5% so với năm ngoái nhưng quy mô, tính chất, mức độ tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội, ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) lo lắng:“Chưa bao giờ có nhiều vụ án mạng kinh hoàng như thế, xảy ra từ bắc đến nam. Lâu nay, chúng ta tập trung đấu tranh với các loại tội phạm băng nhóm, chuyên nghiệp nhưng xu hướng phạm tội hiện nay lại rất khác, những kẻ gây ra các vụ thảm sát kinh hoàng vừa qua không phải kẻ chuyên nghiệp. Điều đó đặt ra cho Chính phủ phải có những giải pháp thích ứng với tình hình hiện nay. Có vẻ như chúng ta không kiểm soát được tình hình, các vụ vừa qua được khám phá nhưng không có gì đảm bảo sắp tới sẽ không xảy ra”.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), những biểu hiện của tội phạm nêu trên cho thấy sự băng hoại của đạo đức, lối sống, của quan hệ gia đình, mà nguyên nhân là sự sa sút của văn hoá, sự bất lực của giáo dục. “Chúng ta đã phải trả giá cho sai lầm trong sự nghiệp “trồng người”. Từ thời cổ đại, giáo dục không hề chỉ là dạy chữ mà là dạy làm người và biết chữ, “tiên học lễ, hậu học văn”. Giáo dục cũng không hề chỉ là việc của thầy cô giáo, chỉ ở nhà trường”, ông Nghĩa nói.

 

Thái Sơn – Trường Sơn